2 dự án trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương đã có lãi

Nhắc đến 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, đi khảo sát xơ sợi Đình Vũ, mỗi tấn xơ sợi lại lỗ, hiện mỗi năm hết 550 tỷ đồng tiền khấu hao. Có cần thiết giữ lại hay không?

Bộ trưởng Bộ Công thường Trần Tuấn Anh giải trình một số vấn đề

Lỗ hổng có thể tạo ra “Vũ nhôm” khác"

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ vui mừng trước những chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp thời gian qua.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, vẫn còn tồn tại, hạn chế như, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, chưa đảm bảo công bằng, nhiều rào cản, thủ tục. Về cổ phần hóa, ông Nhưỡng quan ngại trước thực tiễn năm 2018 chỉ thoái vốn được 18 trong số 85 doanh nghiệp trong kế hoạch.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu

"Đi khảo sát xơ sợi Đình Vũ, mỗi tấn xơ sợi lại lỗ, hiện mỗi năm hết 550 tỷ đồng tiền khấu hao. Có cần thiết giữ lại hay không? Hay dự án gang thép Thái Nguyên, đã có chỉ đạo của nhiều ngành, nhưng kiên quyết không cổ phần hóa. Với số dự án thua lỗ lớn như vậy, dự án nào kém hiệu quả thì nên cho phá sản ngay. Còn dự án nào bán được, cho thuê được thì đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn Nhà nước.

Ông Nhưỡng cũng cảnh báo: “Có hiện tượng để đó cho giảm khấu hao, cho rẻ, để mua lại cũng như cài cắm một số nhân sự vào doanh nghiệp. Chỗ này có thể tạo ra “Vũ nhôm” khác”.

“Cần có ngay thể chế, chính sách bịt lỗ hổng trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường quá trình kiểm toán. Nếu không tăng cường kiểm toán thanh tra sẽ thất thoát rất nhiều. Cũng tăng cường tư pháp, như bà đỡ của nền kinh tế", ông Nhưỡng thẳng thắn.

Không có chuyện bơm thêm vốn

Giải trình về xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, quá trình này đang được triển khai tích cực, toàn diện đồng bộ, theo lộ trình năm 2018 – 2019 sẽ xử lý tương đối toàn diện những tồn tại để kết thúc vào năm 2020.

Người đứng đầu ngành Công thương cho biết, trong quá trình xử lý 12 dự án này có 3 quy tắc lớn phải đảm bảo là: Các dự án này phải giải quyết trong khuôn khổ luật pháp, đảm bảo đúng nguyên tắc thị trường, không có chuyện bơm thêm vốn, đảm bảo tính tự chủ và phù hợp hội nhập quốc tế.

“Quá trình xử lý đã có sự phối hợp chặt chẽ các bộ ngành, đến nay tiến độ đã đảm bảo, đạt được kết quả tương đối”, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết.

Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, 6 dự án phải dừng kinh doanh trước đây thì đến nay đã có 2 dự án là thép Việt Trung và dự án ở Hải Phòng hoạt động hiệu quả, không còn lỗ nữa. “Bộ sẽ sớm báo cáo Chính phủ đưa 2 dự án này ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, để khắc phục bền vững hơn, và phải đảm bảo tính hiệu quả. 4 dự án còn lại cũng đã bắt đầu giảm lỗ” ông Tuấn Anh thông tin.

Ngoài những dự án trên, 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học đang bắt đầu khôi phục, những dự án gặp vấn đề liên quan đến quản lý thì đã có sự tham gia vào cuộc của Bộ Công an. “Tất cả những nội dung này làm đồng bộ, kể cả xem xét đến pháp luật, hình sự”, ông nói.

“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” không đơn thuần là tranh chấp thương mại

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết về tái cơ cấu các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã rất tích cực thực hiện, có những đề án và nhiệm vụ lớn.

Trong 2 lĩnh vực công thương đã duy trì được tăng trưởng. Cơ cấu của công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là nền tảng của nền kinh tế. Năm 2016 tăng 11,9%, 2017, 14,4%, 9 tháng đầu năm là 13% Cơ cấu trong hàng xuất khẩu đã tăng lên trên 80% vào 9 tháng đầu năm. Ngoài điện thoại thông minh, như chế biến thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện ôtô cũng tăng trưởng.

Tăng trưởng của công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng thương mại. Dệt may đứng thứ 7, thủy sản thứ 4, điện thoại thông minh đứng thứ 12, đồ gỗ đứng thứ 5, chúng ta đứng thứ 27 trong số những nước xuất khẩu nhiều nhất.

Chúng ta cũng có nhiều doanh nghiệp lớn, đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu. Năm 2017-2018 cũng chứng kiến sự tăng rưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã tăng 17%, năm ngoái là 11%, trong khi năm 2018, khói FDI chỉ tăng 15%. Điều này cho thấy đó là sự chuyển dịch tích cực.

Chúng ta có nhiều đối tác, đa dạng hóa khách hàng, đã trên 200 quốc gia. Về cơ cấu mặt hàng, cũng ta cũng đa dạng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp, từng bước đáng ứng các yêu cầu ngày càng cao trên thế giới.

“Trên thế giới không có thị trường nào dễ tính cả, họ có nhiều rào cản kỹ thuật, chúng ta cần phải nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đề cập tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Tuấn Anh đồng tình với đại biểu rằng Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ và hệ lụy từ chiến tranh thương mại. “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần là tranh chấp thương mại, còn là câu chuyện địa chính trị và sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy”, ông Tuấn Anh nói và cho biết.

Các bộ ngành thường có nghiên cứu và báo cáo chính phủ thường xuyên về vấn đề này. Chính phủ cũng chỉ đạo để xem xét những nguy cơ và hạn chế nó, hoặc phát huy những lợi ích có thể đem lại. Bộ trưởng Công Thương hứa, sẽ có báo cáo đầy đủ gửi tới Quốc hội vấn đề này.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/2-du-an-trong-12-du-an-thua-lo-cua-nganh-cong-thuong-da-co-lai-420038.html