2 dự án trọng điểm đang về đích

Những năm qua TPHCM triển khai hàng loạt công trình, chương trình trọng điểm nhằm giải quyết những vấn đề như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, môi trường đầu tư…

Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) và công trình siêu chống ngập 10.000 tỷ đồng, là 2 trong hàng loạt dự án nói trên đang được đẩy nhanh tiến độ.

Metro số 1: đưa vào khai thác cuối 2021

Tại buổi làm việc giữa nhà tài trợ JICA với Ban Quản lý đường sắt Đô thị TPHCM (MAUR) về tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 vừa diễn ra, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc MAUR, cho biết đơn vị này đang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai tăng tốc thi công các hạng mục tiếp theo của dự án, như lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu... trên toàn tuyến và hoàn thiện lắp đặt trang thiết bị tại các nhà ga, đảm bảo hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm 2020, phấn đấu đưa dự án vào vận hành khai thác cuối năm 2021.

Dự án chống ngập phía Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TPHCM) đã đạt được 72% khối lượng.

Dự án chống ngập phía Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TPHCM) đã đạt được 72% khối lượng.

MAUR đã cảm ơn sự hỗ trợ của JICA trong thời gian qua và đề nghị JICA tiếp tục phối hợp, hỗ trợ công tác giải ngân và hoàn trả tạm ứng; nhắc nhở nhà thầu Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đề xuất chính phủ Nhật Bản có các biện pháp hỗ trợ Việt Nam trong việc cho phép chuyên gia nước ngoài xuất/nhập cảnh vào Việt Nam và công tác nhập khẩu đoàn tàu của tuyến metro số 1. "MAUR hy vọng cùng JICA đồng hành, hỗ trợ và phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa dự án về đích, đáp lại sự mong chờ, tin yêu của người dân" - ông Cường chia sẻ.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên với chiều dài 19,7km gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao, có 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao), được khởi công xây dựng từ tháng 8-2012, với 4 gói thầu chính. Những ngày qua, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của nhà thầu Hitachi đã thực hiện các công đoạn kiểm tra kỹ thuật lần cuối cùng tại Nhật Bản, trước khi vận chuyển đoàn tàu thuộc tuyến metro số 1 về Việt Nam. Hiện tại, dự án metro số 1 đã đạt trên 70% khối lượng. Trong đó gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đã thực hiện gần 70% khối lượng công trình. Gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) đạt trên 80%. Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt gần 85%. Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 52,2%.

Cụ thể, tại ga Nhà hát TP, một trong 2 ga ngầm của gói thầu CP1b, các công nhân và kỹ sư trên công trường đang tiến hành đắp cát, rải đá cho kết cấu đường, chuẩn bị tháo dỡ rào chắn phía trước Nhà hát TP. Các hạng mục thi công tại tầng B1 của nhà ga đang được nhà thầu khẩn trương thực hiện như lát gạch sàn, ốp tường, ốp cột, thi công đóng trần, thang cuốn, hệ thống cơ điện... nhằm sớm hoàn thiện tầng B1 phục vụ người dân tham quan.

Siêu dự án chống ngập về đích trong tháng 10-2020

Dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40-160m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định. Ngoài ra, dự án còn 5 đê bao/kè xung yếu dài 7,801km. Dự án được xây dựng với mục tiêu nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.

Theo báo cáo của Tập đoàn Trung Nam, tổng giá trị xây lắp của dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1”, đã đạt hơn 77%. Nếu được giao mặt bằng thi công trong tháng 6, công trình sẽ về đích vào tháng 10 năm nay. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết tổng khối lượng thi công xây lắp của dự án đã đạt trên 77%. Hạng mục khó nhất là thi công dưới nước đã hoàn thành, khối lượng công việc lại chủ yếu lắp đặt thiết bị, đặc biệt việc giải ngân vốn vay đã được khơi thông. Hiện công trường duy trì 1.200 công nhân, kỹ sư tập trung làm việc để đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tại khu vực cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè), đã hoàn thành các trụ pin, tháp van và dầm van, đang thi công kè mang cống, công trình phụ trợ... Khu vực trên vẫn còn 18/62 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng thi công. Nhà đầu tư đã chuyển tiền đền bù đối với những hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án cho các địa phương thực hiện. Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết địa phương đang tiến hành chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân. Trong khi đó, huyện Bình Chánh cũng đang nỗ lực đẩy nhanh công tác GPMB vì hiện nay mới đạt 66%.

Đáng lo ngại là hiện nay trên địa bàn huyện Nhà Bè đang có công trình xây dựng cầu cảng quy mô lớn thuộc CTCP Kho cảng Xăng dầu Hàng không Miền Nam xây dựng chồng lên dự án chống ngập. “Qua kiểm tra công trình nêu trên, dự án được cơ quan chủ quản phê duyệt nhưng xây dựng không phép và hiện nay có nhiều hạng mục lấn sông Sài Gòn. Chính quyền địa phương đang phối hợp cùng Sở Xây dựng thực hiện kiểm tra và xử lý sai phạm” - ông Tùng cho biết.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là công trình nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân TP, có ý nghĩa quan trọng trong công tác chống ngập của TP. Ông Phong hoan nghênh nhà đầu tư đã tự ứng vốn để thi công nhằm đảm bảo tiến độ, đồng thời yêu cầu các quận, huyện khẩn trương hoàn tất giải tỏa, bàn giao mặt bằng theo hướng ưu tiên vận động, thuyết phục người dân thực hiện.

Sau thời gian thi công cầm chừng, 2 dự án tuyến mettro số 1 và công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng có lúc phải ngừng thi công, do vướng mắc về giải ngân vốn. Thế nhưng với quyết tâm của các cấp lãnh đạo, 2 dự án đang tăng tốc trên đường về đích.

Bình Minh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/2-du-an-trong-diem-dang-ve-dich-81427.html