1C- con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bốn mươi mốt

TRÊN ÐỒI TỨC DỤP

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

2.Bí thư Khu ủy Nguyễn Thành Thơ cho mời đồng chí Phó văn phòng Ðỗ Phú Cẩn, tức Út Cẩn đến phòng làm việc của ông để bàn cách rước đồng chí Út Nhì - Ủy viên Thường vụ Khu đoàn về khu căn cứ. Út Cẩn là người phụ trách đội Giao liên công khai thay cho cô Sáu Trầu, làm trưởng K26, với một số phương tiện như vỏ lãi, bộ phận làm giấy tờ giả và hơn 30 công nhân viên gồm ông bà già và các cô gái để đi công khai hợp pháp xuyên qua các tuyến đường bị giặc chiếm đóng và kiểm soát. Cũng chính là nơi đồng chí Nguyễn Thành Thơ tiếp Ủy viên Khu đoàn Bùi Tấn Sĩ - tức Năm Ðoàn (để bàn về thành lập Liên đội Thanh niên xung phong tuyến 1C). Vẫn tấm bản đồ cũ có khoanh bằng bút đỏ những địa danh Hà Tiên, Vĩnh Tế, Giang Thành, Ðầm Trích, Hòn Ðất, Mo So và xa hơn Kirivong, Túc Mía, Sóc Chuốt. Những chấm đỏ trên bản đồ, sau khi lập Liên đội 1 Thanh niên xung phong đã trở thành T80, T85, T90, T95… địa bàn căn cứ - kho bãi và hành lang vận chuyển hàng quân sự của lực lượng thanh niên xung phong Tây Nam Bộ có sự bảo trợ của Ðoàn 195 thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9.

Rừng đước vùng Cái Hộc uy nghi cao lớn, vẫn một thứ nắng mùa thu xuyên qua bóng rừng, tạo những vũng sáng như hoa nắng trên mặt sàn của ngôi nhà gọn ghẽ và xinh xắn. Vẫn bình trà nhỏ như năm xưa tiếp khách trẻ của Khu đoàn, đồng chí Mười Khẩn mời Út Cẩn uống nước:

- Thường vụ Khu ủy đã thống nhất với Khu đoàn, điều đồng chí Trịnh Ngọc Châu, tức Út Nhì nguyên là Chánh ủy Liên đội Thanh niên xung phong tuyến biên giới Vĩnh Tế trở về Khu đoàn để nhận nhiệm vụ mới. Ðồng chí là nữ nên có khả năng đi công khai. Tôi mời đồng chí đến để bàn việc cho người trong K26 đi rước đồng chí Út Nhì về khu căn cứ.

- Thưa anh Mười, phương tiện đi đường như vỏ lãi và máy BS9 thì có sẵn, nhưng giấy tờ tùy thân cho đồng chí Út Nhì thì không dễ làm.

- Tình hình vùng Bảy Núi - Ba Hòn và khu căn cứ T90 của ta đang bị giặc bao vây theo chiến thuật “tìm diệt” và “bóp nghẹt”. Ðầu tháng này Thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh nhận chỉ thị trực tiếp của cố vấn Richard Helms và trợ lý Robert W. Komer của Tổng thống Hoa Kỳ Johnson tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật và Quân đoàn 4 - Cần Thơ, chúng lập kế hoạch mở chiến dịch “Gió mùa Tây Nam”, tập trung quân lực và phương tiện chiến tranh hiện đại kết hợp với mạng lưới CIA và hệ thống Phượng hoàng - “con chim của thần chết” tập trung đánh phá vùng biên giới và cắt đứt con đường vận chuyển hàng quân sự của chúng ta. Ðiều kiện không còn phù hợp với một nữ đồng chí tồn tại nơi chiến trường khốc liệt, nên Khu ủy quyết định điều ngay đồng chí Út Nhì trở về cơ quan Khu đoàn trước trận càn của địch…

- Giải quyết vấn đề “hóc búa” như thế này, chắc là phải nhờ đến cô Sáu Trầu. Cô hiện có mặt ở văn phòng đây, anh Mười nên mời cô để trao đổi.

Trong lúc chú Ðỗ Phú Cẩn trở về văn phòng mời cô Sáu Trầu tức bà Nguyễn Thị Ðê qua làm việc với Bí thư Khu ủy, chú Mười Khẩn lật sổ tay đọc lại những đoạn ghi chú bằng viết ba-ke Canada trên những trang giấy có gạch hàng và đánh số cẩn thận. Trong đó tên Sáu Khẩn phản bội hiện làm Trưởng Ty chiêu hồi Cần Thơ. Cứ mỗi ngày những tên phản bội phục vụ cho địch đánh phá vùng căn cứ ta và sát hại nhiều đồng bào, chiến sĩ và cán bộ trung kiên của ta. Phải diệt những tên phản bội này, đó là dòng chữ có gạch dưới, nhiều lần hiện lên trước mắt của vị Tư lệnh miền Tây Nam Bộ.

Giây lát chú Út Cẩn đã đưa cô Sáu Trầu đến nơi làm việc của chú Mười. Chú Mười hỏi:

- Chị Sáu, chị về hồi nào, chị có
khỏe không?

- Tôi về tới hồi khuya. Hết bịnh rồi, về đây nhận công tác lại. Cậu có khỏe không?

- Chị nhìn thấy tôi đây, sức đâu có thua thanh niên. Tôi và đồng chí Út Cẩn có việc phải nhờ đến chị. Chị hãy uống chung trà đi.

- Chị Sáu ơi, việc đi rước cô Út Nhì ở T90 - biên giới Nam Vĩnh Tế, ta phải xuyên qua 3 điểm đóng quân và 6 trạm kiểm soát của địch. Nhưng giờ bộ phận làm giấy giả của ta không còn vật liệu. Nhờ chị có ý kiến giải quyết.

- Dì Út Nhì đằm thắm mà gan lì lắm. Phải tùy theo người mà ta có phương pháp đưa rước họ trên tuyến đường công khai đặc biệt. Tôi đóng vai vợ chồng với ông Ba Bường, đóng vai chị ông Tám Kiệt… đi lên đi xuống Tây Ninh - Cà Mau, Cà Mau - Tây Ninh cả mấy chục lần vững trân. Nhưng có lần tôi đóng vai mẹ ghẻ chú Ba T và chú Sáu U… thì thật là vất vả. Vì khi bị địch chặn lại xét hỏi “mấy ông nội” này mất tinh thần, mặt xanh lét. Thằng giặc hỏi “Con trai của bà sao mặt xanh chành vậy?”, tôi phải trả lời “Mấy cậu ơi, nó bệnh sốt rét, tôi dẫn nó đi ra chợ cho thầy trị bịnh đó!”. Còn dì Út Nhì đã đi với tôi vài lần rồi. Lần này đóng vai mẹ con, vì dì Út nhỏ gọn người, trẻ trung và coi đẹp gái lắm, đóng vai con gái lớn của tôi thì “hết xẩy”. “Mẹ con” tôi qua mặt giặc như chơi.

- Nhưng giấy tờ thì chị làm sao?

- Giấy tờ tôi có sẵn đây!

Cô Sáu thọc tay vào túi xách móc ra 2 cái giấy căn cước, một cái giấy của ông già có râu tên Trần Văn Niên ở xã Tân Thuận, một cái giấy tên Hồ Thị Ly cũng ở xã Tân Thuận. Ðó là hai vợ chồng nơi cô Sáu đóng cơ quan liên lạc công khai năm trước. Hai vợ chồng bị chết vì “bom trộm”, cô Sáu xin 2 cái giấy căn cước để dành, không ngờ nay có dịp dùng.

Chú Mười Khẩn kêu:

- Trời đất, giấy tờ này làm sao mà chị và Út Nhì sử dụng được!?

- Sao không được cậu. Mình phải quyền biến chớ!

- Chị quyền biến thế nào, tôi suy nghĩ không ra!

- Ðây, hai cậu coi tôi làm đây.

Cô Sáu mượn cái hộp quẹt zippo của chú Mười dùng để hút thuốc, xẹt lên một ngọn lửa xanh và kê tấm hình ông già có râu tên Niên, đốt cháy một góc giấy căn cước, cháy phân nửa cái hình ông già trong giấy. Còn cái giấy căn cước của người đàn bà mang tên Ly cô cũng đốt cháy mất phần đầu của hình người. Hai cán bộ lãnh đạo ngồi nhìn cô Sáu thao tác với sự khôn ngoan của người chiến sĩ giao liên lão luyện, lòng đầy khâm phục, nhưng chưa hiểu lý lẽ nào mà cô Sáu đốt giấy căn cước cháy một góc như vậy. Chú Mười Khẩn hỏi:

- Chị đốt như vậy để làm gì, có ý nghĩa gì?

- Có chớ, bây giờ cậu Út Cẩn làm thằng lính mật thám, hoặc thằng cảnh sát trưởng xét giấy “hai mẹ con” tôi đi.

Chú Út Cẩn:

- Ðồng ý. Tôi là Cảnh sát trưởng mà cũng là Trưởng phòng nhì - 2è Bureau, đang xét giấy chị đây: “Bà già, bà dẫn cô cán bộ này đi đâu?”

- Cậu ơi, cậu nói gì ác khẩu quá vậy, tôi dẫn con gái tôi đi ra chợ Rạch Giá khám bệnh phổi, nó ho lao mình mẩy ốm ròm cậu không thấy sao?

- Bà đừng nói dóc, cô này không có ho lao đâu, cán bộ Khu ủy đó!

- Cậu ơi, cậu nói gì bất nhân vậy, mẹ con tôi người chân chất làm ăn ở tại Sóc Ruộng, gần chợ Rạch Giá đây mà.

- Thôi không dang ca, giấy tờ đâu?

- Ly, con trình giấy cho cậu xem đi.

- Trời đất, bộ mấy người giỡn với “Chánh thể quốc gia” hả? Sao giấy tờ gì kỳ cục vậy?

- Cậu ơi, cậu là “phụ mẫu chi dân”, tôi nói để cậu thương, nhà tôi bị bom bỏ cháy sạch, may mà lấy ra được mấy cái giấy căn cước trong bóp tiền, nên nó cháy một khúc còn một khúc. Có bao nhiêu thì đem theo trình cho cậu xem bấy nhiêu. Dân tình thời chiến bây giờ khổ nhọc lắm cậu ơi.

- Còn bà, đừng có lẻo lự, giấy tờ bà đâu?

- Dạ đây, giấy tờ tôi đây, cậu xem!

- Lại kiểu nầy nữa, sao lại cháy một góc vầy?

- Thì tôi đã nói với cậu, nhà tôi bị cháy, mấy cái giấy căn cước của gia đình có cái nào còn nguyên đâu.

- Mà nè, bà mở con mắt ra mà coi, cái giấy này của thằng cha già nào có râu chớ có phải của bà đâu?

- Úi trời đất ơi, “cái thằng cha già dịch”, đêm hôm tôi bảo ổng lấy cái giấy căn cước cho tôi đi đường đưa con nhỏ ra chợ trị bịnh, ổng nhè lấy cái giấy cháy của ổng đưa cho tôi. Ba của mầy nghe Ly, uống rượu riết rồi lộn hồn lộn vía. Cậu ơi (nói với tên cảnh sát) cậu thông cảm cho mẹ con tôi đi, nhà tôi bị cháy, giấy tờ cháy. Còn cái giấy nầy của ông nhà tôi, ba sắp nhỏ ổng đưa lộn cho tôi đêm hôm.

- Tôi mệt mỏi vì hai mẹ con bà quá đỗi. Bà có phải cán bộ Việt cộng không thì nói thiệt, hôm nay ngày tốt, tôi hứa với bà tôi không bắt ai hết. Nhưng bà phải khai thiệt với tôi chớ bà và cô em này chắc chắn là Việt cộng rồi.

- Cậu đừng nên nói chơi với người tu hành, bữa nay là ngày lành tháng tốt, mẹ con tôi mới xuất phát, gặp cậu đây người nhân đức, thôi cậu cầm lấy chút ít (đưa tờ giấy 50.000) để uống cà phê.

- Bà hối lộ nhân viên công quyền hả? - Tên cảnh sát vừa nói vừa nhét tiền vào túi.

- Cậu đừng nghĩ vậy. Ở đời phải biết giúp nhau. Như cậu đây “khẩu xà tâm Phật”. Mẹ con tôi cần đi ra chợ sớm để còn khám bịnh hốt thuốc, rồi về cho kịp đò giang.

- Thôi đi đi bà nội. Còn cô em ngó mặt anh cái đi. Ðẹp quá hén!

Tới đây, chú Mười khen:

- Hay lắm, chị Sáu và chú Út vừa diễn một màn kịch tuyệt vời. Như vậy với một thứ giấy tờ kiểu này, chị Sáu có thể vận dụng trí tuệ cách mạng, rước cô Út về khu căn cứ an toàn.

(Còn tiếp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/1c-con-duong-huyen-thoai-a146436.html