2 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam không có nhà thầu?

2 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc-Nam đầu tư theo hình thức PPP không có nhà đầu tư tham gia, chuyên gia nói do tính kỷ luật không nghiêm.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải mới đây cho biết, trong hai ngày 2/10 và 5/10, Bộ đã mở thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước của 5 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam theo hình thức PPP, gồm quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Dự kiến trong tháng 12, Bộ GTVT sẽ phê duyệt kết quả đấu thầu 5 dự án cao tốc Bắc Nam đầu tư theo hình thức PPP

Kết quả, 2 dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư; 3 dự án còn lại đều có từ 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ. Bộ Giao thông Vận tải đã gia hạn thời điểm đóng thầu đến 12/10 để thu hút thêm nhà đầu tư tham gia. Trường hợp các dự án này vẫn không có nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định hình thức đầu tư khác.

Việc 2 dự án PPP trắng nhà đầu tư khiến chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy rất băn khoăn. Ông đặt ra mấy vấn đề cần phải xem xét.

Thứ nhất, ông Thủy cho biết, chỉ trong tháng 9/2020, tức cách đó 1 tháng trước khi Bộ GTVT mở thầu, cũng chính cơ quan này cho biết, từ ngày 17/7-20/7, các Ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT (bên mời thầu) đã phát hành hồ sơ mời thầu của 5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo hình thức PPP.

Đã có 14/16 nhà đầu tư đã mua hồ sơ mời thầu (mỗi dự án đều có ít nhất có 2 nhà đầu tư đã mua hồ sơ).

Phía Bộ GTVT cũng đã gặp mặt, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến từ phía nhà đầu tư, trên cơ sở tiếp thu kiến nghị của nhà đầu tư, Bộ GTVT đã điều chỉnh một số nội dung hướng dẫn xác định chi phí đầu tư xây dựng; điều chỉnh bổ sung một số định mức xây dựng, định mức ca máy và thiết bị thi công... Bộ GTVT cũng đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tổng dự toán của cả 5 dự án trước khi phát hồ sơ mời thầu.

"Điều này có nghĩa cả 5 dự án PPP trước đó đều đã có nhà đầu tư đăng ký, tuy nhiên, tới thời điểm mở thầu lại không nộp hồ sơ. Cho thấy, tính kỷ luật trong thực hiện đấu thầu dự án không rõ ràng, nghiêm túc. Về nguyên tắc, nhà đầu tư đã đăng ký, nếu không tham gia dự thầu sẽ phải bị phạt thật nặng.

Lâu nay cơ chế quản lý và xử lý vi phạm trong đấu thầu đã có nhưng quá trình thực hiện chưa nghiêm túc, thậm chí còn có dấu hiệu tiêu cực, cấu kết, moc ngoặc, thao túng trong đấu thầu... dẫn tới tính kỷ luật bị buông lỏng, nhà đầu tư xem thường.

Không thể có chuyện nhà đầu tư đăng ký tham gia cả vài tháng trước, cơ quan quản lý cũng đã gặp gỡ, trao đổi, tiếp thu và điều chỉnh các quy định theo yêu cầu của nhà đầu tư mà bây giờ lại không tham gia đấu thầu nữa. Việc này cần phải xem xét rất nghiêm túc và phải xử phạt thật nặng để bảo đảm tính kỷ luật trong đấu thầu", ông Thủy nói.

Thứ hai, từ câu chuyện không có nhà đầu tư tham gia cũng có thể đặt ra giả thiết dự án không hấp dẫn, tính hiệu quả không cao khiến nhà đầu tư không hào hứng. Hoặc, cũng có thể từ phía nhà đầu tư có năng lực yếu kém, không bảo đảm khả năng tài chính nhưng vẫn đăng ký để giữ chỗ, xí phần đến khi không xoay trở được thì tự rút lui.

Về điểm này, vị chuyên gia cho biết, tính cần thiết cũng như tính hiệu quả của dự án là vấn đề ông luôn lo ngại ngay từ đầu.

"Tôi không phủ nhận việc phát triển hạ tầng giao thông là cần thiết, tuy nhiên, trong bối cảnh đường sắt Bắc - Nam còn chưa khai thác hết công suất; đường bộ Bắc - Nam đã được nâng cấp, cải tạo, đáng lẽ ra nên tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt đang có sẽ vừa tiết kiệm, tránh lãng phí, lại vừa hiệu quả hơn.

Thế nhưng, trong bối cảnh đó vẫn bỏ ra hàng chục nghìn tỉ để đầu tư thêm một tuyến đường bộ cao tốc mới, chạy theo xu hướng phát triển thật nhiều đường cao tốc để phục một số ít người giàu, người có tiền mà không tính tới hiệu quả tổng thể cũng như tính kết nối toàn diện là rất nguy hiểm", ông Thủy nói.

Vị chuyên gia cho rằng, phát triển cao là tốt, nhưng song song với đó cũng phải dành ra nguồn kinh phí dự trữ hàng tỉ USD để nâng cấp, kết nối các tuyến đường sắt với đường thủy, có như vậy mới giúp giảm chi phí vận tải, thúc đẩy kinh tế, giao thương phát triển.

Thứ ba, ông Thủy cho biết cần đặc biệt lưu ý nếu có trường hợp nhà đầu tư thông đồng, cấu kết, tham gia để giữ chỗ, xí phần, sau đó xin rút vào phút cuối khiến cơ quan quản lý nhà nước trở tay không kịp.

Đặt ra điều này, vị chuyên gia lo ngại, những ý kiến đề xuất xin được chuyển cả 8 dự án PPP sang đầu tư công trước đó có thể sẽ là một nguyên nhân.

"Đây có thể là cái cớ giúp cho việc xin chuyển đổi dự án từ đầu tư PPP sang đầu tư công sẽ dễ dàng thực hiện hơn", ông Thủy nói và yêu cầu phải làm rõ vấn đề này.

Trở lại việc 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP không có nhà đầu tư tham gia, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng việc xây dựng, phát triển cao tốc là cần nhưng phải tính toán trong bài toán quy hoạch, phát triển giao thông tổng thể. Trong đó, phải tính tới hiệu quả cũng như sự kết nối giữa dự án với các loại hình giao thông khác.

Đặc biệt, nguồn kinh phí dành cho phát triển các tuyến cao tốc cũng phải được tính toán rất kỹ lưỡng và phải đặt trong bài toán phát triển chung, ví dụ nguồn ngân sách quốc gia có đáp ứng được không, các mục tiêu phát triển kinh tế đạt tới mức nào? Lĩnh vực gì cần phải ưu tiên đầu tư, phát triển...

"Phát triển kinh tế phải phụ thuộc vào sức dân, phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế và sự phát triển của các doanh nghiệp, làm đường cao tốc cũng vậy, phải dựa trên nhu cầu và hiệu quả thực tế", vị chuyên gia nói thêm.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/2-du-an-ppp-cao-toc-bac-nam-khong-co-nha-thau-3420253/