2/17 quán quân Olympia về nước: 'Ở Việt Nam chắc chắn khó làm được'

Nhiều cựu thí sinh bày tỏ việc các nhà vô địch 'Đường lên đỉnh Olympia' chưa về nước làm việc một phần do cơ chế giúp họ phát huy tài năng và tri thức còn quá ít.

Sau giây phút đội vòng nguyệt quế danh giá và nâng cao chiếc cúp dành cho nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia, Trần Thế Trung khẳng định cậu sẽ trở về nước sau khi đi du học theo học bổng nhận được từ chương trình.

"Tất nhiên, các anh chị đi du học và ở lại nước ngoài cũng có cách riêng để xây dựng đất nước. Với riêng em, lý do để quay về. Có thể bởi em sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng", chàng trai quê Nghệ An tiết lộ.

Lựa chọn của Thế Trung không thuộc về số đông quán quân Olympia. Đến nay, trong số 17 nhà vô địch leo núi đã lên đường du học, chỉ có 2 người trở về.

Nhiều năm qua, chủ đề "ở lại hay trở về" của những người leo đỉnh Olympia vẫn luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.

Từ trái qua: Hồ Ngọc Hân, Phan Minh Đức, Phạm Thị Ngọc Oanh hiện sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Ảnh: VTV.

Từ trái qua: Hồ Ngọc Hân, Phan Minh Đức, Phạm Thị Ngọc Oanh hiện sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Ảnh: VTV.

"Việt Nam không phải môi trường tốt cho các bạn phát triển"

Đó là nhận xét của một cựu thí sinh Olympia trong cuộc trao đổi với Zing.vn về vấn đề này. Anh cho rằng có nhiều yếu tố để người ta suy nghĩ, đắn đo việc về nước hay định cư ở nước ngoài.

"Nhiều thí sinh Olympia thường học xong cấp 3 rồi đi du học luôn. Sau thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài, họ quen môi trường ở đó nên cảm thấy khó hòa nhập khi trở về Việt Nam. Bản thân tôi khi về nước khá tiếc vì có nhiều điều học ở bên đó không có chỗ áp dụng", cựu thí sinh cho biết.

Sau khi học xong đại học tại Australia, Nguyễn Thành Vinh - á quân Olympia năm đầu tiên - từng có ý định trở về nước nhưng nhận thấy mình không có cơ hội công việc rõ ràng.

"Tôi thấy suy nghĩ của mình và cơ chế giáo dục của nước nhà không thực sự gặp nhau".

Á quân Olympia năm đầu tiên nhận thấy mình không có cơ hội công việc rõ ràng ở Việt Nam. Ảnh: FBNV.

Á quân Olympia năm đầu tiên cũng cho rằng quay về là lãng phí.

"Chúng tôi đã bỏ hết tuổi trẻ ra để học, để đeo đuổi một con đường và muốn làm những thứ chuyên môn đúng nghĩa nhưng ở Việt Nam thì chắc chắn là khó làm được", anh giải thích.

Bên cạnh đó, điều kiện, môi trường làm việc tốt, chỉ cần làm đúng chuyên môn, không cần phải chạy đua chức tước, con cái được hưởng nền giáo dục tốt... cũng là một số lý do níu chân Nguyễn Thành Vinh ở lại.

Hoàng Dương - cựu thí sinh thi Olympia, người sáng lập bộ truyện tranh Nhóm máu O - cho Zing.vn hay các du học sinh, cũng như nhà vô địch Olympia, không về Việt Nam làm việc một phần vì cơ chế giúp họ phát huy tài năng còn quá ít.

Vương Thiện Huy - từng vào tới cuộc thi tháng Olympia năm 12 - cũng chọn định cư ở Mỹ để phát huy tài năng và tiến gần đến ước mơ bay vào vũ trụ nhờ làm việc cho NASA.

Nhà báo Nguyễn Như Mai - người nhiều năm làm cố vấn cho Đường lên đỉnh Olympia - từng nhận định các nhà vô địch có thể sợ cảnh chạy chọt xin việc; "sống mòn" với nếp sáng cắp cặp đi, tối cắp về; e ngại tất cả mơ ước, hoài bão của mình đều dần bị thui chột nếu về nước.

Nơi nào tốt thì nhân tài tụ về

Bày tỏ quan điểm về lựa chọn của các nhà vô địch Olympia, độc giả Zing.vn người cho rằng khi còn trẻ, cứ thoải mái chọn nơi giúp mình phát triển tài năng, kẻ lại khăng khăng "về nước mới là cống hiến".

"Đã giỏi thì ở đâu bạn cũng sẽ có cuộc sống tốt. Các công ty lớn ở Việt Nam trả lương cho các chức vụ cao cấp 50.000-70.000 USD/năm không thiếu. Các quán quân Olympia qua đó thấy cũng chỉ làm nhân viên cho các tập đoàn nước ngoài có khác gì đâu. Chắc một phần do môi trường sống nên họ không muốn về", một bạn đọc nêu ý kiến.

Cựu thí sinh Olympia chọn định cư ở Mỹ để phát huy tài năng và tiến gần đến ước mơ bay vào vũ trụ nhờ làm việc cho NASA. Ảnh: Vương Thiện Huy.

Đức Anh cho rằng sau 4 năm đại học, các quán quân quen với cuộc sống tân tiến, hiện đại. Với những người đam mê nghiên cứu, Australia đáp ứng được cho họ điều đó.

"Nếu về Việt Nam, họ sẽ mất nhiều thứ hơn, dù cho đất nước từng là đòn bẩy đưa họ tới vinh quang. Australia là lựa chọn tốt", tài khoản này viết.

Đồng tình với quan điểm trên, Dat Nguyen Tan cho rằng: "Đất lành thì chim đậu. Nơi đâu tốt thì nhân tài tụ về. Thế thôi".

Bao ngán ngẩm khi nhiều người giữ "bo bo" tư tưởng "chảy máu chất xám" hay "không về là chỉ biết vun vén cho bản thân".

"Thay vì trách móc, đòi hỏi, chúng ta cũng phải hỏi ngược lại rằng hiện nay có môi trường cho các quán quân Olympia phát triển tốt hay không, chính sách đãi ngộ như thế nào để thu hút người leo đỉnh Olympia trở về", Bao nói.

Tân quán quân 'Đường lên đỉnh Olympia' chia sẻ cảm xúc chiến thắng Xuất sắc vượt qua các đối thủ, giành điểm số 245, Trần Thế Trung là chủ nhân mới của vòng nguyệt quế "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 19.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/217-quan-quan-olympia-ve-nuoc-o-viet-nam-chac-chan-kho-lam-duoc-post990893.html