2.400 đặc sản địa phương sẽ được nâng chất nhờ OCOP

Theo Kế hoạch triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, sẽ có 2.400 sản phẩm của các địa phương được tiêu chuẩn hóa, từ đó nâng cao giá trị, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018 - 2020, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành một kế hoạch chi tiết, phân công trách nhiệm cho từng bộ ngành để đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo đó, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình OCOP đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian hàng OCOP tại Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020. Ảnh: TC.

Mục tiêu của chương trình là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm hiện có của các địa phương (khoảng 2.400 sản phẩm), triển khai thực hiện từ 8 - 10 làng (bản) văn hóa du lịch. Tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp;

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP cấp quốc gia hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Củng cố, kiện toàn 100% tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia Chương trình OCOP (khoảng 3.920 tổ chức kinh tế). Phát triển mới ít nhất 500 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp và hợp tác xã) tham gia Chương trình OCOP.

Hình thành hệ thống tổ chức quản lý, điều hành Chương trình OCOP từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã). Ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Xây dựng và ban hành hệ thống chính sách đảm bảo đồng bộ, kịp thời để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên phạm vi cả nước.

Thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông, xây dựng hình ảnh nhận dạng OCOP Việt Nam trên phạm vi cả nước và quốc tế; triển khai xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP quốc gia và hệ thống trung tâm, cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các địa phương có điều kiện tốt về giao thương và du lịch; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai chương trình OCOP. Ảnh: IT.

Nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là rà soát, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có (4.823 sản phẩm), định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có đảm bảo mục tiêu đề ra. Bao gồm: Nhóm sản phẩm thực phẩm; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm sản phẩm thảo dược, gồm các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu; nhóm sản phẩm vải và may mặc; nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí; nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng OCOP.

Xây dựng và ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm và quy trình đánh giá sản phẩm thống nhất trong phạm vi cả nước đảm bảo các quy định về quản lý chất lượng hàng hóa hiện hành, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong Chương trình OCOP.

Hướng dẫn các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP áp dụng thực hiện các chính sách hiện hành của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tham gia triển khai Chương trình OCOP, như: Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các cơ chế, chính sách hiện hành về khuyến công, khuyến nông, khoa học công nghệ,...

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ các lĩnh vực: phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất (gồm các khu vực sản xuất tập trung), công nghệ, vốn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm, phân phối, tiếp thị, liên kết chuỗi trên cơ sở rà soát các chính sách hiện có, từ đó bổ sung các chính sách mới cho Chương trình OCOP.

Trước mắt, trong quý III/2018 sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt các cấp về triển khai Chương trình OCOP; hoàn thành lựa chọn 10 tỉnh, thành phố theo vùng kinh tế để chỉ đạo điểm triển khai Chương trình OCOP.

Quý IV/2018 ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm; Bộ tài liệu đào tạo Chương trình OCOP. Các tỉnh, thành phố hoàn thành phê duyệt Đề án OCOP và triển khai thực hiện theo Chu trình OCOP thường niên.

Năm 2019 thực hiện Chu trình OCOP thường niên. Quý IV/2020 tổng kết, đánh giá Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 và đề xuất Chương trình OCOP cho giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ NNPTNT là cơ quan thường trực, điều phối các hoạt động triển khai Chương trình OCOP.

Khánh Nguyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/2400-dac-san-dia-phuong-se-duoc-nang-chat-nho-ocop-894716.html