1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương năm mươi lăm

VĂN PHÒNG KHU ĐOÀN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Khu rừng U Minh mùa bông tràm thơm ngát. Kinh Kiểm Lâm và những mương đào tự túc của cơ quan Khu đoàn nối vào nhau là nơi tập trung nhiều loại cá đồng, rùa, lươn, rắn… tạo nguồn kinh tế tự túc đáng kể cho cơ quan trẻ. Sau khi hội nghị triển khai nghị quyết của Khu ủy, với con số về tình hình địch được thông báo từ năm 1968 đến giữa năm 1971, địch lợi dụng ta chuyển hướng chậm sau Mậu Thân, chúng thực hiện kế hoạch “Gió mùa Tây Nam”, “Bình định cấp tốc” và “Bình định bổ sung”, “Bình định phát triển” với “Kế hoạch Phượng hoàng”. Chúng tiến hành hàng chục ngàn cuộc càn quét, đóng thêm hàng nghìn đồn bót, chiếm lại hầu hết vùng nông thôn ta đã giành được trong Tết Mậu Thân. Theo Jeff Stein - Marc Leepson, trong chiến dịch Phượng hoàng do CIA điều khiển, chỉ riêng năm 1969, đã có 200.000 nhà chánh trị bí mật của ta bị “trung lập hóa” - có nghĩa là chúng không bắt giết, cũng không giao nhiệm vụ chống cộng cụ thể, mà chỉ không thật sự chiến đấu như trước nữa thì cũng được lãnh lương và khi bị bắt, nếu giấy tờ có dấu hiệu riêng, thì được thả ngay…

Hải quân, các giang đoàn, hải đoàn của Mỹ ngụy liên tục đánh phá các thuyền bè chạy qua sông Tiền, sông Hậu, sông Mang Thít, đánh chiếm Năm Căn - Cà Mau, thiết lập căn cứ tiếp vận của hải quân ở Xẻo Rô - Kiên Giang, thường xuyên hoạt động trên các sông Cái Lớn, kinh xáng Vị Thanh - Xà No, kinh xáng và lộ Cái Sắn, kinh Vĩnh Tế, để chặn đường chuyển quân và vũ khí của ta từ biên giới Việt Nam - Campuchia xuống U Minh và từ U Minh lên Cần Thơ. Đó là địa bàn hoạt động của Liên đội I tuyến 1C và mới đây Liên đội II tuyến Năm Căn, Sông Đốc…

Mỹ dùng hải quân, không quân yểm trợ cho quân ngụy bình định căn cứ Cà Mau, U Minh. Dùng bạo lực để bình định, đẩy mạnh mua chuộc, lừa mị. Vì vậy, những vùng chúng đã bình định, chúng chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp, ngư nghiệp, đưa thêm giống mới và máy móc phương tiện để sản xuất và đánh bắt.

Trong hai năm 1968-1969, ta bị thương vong nặng nề, khoảng 10.000 cán bộ, chiến sĩ bị bắt, hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh - chưa kể hàng ngàn cán bộ bị bọn Phượng hoàng và bọn CIA - chiến tranh tâm lý “trung lập hóa” như đã nói. Về Đảng, đầu năm 1968, Đảng bộ toàn miền Tây có 30.795 đảng viên, bị tiêu hao trong chiến đấu 4.838 đảng viên, kết nạp mới 3.802 đảng viên, hiện có 29.759 đảng viên. Du kích ta bị tiêu hao 38.800 đồng chí gồm hy sinh và bỏ ngũ. Toàn Khu ta có 12.000 cán bộ chiến sĩ bỏ ngũ. Một số không vững vàng bị địch trung lập hóa, chiêu hồi, chiêu hàng, thậm chí một số phản bội, làm tay sai cho địch. Tuy nhiên, khi Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” thì gánh nặng chiến tranh đè nặng lên vai ngụy, do đó sinh nạn đào ngũ, chỉ riêng năm 1969 lính ngụy đào ngũ với con số kỷ lục là 107.000 quân, mà tài liệu “Sự kiện chiến tranh Việt Nam” của Jeff Stein - Marc Leepson đã nói.

Ở thế bị động, đế quốc Mỹ còn mở rộng chiến tranh sang Campuchia và Lào, nhằm tiêu diệt cơ quan lãnh đạo cách mạng miền Nam - Trung ương Cục và cắt đường tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam. Đế quốc Mỹ kéo dài cuộc chiến tranh ở Việt Nam và mở rộng sang Campuchia, Lào làm cho Mỹ bị cô lập trên thế giới và chia rẽ nội bộ nước Mỹ, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên nước Mỹ và 286 trường đại học bị đóng cửa, nhất là sau vụ cảnh sát Mỹ giết chết 2 sinh viên ở trường đại học quốc gia Jackson thuộc bang Kent.

Cô Út Nhì bày tỏ với chú Năm Hạnh và chú Năm Bang:

- Tình hình này, nói thật với hai anh Năm, tôi băn khoăn về Liên đội I của chúng ta quá. Trong anh em lãnh đạo của ta hiện còn trên ấy, phần lớn là hy sinh chiến đấu đã được thử thách từ nhiều năm qua. Nhưng chúng ta không được phép nghi ngờ, song cũng không được phép chủ quan một cách ngây thơ. Giá như có một cán bộ nào đó vì sợ hãi tính khốc liệt của chiến trường mà bị giặc “trung lập hóa”, không trung thành với ta thì sao?

Chú Năm Hạnh:

- Thường vụ Khu Đoàn rất sáng suốt. Theo đề xuất của đồng chí Năm Bang, chúng ta đã đưa một nữ đồng chí sau khi kết nạp Đảng và bồi dưỡng quan điểm lập trường chính trị đưa lên làm Phó thủ trưởng Liên đội. Đó chính là ý nghĩa của tinh thần cảnh giác mà đồng chí Út Nhì gợi ra.

Chú Năm Bang:

- Trước hết và sau cùng quan điểm cách mạng của Đảng ta lấy thực tế chứng minh tinh thần và phẩm chất chiến đấu, lập trường chánh trị của từng cán bộ. Những vấn đề mắc mứu có khi nhiều năm sau, thậm chí sau khi kết thúc chiến tranh chúng ta mới có thể giải đáp được. Giờ tôi đề nghị, ta tăng cường chỉ đạo, và củng cố đường dây liên lạc để bám sát tình hình ở các T95, T90, T85, T80 và Trạm phẫu thuật - bệnh xá dã chiến do đồng chí Trần Minh Hữu phụ trách, để Khu đoàn thật sự có trách nhiệm với chức năng lãnh đạo, chỉ đạo của mình cùng kết hợp với Đoàn 195 thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9…

Cô Út Nhì:

- Tôi được nghị quyết rút về cơ quan quá sớm, biết rằng ở T90 cái sống và chết diễn ra từng giờ, nhưng tôi không nỡ và không thể xa rời các cháu, các chiến sĩ trẻ măng nhưng dũng cảm lạ thường, mà khi xa họ ta hết sức luyến lưu, thương nhớ. Tôi còn một lời hứa với cháu Kim A, lúc chải chí cho mái tóc rối bù của nó, nó báo còn 3 đứa em mồ côi sống với ngoại đói rách. Trong đó có 2 đứa em trai hằng ngày đi bắt chuột đồng về bán mua gạo. Tuy tuổi nhỏ, nhưng Kim A nói rằng em nó có thể khiêng vác nặng nề mạnh hơn nó, và nó xin Ban chỉ huy cho nó đem 2 đứa em lên, để chị em cùng nhau phục vụ cho đơn vị…

Chú Năm Hạnh:

- Như vậy, các cháu đã được đưa lên đơn vị chưa? Nó bao nhiêu tuổi?

Cô Út Nhì:

- Tôi chưa kịp bàn với các đồng chí trong Ban chỉ huy Liên đội, nên chưa thể cho Kim A nhắn em nó lên. Hai đứa này, một đứa 16, một đứa 14 tuổi, bằng tuổi của Sơn ròm và Thống con…

Chú Năm Bang:

- Nói về nguyên tắc thì các cháu dưới 18 tuổi ta không đưa vào biên chế tổ chức đơn vị. Nhưng Thống con trước khi hy sinh, ở tuổi 14 đã lập được thành tích đánh trâu đưa ông chú Hai Văn - Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục vượt tuyến biên giới Vĩnh Tế về miền Tây chỉ đạo. Và khi văn phòng Liên đội bị trực thăng phóng pháo, thì Thống con dẫn trực thăng đến một hướng khác, hy sinh một cách anh hùng như Hồ Thị Kỷ ấn nút mìn diệt bọn thám báo gian ác ở Cà Mau. Đó là tuổi nhỏ chiến công to.

Chú Năm Hạnh:

- Nay mai, ta phân công nhiều cán bộ lên tuyến 1C, vấn đề đồng chí Út Nhì đặt ra, về đồng chí Kim A và 2 người em trai, ta sẽ giải quyết thu nhận. Dù chi tiết nhỏ, nhưng người cán bộ lãnh đạo đã hứa, thì phải thực hiện. Hơn nữa ta rất cần con em của giai cấp công nông tham gia vào lực lượng vận chuyển của mình trong cuộc chiến tranh kéo dài và ngày càng ác liệt.

Cô Út Nhì:

- Báo cáo với hai anh, cái khó là nữ đồng chí Kim A đã hy sinh trong lần vận chuyển vừa rồi. Chúng đem xác của các đồng chí ta đi triển lãm để tuyên truyền là chúng đã tìm diệt được tuyến đường của thanh niên xung phong…

Khi cô Út Nhì nói đến đây, hai chú Năm ngừng đưa võng, lặng lẽ. Một lát sau, đề tài trao đổi nhau lại chuyển sang hướng khác.

(Còn tiếp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/1c-con-duong-huyen-thoai-a147763.html