2 đại gia xây dựng Hòa Bình và Coteccons kém sắc trong quý 1, cổ phiếu liên tục dò đáy

Ảnh hưởng chung từ COVID-19, hai ông lớn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) và Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) đều đối mặt với nhiều khó khăn dẫn đến lợi nhuận giảm sâu.

Lợi nhuận quý 1/2020 đều giảm

Theo Báo cáo tài chính quý 1/2020, Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm hơn 95% so cùng kỳ, chỉ đạt 5,5 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng gần 6 năm qua. Trong đó, doanh thu thuần cũng chỉ đạt 2.442 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo thường niên 2020, Hòa Bình đặt ra chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công mẹ 200 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 52% so với năm trước. Đây là kế hoạch lợi nhuận thấp nhất từ 2016 trở lại đây của Hòa Bình.

Như vậy, quý 1 của Hòa Bình còn cách rất xa so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm.

Hòa Bình cho biết dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường chính là thách thức gây ra sự trì hoãn các dòng vốn đầu tư, giảm sút kinh tế trên toàn cầu.

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu biến động, rủi ro thanh toán do năng lực tài chính của chủ đầu tư, các vấn đề pháp lý dự án ảnh hưởng tiến độ triển khai... cũng ảnh hưởng tới hoạt động của công ty.

Còn Coteccons cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 với lợi nhuận sau thuế thấp nhất từ năm 2016 đến nay. Lợi nhuận cả quý rồi chỉ đạt 124 tỷ đồng, giảm 35% cùng kỳ.

Lý giải về sự sụt giảm này, Coteccons cho biết, doanh thu tài chính giảm chủ yếu do lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, doanh thu quý 1/2020 giảm là do những khó khăn chung của ngành xây dựng và tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng mức cải thiện của biên lợi nhuận của Coteccons một phần đến từ giá vật liệu xây dựng chính duy trì ổn định ở mức thấp trong quý 4/2019 và quý 1/2020 (cụ thể, giá thép xây dựng quý 1/2020 thấp hơn 8% so với mức trung bình cả năm 2019 và đi ngang so với quý 4/2019).

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 tác động đến hoạt động xây dựng trong nước, biên lợi nhuận Coteccons theo quan điểm VCSC sẽ giảm trong quý 2/2020, sau đó có khả năng phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2020.

Song song, sự cạnh tranh từ các nhà thầu xây dựng tư nhân khác sẽ tạo ra các thách thức trong tăng trưởng backlog của Coteccons trong thời gian tới dù lượng hợp đồng ký mới quý 1 tích cực.

VCSC duy trì lo ngại về khả năng của Coteccons trong việc tăng lượng backlog về mức đã ghi nhận trong giai đoạn 2015-2018 khi giá trị hợp đồng ký mới trung bình đạt 27.000 tỷ đồng mỗi năm.

 CTD và HBC gặp khó trong quý 1/2020.

CTD và HBC gặp khó trong quý 1/2020.

Tại thời điểm cuối quý 1/2020, tổng tài sản của Coteccons giảm 8% so hồi đầu năm về còn 15.000 tỷ đồng. Coteccons có 448 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, giảm 44%. Tuy nhiên, các khoản tiền gửi ngắn hạn hưởng lãi suất này lại mang lại gần 62 tỷ đồng tiền lãi - chiếm 50% lợi nhuận cả quý.

Coteccons tiếp tục không có vay nợ tài chính trong quý này. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối kỳ đạt 1.152 tỷ đồng trên vốn điều lệ 793 tỷ đồng. Công ty còn có 3.039 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần với gần 4.000 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.

Còn Hòa Bình đã cơ cấu lại dòng tiền quý 1 khi giảm 1.687 tỷ đồng các khoản phải thu xuống 4.902 tỷ đồng, chủ yếu là giảm phải thu ngắn hạn. Phải thu theo tiến độ hợp đồng giảm 8 tỷ đồng, còn 4.200 tỷ đồng. Dù vậy, các khoản phải thu ngắn hạn vẫn chiếm tới 80% tài sản ngắn hạn.

Tính đến cuối kỳ, Tập đoàn có 4.864 tỷ đồng nợ vay tài chính, hầu hết là nợ ngắn hạn, giảm 96 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền giảm 81% còn 107 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối kỳ đạt 839 tỷ đồng trên vốn điều lệ 2.309 tỷ đồng

Cổ phiếu 2 đại gia rủ nhau dò đáy

Coteccons là một công ty xây dựng hàng đầu với chuyên môn cao, không vay nợ và có lượng tiền mặt cao.

Tuy nhiên, do xung đột lợi ích giữa các cổ đông trong Đại hội đồng cổ đông, đề xuất sáp nhập Ricons không được thông qua, giá trị hợp đồng ký mới giảm nhiều hơn dự phóng trước đó và biên lợi nhuận gộp bị giảm mạnh.

Đồng thời ảnh hưởng chung của thị trường xây dựng (tín dụng siết, chính sách hạn chế cung, giá nguyên vật liệu tăng, đối thủ cạnh tranh) khiến giá cổ phiếu cũng theo đà giảm.

Đà giảm của cổ phiếu CTD bắt đầu từ hơn 1 năm qua, trôi về vùng đáy hồi đầu năm 2016. Kết thúc phiên 5/5, thị giá CTD đang dừng ở mức 61.000 đồng/cp, “bốc hơi” 73% so với đỉnh đạt được tại ngày 14/11/2017 (224.377 đồng/cp).

Đà giảm của CTD và HBC trong 1 năm qua. Nguồn: VietstockFinance.

Với cổ phiếu HBC của Hòa Bình, dù vẫn có chục nghìn tỷ đồng Backlog chuyển tiếp từ năm 2018, đồng thời liên tục trúng thầu kể từ đầu năm 2019, nhưng hiện chỉ được giao dịch tại mức 7.440 đồng/cp kết phiên 5/5, giảm 81% so với mức đỉnh từng thiết lập hồi ngày 13/10/2017 (39.408 đồng/cp).

Đà giảm của cổ phiếu 2 “ông lớn” ngành xây dựng này chủ yếu do sự khó khăn chung của ngành và hiệu suất sinh lợi đi vào xu hướng giảm do giá nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh gay gắt cũng như việc thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn dự kiến.

Anh Nhi

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/2-dai-gia-xay-dung-hoa-binh-va-coteccons-kem-sac-trong-quy-1-co-phieu-lien-tuc-do-day-90940.html