2,5 triệu con cá tuyết tấn công 23 triệu con cá trứng - sự kiện săn mồi lớn nhất thế giới tự nhiên từng được ghi nhận

Đó là lúc mà trò chơi kinh điển Feeding Frenzy bắt đầu.

Có thể bạn đã chứng kiến những trận đánh có quy mô kỷ lục và hoành tráng trên màn ảnh rộng, thứ đã làm nên thương hiệu của The lord of the rings, The Avengers hay The Hobbits.

Trong đó, Đại chiến giữa 5 cánh quân của The Hobbits vẫn được mệnh danh là trận chiến vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh. Cuộc đụng độ tàn khốc của 4 vạn quân Orcs với 2 vạn quân liên minh giữa loài người, tộc tiên và người lùn đã được xây dựng một cách cực kỳ mãn nhãn.

Thế nhưng, trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Communications Biology, các nhà khoa học cho biết họ đã ghi nhận được một trận đánh có quy mô lớn gấp 425 lần cuộc chiến trong The Hobbits.

Đó là cuộc tấn công của 2,5 triệu con cá tuyết, vào một đội hình cá trứng lên tới 23 triệu con.

Không còn là phim ảnh nữa, đây là một sự kiện có thật ngoài đời. Và nó đã xảy ra ở một vùng biển ngoài khơi Na Uy.

Các nhà khoa học cho biết họ chưa bao giờ ghi nhận được một đàn cá trứng và cá tuyết lớn đến vậy. Hơn nữa, chúng lại đụng độ nhau, tại cùng một vị trí và cùng một địa điểm.

Dựa trên quy mô đó, cuộc đại chiến giữa cá trứng và cá tuyết hiện được công nhận là sự kiện săn mồi lớn nhất trong thế giới tự nhiên mà các nhà khoa học từng ghi nhận được, bỏ xa kỷ lục những cuộc đột kích của loài kiến vào tổ mối trên cạn.

Khi một đàn cá trứng 23 triệu con tập hợp lại, con đầu tiên bơi đến Long Biên thì con cuối cùng vẫn đang ở Cầu Giấy

Để có thể hình dung về quy mô kỷ lục của trận đại hải chiến này, bạn phải tưởng tượng được độ lớn của đàn cá trứng 23 triệu con là như thế nào?

Theo các nhà nghiên cứu, chúng đã bơi lấp đầy một diện tích 60 km2 mặt biển. Con số lớn gấp 12 lần mặt nước Hồ Tây và bằng cả 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Cầu Giấy cộng lại. Tưởng tượng một ngày bạn thức dậy ra đường và thấy tất cả khu vực đó toàn là cá trứng.

Những con cá trứng nhỏ chỉ dài 15 cm. Nhưng 23 triệu con cá trứng nghĩa là từ con cá trứng đầu tiên trong đội hình đến con cá trứng cuối cùng, chúng sẽ xếp thành một đội hình sẽ cách nhau tới 10 km. Đó là bằng khoảng cách từ quận Long Biên cho tới tận quận Cầu Giấy.

Một đàn cá trứng 23 triệu con đủ để lấp đầy 12 lần Hồ Tây.

Một đàn cá trứng 23 triệu con đủ để lấp đầy 12 lần Hồ Tây.

Và bởi tốc độ bơi của cá trứng trung bình chỉ là 0,15 m/s, giả sử khi con cá trứng đầu tiên bị cá tuyết tấn công, nó phải mất tới 20 tiếng đồng hồ mới bơi lên được tới đầu đội hình, để báo tin cho những con đầu đàn biết được sự việc.

Khi đó, rõ ràng là mọi thứ đã quá muộn. Bởi các nhà khoa học cho biết chỉ 4 tiếng đồng hồ sau, hơn 10,5 triệu con cá trứng đã bị cá tuyết ăn thịt.

Dựa trên quy mô này, cuộc đại hải chiến giữa cá tuyết và cá trứng đã được xác nhận là sự kiện săn mồi lớn nhất trong thế giới tự nhiên từng được ghi nhận.

Trong so sánh, các trận đụng độ lớn nhất xảy ra giữa các loài động vật trên cạn thuộc về loài kiến quân đội và loài mối, với quy mô hiếm khi vượt quá mốc 10.000 quân.

Mặc dù cả kiến và mối đều duy trì quy mô đàn của chúng lên tới hàng triệu cá thể. Tuy nhiên, các cuộc đột kích của kiến vào tổ mối chỉ tuyển dụng khoảng 500 quân nên không phải lúc nào tất cả mối lính cũng đều tham gia phòng thủ tổ.

Một quân doanh kiến đông đúc, nhưng chúng chẳng là gì so với quy mô đàn 23 triệu con cá trứng.

Một quân doanh kiến đông đúc, nhưng chúng chẳng là gì so với quy mô đàn 23 triệu con cá trứng.

Năm 2003, các nhà khoa học từng ghi nhận được một đàn kiến lớn nhất hành quân theo đội hình dài 100 mét, rộng 20 mét bên trong một khu rừng ở Châu Phi. Đàn kiến này được cho là có số lượng lên tới 200.000 con, nhưng chúng chỉ săn được 12.000 con mồi trong 4 tiếng đồng hồ.

Vậy để thấy, chỉ có đại dương bao la mới có thể trở thành chiến trường cho một cuộc đại hải chiến tàn khốc, với quân số tham gia và tử thương lên tới hàng chục triệu.

Nhưng làm thế nào các nhà khoa học có thể biết chính xác số lượng cá trứng và cá tuyết tham gia vào trận chiến này?

Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ và Viện Nghiên cứu Hàng hải Na Uy.

Trong đó, họ đã thả những thiết bị phát sóng siêu âm cực mạnh gọi là Cảm biến dẫn sóng âm đại dương (OAWRS) ở vùng biển Barents, phía bắc Na Uy, một khu vực sinh sống chồng lấn của hai loài cá trứng (Mallotus villosus) và cá tuyết Đại Tây Dương (Gadus morhua).

Thiết bị OAWRS về cơ bản hoạt động như một cỗ máy siêu âm khổng lồ trong lòng biển. Nó có khả năng phát sóng âm và thu sóng phản xạ trên một khu vực biển rộng hàng nghìn km vuông, cho phép các nhà khoa học theo dõi các quần thể cá thường di chuyển theo đàn khổng lồ như cá trứng và cá tuyết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông thường, cứ vào độ tháng 2 và tháng 3 hàng năm, những con cá trứng sẽ bơi từ khu vực băng giá phía nam Bắc Băng Dương về vùng biển Barents ở Na Uy để sinh sản.

Trong quá trình đó, chúng sẽ tụ thành từng đàn lớn, lên tới hàng chục triệu con, kéo dài cả chục km. Chiến thuật đi theo đám đông giúp cá trứng có thể gây choáng ngợp cho những kẻ săn mồi to lớn hơn trong lòng đại dương, giúp chúng tăng khả năng sống sót khi di chuyển.

Mặc dù có cơ thể rất nhỏ, nhưng cá trứng cũng giống các loài cá khác, chúng có một bộ phận trong cơ thể gọi là bong bóng cá. Đây là nơi các loài cá giữ một lượng không khí nhất định cho phép chúng nổi lên khỏi mặt nước, hoặc khi bơm nước vào bong bóng, giúp cá lặn được xuống.

Khi một con cá trứng bơi riêng lẻ, việc phát hiện ra chúng bằng sóng âm trên một diện tích hàng ngàn km mặt biển là không thể. Nhưng nếu một đàn cá trứng hàng triệu con tụ tập lại với nhau, chúng cũng sẽ tụ lại hàng triệu chiếc bong bóng cá để tạo thành một khối bóng khí khổng lồ trong lòng đại dương.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vì độ dẫn âm của nước biển và không khí trong bong bóng cá là khác nhau, lúc này, thiết bị siêu âm OAWRS sẽ có thể phát hiện ra chúng.

Bằng cách phân tích sóng phản xạ và sóng cộng hưởng, các nhà khoa học có thể biết chính xác vị trí, độ sâu và quy mô của đàn cá trứng, cũng như cá tuyết.

Trận chiến đã xảy ra như thế nào?

Đó là một buổi sáng sớm tháng 2 trên vùng biển Barents, phía bắc Na Uy. Thiết bị OAWRS của các nhà khoa học phát hiện ra một đàn cá trứng lớn tụ lại và bơi với tốc độ 0,54 km/h ở độ sâu 50 mét, trải dài ra hơn 10 km bên ngoài bờ biển.

Dựa trên mật độ cá trứng dao động trong khoảng 20-30 con/m2, các nhà khoa học ước tính đàn cá trứng này phải có tới 23 triệu con và nặng tổng cộng 414 tấn.

Những con cá trứng đang trong chuyến di cư hàng năm của chúng, từ rìa của tảng băng Bắc Cực về phía nam đến bờ biển Na Uy để đẻ trứng.

"Khi đàn bắt đầu hình thành vào lúc rạng sáng, chúng bắt đầu bơi dần dần từ khoảng nước nông trong phạm vi 50 m tính từ bề mặt biển xuống tận đáy biển, có thể là để tìm kiếm địa điểm sinh sản thích hợp", các nhà nghiên cứu cho biết.

"Nhưng cũng có thể, đàn cá trứng đang cố gắng tránh ánh sáng ở vùng bề mặt biển, nơi chúng dễ bị các loài cá săn mồi tìm thấy".

Đàn cá trứng (bên trái) và đàn cá tuyết (bên phải) ghi nhận được từ thiết bị OAWRS.

Đàn cá trứng (bên trái) và đàn cá tuyết (bên phải) ghi nhận được từ thiết bị OAWRS.

Vị trí và độ sâu mà hai đàn cá đụng độ nhau ngoài khơi Na Uy.

Vị trí và độ sâu mà hai đàn cá đụng độ nhau ngoài khơi Na Uy.

Khả năng thứ hai có vẻ đúng hơn trong trường hợp này. Bởi ngay sau khi đàn cá trứng tụ lại, các nhà khoa học cũng phát hiện ra một đám quần tụ khác trong dữ liệu siêu âm OAWRS, nhưng đó không phải cá trứng.

Dựa theo kết quả phân tích sóng cộng hưởng của bong bóng cá, các nhà khoa học nhận thấy đám quần tụ này thuộc về một loài có kích thước lớn hơn cá trứng.

Số lượng tụ lại của chúng lên tới 2,5 triệu cá thể. Đối chiếu với sự phân bố các loài chồng lấn trong khu vực biển Barents của Na Uy, các nhà khoa học khẳng định đó là một đàn cá tuyết Đại Tây Dương.

"Cá tuyết có bong bóng cá lớn, với tần số cộng hưởng thấp, như tiếng chuông của đồng hồ Big Ben. Trong khi cá trứng có bong bóng cá nhỏ hơn, cộng hưởng ở tần số cao hơn như nốt cao nhất của đàn piano", giáo sư Nicholas Makris, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Massachusetts cho biết.

Tương quan kích thước giữa cá trứng và cá tuyết.

Tương quan kích thước giữa cá trứng và cá tuyết.

Trong chuỗi thức ăn của đại dương, cá trứng là loài cá nhỏ chỉ ăn động vật phù du và ấu trùng động vật biển. Trong khi đó, cá tuyết là một loài săn mồi bậc trung. Chúng ăn động vật giáp xác, tôm, cua, mực và cả các loài cá nhỏ hơn bao gồm cá trứng.

Nói cách khác, 2,5 triệu con cá tuyết đã tụ lại để tấn công vào đám đông 23 triệu con cá trứng, cũng đang tụ lại để phòng thủ.

Đó là lúc mà trò Feeding Frenzy kinh điển bắt đầu

Các nhà khoa học cho biết mặc dù hành vi bơi theo đàn đã được quan sát thấy ở rất nhiều loài cá, đây là lần đầu tiên họ thấy nó trên quần thể cá trứng, hơn nữa, lại là một đàn cá trứng khổng lồ.

"Những gì chúng tôi phát hiện ra là cá trứng có thể tập hợp lại ở mật độ lớn đến vậy, xuất phát từ một giả thuyết vật lý, mà chúng tôi hiện đã quan sát được trong tự nhiên", giáo sư Makris cho biết.

"Giả thuyết vật lý cho rằng nếu cá trứng bơi đủ gần nhau để duy trì được một mật độ dày đặc, chúng sẽ có khả năng cảm nhận vận tốc và hướng di chuyển trung bình của những con cá xung quanh, từ đó tạo được một đàn lớn và gắn kết".

Cá mòi và cá cơm cũng có tập quán bơi thành đàn, để "làm lú" thị giác các loài cá mập

Cá mòi và cá cơm cũng có tập quán bơi thành đàn, để "làm lú" thị giác các loài cá mập

Đối với các loài động vật nhỏ ở phía dưới chuỗi thức ăn, việc chúng tụ lại thành đàn lớn để có thể di chuyển nhanh hơn, đồng thời tạo ra một ảo ảnh khổng lồ nhằm đánh lừa kẻ săn mồi không phải là điều hiếm gặp.

Ví dụ như bướm và châu chấu có thể bay theo đàn hàng ngàn cho đến hàng trăm ngàn con, trải dài trên hàng cây số vuông. Cá mòi và cá cơm cũng có tập quán bơi thành đàn, để "làm lú" thị giác các loài cá mập hoặc cá kiếm có ý định ăn chúng.

Thế nhưng, việc tụ tập thành đàn đôi khi cũng gây ra tác dụng ngược. Những kẻ săn mồi tinh ranh có thể nhận ra đàn cá không hẳn là một sinh vật khổng lồ, thay vào đó là một "bữa buffet" miễn phí mà chúng có thể ăn thỏa thích.

Cá tuyết Đại Tây Dương, một loài săn mồi ở tầng nước sâu có thị giác rất phát triển, rõ ràng, là đã nhìn thấy điều đó. Ngay sau khi tụ được một đàn lớn lên tới 2,5 triệu con, những con cá tuyết này đã lao thẳng vào đội hình 23 triệu con cá trứng.

Không khó để tưởng tượng những gì xảy ra sau đó.Những con cá tuyết Đại Tây Dương, với cơ thể lớn gấp 10 lần cá trứng, đã nuốt chửng bất kỳ con cá trứng nào trước mặt.

Nó giống như ai đó đang chơi trò Feeding Frenzy, Cá lớn nuốt cá bé, trong một trận đấu siêu kinh điển.

Một con cá tuyết trung bình...

Một con cá tuyết trung bình...

...có thể ăn tới 9 con cá trứng.

...có thể ăn tới 9 con cá trứng.

Các nhà khoa học cho biết dạ dày của một con cá tuyết Đại Tây Dương đủ lớn để chứa tới 9 con cá trứng một lúc. Vì vậy, 2,5 triệu con cá tuyết đã không khoan nhượng. Trung bình, mỗi con cá tuyết đã ăn tới 4 con cá trứng.

Sau 4 tiếng đồng hồ, dữ liệu từ thiết bị siêu âm OAWRS cho thấy đàn cá trứng 23 triệu con đã giảm xuống chỉ còn 12,5 triệu con. Hơn 10,5 triệu con đã thiệt mạng, bây giờ, chúng đã nằm trong dạ dày của những con cá tuyết.

Cuộc đại thảm sát trong chớp nhoáng có thể ảnh hưởng tới cả hệ sinh thái

Bốn tiếng đồng hồ này chắc chắn là một cơn ác mộng đối với quần thể cá trứng ở ngoài khơi Na Uy. Nhưng ngược lại, đó chỉ là một bữa điểm tâm sáng của những con cá tuyết. Đối với hệ sinh thái trong Đại Dương đã tồn tại hàng tỷ năm, 4 tiếng cũng chỉ như một cái chớp mắt.

Điều này làm nổi bật lên quy mô của sự kiện săn mồi lớn nhất mà chúng ta từng được chứng kiến.

"Nó đã diễn ra ở một quy mô khủng khiếp", giáo sư Makris cho biết.

"Trong công trình của mình, chúng tôi thấy các sự kiện săn mồi thảm khốc ngoài tự nhiên có thể làm xáo trộn trạng thái cân bằng giữa động vật săn mồi và con mồi địa phương chỉ trong vài giờ đồng hồ".

Khu vực biển Barents, ngoài khơi Na Uy.

Khu vực biển Barents, ngoài khơi Na Uy.

Các nhà khoa học ước tính ở khu vực biển Barents, ngoài khơi Na Uy, có tổng cộng 27,7 tỷ con cá trứng. Nghĩa là việc 10 triệu con cá trứng thiệt mạng trong trận chiến với cá tuyết chỉ chiếm chưa tới 0,04% quần thể.

Tuy nhiên, họ lo ngại rằng đó không phải là "bữa buffet" duy nhất của quần thể cá tuyết tại đây. Những con cá trứng trong chuyến di cư từ Bắc Cực xuống vùng biển Na Uy để đẻ trứng bắt buộc sẽ phải đụng độ với đàn cá tuyết cũng đang đi tìm nơi đẻ trứng ở khu vực này.

Nếu các cuộc đại thảm sát tương tự vẫn diễn ra, cá trứng có thể sẽ tránh không bơi xuống phía nam nữa. Chúng có thể sẽ đẻ trứng ngay tại Bắc Cực, nơi mà hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng đang ủng hộ chúng ở lại, khi băng tan và nước biển Bắc Cực trở nên ấm hơn.

Thật không may, điều này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng lên chuỗi thức ăn ở vùng biển Barents. Nếu cá trứng không tới nữa, các loài phụ thuộc vào chúng như chim biển và động vật có vú biển ở ngoài khơi Na Uy sẽ bị bỏ đói.

Mọi thứ diễn ra như trò chơi kinh điển Cá lớn nuốt cá bé Feeding Frenzy.

Mọi thứ diễn ra như trò chơi kinh điển Cá lớn nuốt cá bé Feeding Frenzy.

Về phần mình, những con cá tuyết có thể no bụng một bữa, nhưng chính chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

"Loại sự kiện săn mồi 'thảm khốc' mà chúng ta chứng kiến ở một loài chủ chốt có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho chính loài đó, cũng như nhiều loài phụ thuộc vào chúng", giáo sư Makris cho biết.

"Đã nhiều lần các nhà khoa học chứng minh được rằng khi một quần thể động vật tiến tới bờ vực tuyệt chủng, chúng sẽ tụ lại thành một đàn cuối cùng. Khi mà đàn lớn, dày đặc và cuối cùng đã biến mất, loài vật ấy sẽ chính thức tuyệt chủng.

Vì vậy, bạn phải theo dõi những gì xảy ra ở đó, ngay trước khoảnh khắc chúng biến mất".

Nguồn: Nature, Iflscience, Sciencealert, MIT

Thanh Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/25-trieu-con-ca-tuyet-tan-cong-23-trieu-con-ca-trung-su-kien-san-moi-lon-nhat-the-gioi-tu-nhien-tung-duoc-ghi-nhan-20241113045722283.htm