2 ca tử vong do viêm cơ tim là trường hợp riêng lẻ, không phải là dịch

135 người làm việc cùng với 2 nữ bệnh nhân bị tử vong do viêm cơ tim hiện sức khỏe đều bình thường; 9 người trong gia đình có tiếp xúc gần, sức khỏe đều bình thường, khỏe mạnh; 2 bệnh nhân không quen biết, không tiếp xúc với nhau.

Đó là những điểm đáng chú ý trong báo cáo điều tra thu thập thông tin 2 trường hợp tử vong do viêm cơ tim tại BV Bạch Mai do nhóm trực dịch Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội thực hiện.

Theo đó, bệnh nhân số 1 là Bùi Thị N 43 tuổi, chuyên viên phòng Kế hoạch-tài chính, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển trực thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (số 1 ngõ 165 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội) có tiền sử khỏe mạnh.

Ngày 15-10 bệnh nhân thấy sốt nhẹ kèm mệt mỏi, tự điều trị uống thuốc hạ sốt Paracetamol; ngày 17-10 bệnh nhân nghỉ làm ở nhà; ngày 18-10 đi làm bình thường. Sáng 19-10, xuất hiện sốt cao kèm tức ngực, vẫn tỉnh táo và đưa con đi học, đến 17g đến khám tại BV ĐH Y Hà Nội, trong tình trạng sốt 38 độ C, nhịp tim 103 ck/p, HA:130/70 mmHg, đã được xử trí truyền dịch, hạ sốt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kết quả xét nghiệm bệnh nhân N âm tính với cúm A,B; test nhanh IgM sốt xuất huyết âm tính; IgG sốt xuất huyết dương tính; bạch cầu: 2,0 G/L; tiểu cầu: 75 G/L. Đến 19g cùng ngày, sốt tăng lên 39,1 độ C, mệt nhiều, 22g xuất hiện mạch nhanh, HA tụt, xét nghiệm men tim tăng: Troponin T tăng (lần 1: 88 ng/L; lần 2: 79 ng/L).

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim cấp và chuyển sang khoa A9 BV Bạch Mai lúc 2g ngày 20-10, đến 6g ngày 21-10 tử vong tại BV Bạch Mai với chẩn đoán: Sốc tim, theo dõi viêm cơ tim cấp.

Bệnh nhân số 2 là Phùng Mai L, 34 tuổi, chuyên viên phòng Kế hoạch-tài chính tại Viện Nước, tưới tiêu và môi trường trực thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (số 2, ngõ 165 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội) có tiền sử khỏe mạnh. Chiều 23-10 bệnh nhân thấy sốt (không rõ nhiệt độ), kèm mệt mỏi, tim đập nhanh, đi ngoài, bệnh nhân tự điều trị uống thuốc hạ sốt Paradol (2 viên không rõ liều).

Ngày 24-10, bệnh nhân nghỉ làm ở nhà, mệt nhiều hơn, tim đập nhanh, sốt (không rõ nhiệt độ), bệnh nhân tự điều trị bằng Paradol không rõ liều. Ngày 25-10, xuất hiện nôn nhiều, đau bụng và đau tức vùng lưng, không ăn được, cấp cứu ở phòng khám đa khoa Hồng Ngọc tại tòa A của chung cư nơi ở trong tình trạng: Ý thức vật vã, kích thích, da niêm mạc nhợt; nhiệt độ đo được ở vùng trán 35,7 độ C, mạch yếu; không đo được huyết áp, không đo được SpO2, không làm được điện tim, không lấy máu xét nghiệm được.

Chẩn đoán: Suy tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân. Xử trí ban đầu tại phòng khám là đặt đường truyền tĩnh mạch (dịch truyền là NaCl 0,9%) và thở oxy. Lúc 13g35 chuyển tuyến cấp cứu tại BV Bạch Mai bằng xe cứu thương của BV Hồng Ngọc, đi cùng có bác sỹ và 2 điều dưỡng. Đến khoảng 15g ngày 25-10, bệnh nhân tử vong tại BV Bạch Mai với chẩn đoán: Ngừng tuần hoàn, theo dõi viêm cơ tim cấp.

Thông tin điều tra dịch tễ mối liên quan giữa 2 bệnh nhân cho thấy, 2 bệnh nhân này làm việc ở 2 phân Viện khác nhau trực thuộc Viện Khoa học thủy Lợi, Việt Nam. Hai người này không quen biết nhau, hoàn toàn không có tiếp xúc trong công việc cũng như trong cuộc sống. Trong vòng hai tuần trước khi khởi phát, hai bệnh nhân này không đi nước ngoài, không tiếp xúc với người bị ốm sốt, không tiếp xúc với người nước ngoài.

Điều tra người tiếp xúc và tại cộng đồng tại Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển -nơi công tác của bệnh nhân N có khoảng 70 người làm việc, hiện tại sức khỏe đều bình thường, chưa ghi nhận trường hợp ốm nghỉ làm.

Tại Viện Nước, tưới tiêu và môi trường-nơi công tác của bệnh nhân L có khoảng 65 người làm việc, hiện tại sức khỏe đều bình thường. Tại gia đình các bệnh nhân: 9 người trong gia đình có tiếp xúc gần, sức khỏe đều bình thường, khỏe mạnh.

Điều tra tại cộng đồng nơi hai bệnh nhân sinh sống, không ghi nhận các trường hợp nào nghi mắc bệnh tương tự. Do 2 bệnh nhân có diễn biến nhanh nên BV không lấy được các mẫu bệnh phẩm cần thiết cho xét nghiệm vi sinh.

Qua những thông tin và kết quả có được có thể thấy đây là 2 trường hợp mắc bệnh viêm cơ tim cấp riêng lẻ, tản phát, không phải là dịch. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội tiếp tục giám sát, theo dõi sức khỏe đối với người tiếp xúc, giám sát tại cộng đồng nơi ca bệnh sinh sống và tại nơi làm việc.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/2-ca-tu-vong-do-viem-co-tim-la-truong-hop-rieng-le-khong-phai-la-dich-168048.html