2 động cơ thực sự Nga tập trận 'Tổng duyệt thế chiến'

Động cơ thực sự là tham vọng khẳng định vị thế cường quốc, trong khi mục tiêu ngắn hạn là tìm khách hàng mua vũ khí.

Mũi tên trúng nhiều đích

Ngày 11/9, Nga chính thức khởi động cuộc tập trận mang tên "Vostok-2018", được đánh giá là quy mô nhất kể từ năm 1981.

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về ý đồ của Nga, trong đó thậm chí có đánh giá cho rằng Moscow đang chuẩn bị cho “Chiến tranh Thế giới mới”.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra rằng động cơ thực sự của cuộc tập trận là tham vọng khẳng định ví thế cường quốc châu Á của Nga, trong khi đó mục tiêu ngắn hạn là tìm khách hàng mua vũ khí.

Từ trước tới nay, các cuộc tập trận “Vostok” thường được coi là sự chuẩn bị để đối phó với một Trung Quốc đang lên và có tham vọng đối với phần lãnh thổ ở vùng Viễn Đông của Nga. Việc Nga mời Trung Quốc tham gia sự kiện năm nay đã phần nào gây ngạc nhiên cho giới quan sát.

Cuộc tập trận Vostok-2018 sẽ kéo dài tới ngày 17/9

Cuộc tập trận Vostok-2018 sẽ kéo dài tới ngày 17/9

Động thái này phần nào cho thấy đánh giá của Nga đối với Trung Quốc và việc sẵn sàng mời “đối thủ” trong các kịch bản tập trận cũ tham gia “Vostok-2018” với sự tham gia của 300.000 quân, 36.000 xe thiết giáp, 1.000 máy bay các loại chứng tỏ Moscow không hề “ngán ngại” Bắc Kinh, thậm chí còn muốn chứng tỏ ai mới là cường quốc thực sự ở châu Á.

Bên cạnh đó, Nga cũng muốn tranh thủ căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc để tìm kiềm đối tác, trong trường hợp này là sử dụng sức mạnh quân sự để thúc đẩy các cơ hội ngoại giao và kinh tế.

Trong ngắn hạn, Nga muốn chinh phục thêm các thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu vũ khí của nước này.

Bên cạnh đó, Nga cũng muốn tăng cường khả năng tiếp cận các cảng biển, sân bay, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Nga tham gia các lĩnh vực khác.

Tùy viên quân sự các nước NATO được Nga mời tham gia quan sát cuộc tập trận Vostok-2018

Nga muốn tận dụng ưu thế của mình - với tư cách là cường quốc quân sự thứ 2 thế giới, sau Mỹ - để chào mời các khách hàng châu Á. Đến nay, một số quốc gia, trong đó phải kể đến Philippines, đã thể hiện rõ mong muốn mua vũ khí của Nga.

Tháng 8/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thông báo lần đầu tiên tàu chiến Philippines đến thăm thành phố Vladivostok - nơi đồn trú của hạm đội Thái Bình Dương của Nga - để đáp lại việc hải quân Nga thăm Manila.

Cũng trong tháng, có thông tin cho biết Nga có ý định bán cho Philippines 2 tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng diesel, loại vũ khí Nga đã xuất khẩu từ hơn 30 năm nay.

Đây là lần đầu tiên Philippines mua tàu ngầm, và điều đáng chú ý là Manila là đồng minh truyền thống của Washington. Quốc gia Đông Nam Á này cho đến nay chủ yếu mua vũ khí của Mỹ, các nước châu Âu hoặc Đông Á.

Xe tăng T-90 của Nga tham gia tập trận

Cũng ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia là một khách hàng tiềm năng lớn khác mà Nga nhắm đến. Indonesia đã đặt hàng nhiều máy bay Su-35 của Nga (tháng 10/2018, Jakarta sẽ nhận được 11 chiếc Su-35 đầu tiên, và một hợp đồng mua 5 chiếc khác dự kiến sẽ được ký vào cuối năm).

Jakarta từng là khách hàng mua vũ khí của Liên Xô trước đây (quân đội Indonesia hiện vẫn sử dụng nhiều máy bay chiến đấu do Nga chế tạo như Su-27, Su-30, bên cạnh các chiến đấu cơ mua của Mỹ).

Giới phân tích phương Tây thừa nhận Nga đang có lợi thế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một trong những lý do được nêu ra là vì sự hiện diện không đáng kể của Nga trong vòng vài chục năm gần đây khiến khu vực ít tỏ ra cảnh giác. Điều này khác hẳn với tình hình tại biên giới phía tây của Nga, nơi Moscow bị phương Tây cô lập do chính sách đối với Ukraine.

Ở châu Á, Nga được đánh giá có vị thế khác hẳn khi vừa có thể thách thức Mỹ và các đồng minh của Mỹ, vừa có thể khẳng định mình là một thế lực khác mà các nước có thể hợp tác, ngoài Mỹ hay Trung Quốc.

Hợp tác trong hoài nghi?

Tờ Financial Times của Anh thì lưu ý thời điểm bắt đầu cuộc tập trận Vostok-2018 trùng với cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vladivostok ngày 11/9.

Do đó, tờ báo Anh coi đây là một nỗ lực tổng hợp của Nga nhằm chuyển trục sang hướng Đông và thúc đẩy sự gần gũi với nước láng giềng hùng mạnh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/2-dong-co-thuc-su-nga-tap-tran-tong-duyet-the-chien-3365280/