2 cựu bí thư Bình Định từng phản đối bán 'đứt' cảng Quy Nhơn

Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ đề nghị hoàn tiền cho Công ty Hợp Thành để xác lập sở hữu nhà nước số cổ phần đã bán cho công ty này, hai cựu bí thư tỉnh Bình Định rất đồng tình.

Ngày 18-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Tô Tử Thanh, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 1996-2001), cho hay trước đây ông từng phản đối quyết liệt việc bán hết vốn sở hữu nhà nước tại cảng Quy Nhơn cho tư nhân. “Cảng có tầm chiến lược, không chỉ kinh tế mà còn cả an ninh, quốc phòng. Vị trí, hoạt động của cảng Quy Nhơn gắn với khu vực Tây Nguyên, các vùng Đông Bắc Campuchia, hạ Lào nên không thể để tư nhân nắm giữ” - ông nói. Ông cho hay đã từng nói “ai cho bán hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn là sai, trái với chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước và tôi đã nhiều lần có ý kiến với các lãnh đạo cấp cao về vấn đề này”.

Tương tự, cựu bí thư tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà (nhiệm kỳ 2005-2010) cũng từng phản ứng mạnh mẽ việc cho chuyển nhượng toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành.

Theo ông Hà, việc cổ phần hóa cảng theo đề án là Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ là chủ trương đúng đắn. “Khi nghe Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị cho phép cổ phần hóa theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ, sau đó tiếp tục đề nghị cho bán hết 49% vốn này tôi rất bất bình. Bởi cảng không những có vị trí chiến lược về kinh tế mà còn có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, không thể để tư nhân điều hành được” - ông nói.

Ông cũng chỉ rõ Công ty Hợp Thành không có kinh nghiệm gì về cảng biển và thực tế đến nay công ty không đầu tư mở rộng được gì cho cảng Quy Nhơn.

Ông cũng cho rằng việc định giá cảng Quy Nhơn chỉ với hơn 500 tỉ đồng là vô lý, bất thường, dùng phương thức không phù hợp để định giá rất thấp, hoàn toàn sai với thực tế, bỏ qua giá trị thương hiệu lớn. “Tôi từng nói với các lãnh đạo tỉnh Bình Định là tôi không đồng ý với những việc làm đó” - ông Hà chia sẻ.

Về xử lý hoàn tiền để lấy lại hơn 75% cổ phần từ Công ty Hợp Thành, ông Hà cho rằng hoàn toàn phù hợp. “Tôi đồng ý là phải hủy toàn bộ kết quả cổ phần hóa, định giá lại toàn bộ cho đúng với thực tế rồi mới phát hành cổ phiếu, đấu giá. Nhà nước chỉ cần nắm 51% cổ phần, còn lại là người lao động, các nhà đầu tư” - ông Hà đề xuất.

Ông cũng đề nghị xử lý trách nhiệm những người liên quan, xem xét vốn mà Công ty Hợp Thành mua cổ phần tại cảng Quy Nhơn là của doanh nghiệp này hay của ai góp vào để có biện pháp xử lý.

TẤN LỘC

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/2-cuu-bi-thu-binh-dinh-tung-phan-doi-ban-dut-cang-quy-nhon-792884.html