2.000 người tham gia chiến dịch 'Làm cho thế giới sạch hơn'

Từng bước hạn chế phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa, xây dựng thành phố Đà Nẵng thực sự là thành phố môi trường, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, sớm triển khai đồng bộ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa.

Chung quanh âu thuyền Thọ Quang đầy rác thải, trong đó có nhiều loại rác thải rắn, khó phân hủy.

Chung quanh âu thuyền Thọ Quang đầy rác thải, trong đó có nhiều loại rác thải rắn, khó phân hủy.

NDĐT- Từng bước hạn chế phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa, xây dựng thành phố Đà Nẵng thực sự là thành phố môi trường, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, sớm triển khai đồng bộ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa.

Đó là mong muốn, là việc làm cụ thể, hằng ngày của mỗi người dân Đà Nẵng, mà ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định tại Lễ ra quân hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2019, do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại cảng cá Thọ Quang, TP Đà Nẵng, sáng 28-9.

Năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn chủ đề chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” là “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia đang nỗ lực loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa.

Phát biểu lại buổi lễ, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết: Hơn 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, người dân, cộng đồng, doanh nghiệp đã thực sự quan tâm, chung tay hành động.

Tuy nhiên, hiện nay thành phố vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường phát sinh, đặc biệt là công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giải quyết các điểm nóng về môi trường còn tồn đọng, kéo dài.

Hai năm qua, tỷ lệ chất thải rắn tăng từ 18% đến 20%, tỷ lệ rác thải nhựa có xu hướng gia tăng trong thành phần rác khoảng 5% đến 14%. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật đối với việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của thành phố chưa thực sự bảo đảm.

Nhằm hạn chế phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng thành phố môi trường và nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, thành phố rất cần sự đồng lòng của các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, thành phố Đà Nẵng thải ra môi trường hơn 1.000 tấn rác, trong đó phần lớn là rác thải nhựa và túi ni-lông. Lượng lớn rác thải nhựa tồn đọng trong vùng biển Đà Nẵng gây nguy hại cho hơn 80% rạn san hô và sinh vật biển.

Tại lễ phát động, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các doanh nghiệp đã tặng thành phố Đà Nẵng hàng trăm thùng đựng rác phân loại chất thải rắn.

Ngay sau lễ phát động, hơn 2.000 người dân quận Sơn Trà, lực lượng đoàn viên, thanh niên, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã ra quân dọn dẹp tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Trong đó, rất nhiều rác thải nhựa khó phân hủy và gây nguy hại cho môi trường.

Một đoạn kè khu vực cảng cá Thọ Quang đầy rác.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, trao tặng 30 thùng rác phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho TP Đà Nẵng.

Ngay sau lễ ra quân, người dân và các lực lượng cùng tham gia dọn vệ sinh.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng trực tiếp tham gia chiến dịch.

Và một số khu vực nhanh chóng được dọn sạch.

Cả một đoạn đường ven âu thuyền Thọ Quang khác hẳn trước đó.

THANH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/41718302-2-000-nguoi-tham-gia-chien-dich-%E2%80%9Clam-cho-the-gioi-sach-hon%E2%80%9D.html