1C - con đường huyền thoại

► Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

► Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương hai mươi tám

CHÚ CHÁU VÉT KINH MỞ ÐƯỜNG

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Chú Tư Mau - Phan Văn Nhờ, còn có biệt danh Hùng Lùn, là một cán bộ tháo vát, dễ gần gũi và ai cũng yêu thích, quyết định đào con đường 6 từ ngọn Rạch Dứa bên đất bạn Campuchia, đào qua Ðầm Trích - Tà Êm (xuyên qua kinh Vĩnh Tế). Ðoạn này dài hơn 4.000 thước, phải có vài trăm lực lượng đào vét trọn đêm. Như vậy phải có tổ chức lãnh đạo chu đáo, tỉ mỉ.

Chú Tư sang bên ngọn Rạch Dứa trước 2 ngày, chú giả dạng người xôm rắn, đào chuột, dẫn hai, ba anh em chí cốt đem cây thước theo đo đạc bề sâu, chiều rộng của mỗi khúc rạch, dự kiến bao nhiêu nhân công, phương tiện gì (thùng, gàu, vá, rổ, bội, cần xé, xuồng) thức ăn và nước uống sẵn sàng, cả thuốc trị bệnh và trạm cứu thương.

Thật sự là làm giao thông vận chuyển y như đi đánh giặc.

Rồi, dùng cây vạt ra, chú làm biển số từng khúc kinh, cắm biển số để cho trung đội, đại đội nào nấy lại đó bắt số theo sự phân công mà làm. Trong mỗi đoạn kinh, chỗ nào sâu cạn, cần móc bao sâu, móc đổ đất đâu, đều có ghi dấu rõ ràng. Chỉ huy mà như chú Tư Mau thì lính hăng hái lắm. Chạng vạng thì động quân. Bên T80 qua 100 lực lượng, lội bộ và bơi, chống xuồng. Bám tuyến lộ và tuyến kinh Vĩnh Tế rồi qua, đem theo cả đồ nghề làm đất, còn 150 lực lượng ở T95 đưa về, đem theo cả lương thực cho 100 lực lượng T80 ăn luôn vì bên Gộc Xây bị phong tỏa lương thực mấy tháng nay, đói.

Chú Tư tâm lý lắm. Hai lực lượng họp mặt nhau, chú đề nghị đem thức ăn ra liên hoan. Một trăm anh chị em T80 đói lả từ lâu, có cốm dẹp, cơm nếp bánh in, đường thốt nốt, ôi mừng quá đỗi. Khô trâu, khô bò mà nướng sẵn ăn với cơm nếp đậu thì ngon biết dường nào. Sức khỏe tăng lên, người ấm nóng, lội tòm xuống nước, khỏi uống nước mắm hay ngậm muối gì cả.

Cuộc lao động mở đường vì Tổ quốc bắt đầu.

Thằng địch pha đèn từ chốt canh đồn Vĩnh Ðiều. Không sao, nếu nó pháo ta thì cho Sáu Phước đối pháo (phản pháo). Hải tặc nay bắn khá lắm rồi. Nó khoe với mấy chị trong tiểu đội là “Em lớn rồi à nghen!” mà không biết nó lớn cái gì, cứ hăm mấy chị là “lớn” rồi, có lẽ nó bị mấy chị sai khiến mãi, nào nhận xuồng, vớt xuồng, hái rau, bẻ củi, nấu cơm, nấu nước… Chín chị gái sai một thằng em trai nên nó cứ nói em lớn rồi, cho mấy chị bớt sai khiến. Thừa lúc Hải tặc được chọn làm pháo thủ của chú Sáu Phước, coi bộ cậu khoái lắm. Cậu làm mặt với Thống con, Ốc Tiêu và lên gà với mấy chị.

Hôm chị Hồng Láng hy sinh, Hải tặc khóc lâu lắm rồi xin chú Tám Xà Bam dẫn về xóm Tà Êm mò thăm mộ chị Láng, đốt nhang. Hồi còn sống, chị Láng ít hay cú đầu em mà hay hôn tóc em, an ủi em, lúc nhớ mẹ và em đang nghèo đói ở nhà, Hải tặc rưng nước mắt.

Sáu Thiện, gốc nông dân, đào kinh tát đìa là sở trường, lần này được phân công dẫn lực lượng vét kinh, làm anh nhớ lúc Huyện ủy Trần Văn Thời ra lệnh huy động lực lượng vét kinh, kiểm lâm để đưa hai chiếc FOM giấu sâu trong khu rừng tràm Ba Tỉnh, chờ năm sau ta lấy FOM này làm công sự nổi đánh diệt đồn Nổng Cạn xã Khánh Lâm.

Ðất bạn là đây ư? Mùi bùn đất vẫn ngọt ngào như đất Tổ của ta để lại ở phía bên kia bờ Vĩnh Tế! Bùn đất anh em như bùn đất Việt Nam ta. Vét sâu hơn, dài thêm con rạch trời sanh mang tên Rạch Dứa này, ghi dấu vào lịch sử vệ quốc một thời thanh niên miền Tây ra trận. Hàng trăm con người lặn hụp mà sao êm ái lạ kỳ. Ðất rung lên mà người thì lẳng lặng. Giặc dùng máy bay Dacota quần đảo gần xa, quăng mấy trái sáng và bắn đại liên. Mặc xác mày, làm sao mày thấy “đoàn quân ma” của chúng ta. Mở đầu cuộc kháng Pháp có một bài hát tên là “Ðoàn quân ma” mà cỡ tuổi chú Tư Mau mới nhớ. Bài hát phải nhận là hay, mà khó nhớ ngay một lúc lắm. Chú Tư Mau chịu thôi.

Cá, lươn, tôm cua bị ta vét lên chạy sao khỏi. Ta bắt chúng làm thức ăn tốt quá, coi như “vật dưỡng nhơn” vậy mà.

Làm say sưa đến gà hai bờ biên giới gáy vang mà không hay. Lệnh Ban chỉ huy cho nghỉ uống nước đường và ăn cốm dẹp. Mệt quá, song vui quá nên còn làm vài giờ nữa cho thông con đường đủ nước lườn xuồng đi luôn mùa hạn tới. Ai ngờ con đường 6 mà anh chị em ta vét đây, sau có đơn vị Ðầu Cầu là một đại đội của Tiểu đoàn 410 túc trực bảo vệ. Và con đường chính của tuyến 1C là đây.

Bên xứ bạn, nơi ta đào vét bỏ đất lên đêm này, sau đó không lâu là nơi ta chôn nhiều liệt sĩ. Có cả anh em đào vét đêm nay, khi chết lúc qua kinh “Vĩnh biệt” được đồng đội đưa về chôn ở nghĩa trang Rạch Dứa, cũng gọi là nghĩa trang 30 (có lẽ chôn 30 đồng chí).

Lúc sương phủ kín 2 bờ Vĩnh Tế, gà gáy giọng trầm đục vì khản cổ mệt mỏi, anh em ta được lệnh về nghỉ, số ở T80 quay về bên kia bờ hơi vất vả, cho anh em nghỉ trước 30 phút, bám đường. Chú Tư bám theo anh em về Ðoàn 195.

Số bên này làm dứt điểm đoạn kinh chót rồi quay về trong ánh bình minh xán lạn. Cho ngựa, voi ăn lá rừng dọc đường, gặp “đàn chủ” ướt át, chúng ngạc nhiên không biết đêm họ làm gì mà vất vả đến thế?

Con đường 1C ăn sâu vào trong lòng biên giới ngàn năm, mùi bùn đất lan tỏa trong nắng gió. Quạ, diều săn cá, lươn trên đám bùn non, tha hồ mừng vui kêu la inh ỏi “Tòa à!”, “Tòa à!”.

2. Không chậm trễ một ngày như câu hát “Từng phút từng giây chiến trường đang mong đợi…”, hôm sau chú Tư Mau lại chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong và Ðoàn 195 tiếp tục nạo vét và đào thêm kinh Cây Trâm chuyển về vườn chuối An Ninh, đến ngã tư Ðầu Trâu (nơi Liên đội Thanh niên xung phong gánh Năm Ðoàn, Út Nhì từng xây doanh trại). Ðêm này làm có hò hát đùa vui, thách bắt thi đua, hò nam nữ đối đáp vì là nơi xa đồn bót và căn cứ đóng quân của giặc, miễn đừng có ánh lửa, chúng sẽ bắn pháo. Còn trững giỡn hò hát thì tha hồ.

Chú Tư Mau nói:

- “Dân Nguyễn Việt Khái có Thái Ðắc Hàng sáng tạo thơ Bạc Liêu. Còn dân Cần Thơ có hò Cần Thơ bằng văn lục bát hay lắm. Các đồng chí tổ chức hò đối đáp cho vui nhộn lên đi. Tôi làm Ban chấm thi với cô Út Nhì, cô Sáu Dân, Bảy Thu và Sáu Thiện, anh Năm Ðoàn ở nhà viết báo cáo vắng mặt tại hiện trường, còn bao nhiêu ta thi, và chấm thi bấy nhiêu.

- Ðồng ý! Vậy đó chú Tư.

- Ðội nào thắng có thưởng.

- Thưởng gì chú Tư?

- Thưởng đường thốt lốt!

- Hoan hô, hoan hô!

Tổ nam:

- Chấp nữ hò trước đó!

Tổ nữ:

- Cạn đề tài, chịu thua đi chứ chấp gì. Tổ nam khởi xướng đi!

- Thiệt hôn?

- Thiệt đó!

Tổ nam hò:

Hò ơ… ơ… ơ… Ðố ai biết rõ con chi?

Cả bầy đi mò cá… hò ớ quản gì ngày đêm.

Hò ớ, ơ ơ, tiện đây xin được hỏi thêm,

Con gì mặc áo… hò ơ…

Con gì mặc áo mà ban đêm chống xuồng….

- Hay quá mấy chị ơi, tổ nam hay quá, hò nội dung ghẹo mình không đó. Mấy chị hò lại đi.

Tổ nữ hò:

Hò ơ… ơ… ơ… anh ơi đừng nói luông tuồng

Con “rái” mò cá chống xuồng là “tụi em”.

Bây giờ anh thử đoán xem.

Cây gì ngày vác, đêm đem vô mùng.

Hò ơ… cây gì ngày vác đem vô mùng?

Trái gì đi mang theo cùng?

Ban đêm khi ngủ hò ơ…

Ban đêm khi ngủ trong mùng có nhau?

Ớ…ơ…….

Tổ nam nhốn nháo lên:

- Hay quá, tổ nữ làm mình kẹt cứng.

- Tính sao mấy anh. Ai lên tiếng đây?

Tổ nam xếp trật tự để ứng phó. Một phút sau cất tiếng:

Hò ơ… đóm đóm thì sáng trời đêm

Ban ngày đom đóm biết tìm đâu ra?

Tưởng cô em hỏi đâu xa.

Nào ngờ hỏi vậy nghe qua biết liền.

Với ta súng đạn là bạn hiền.

Hò ớ… với ta súng đạn là bạn hiền.

Ban ngày mang vác đêm liền bên hông.

Hò …ơ…

Không phải vợ, chẳng phải chồng.

Ta ôm ẵm súng trong lòng mến thương.

Ớ… ơ…

Một ngày xa cách quê hương.

Hò ớ… một ngày xa cách quê hương.

Mang thù nhà nợ nước lên chiến trường 1C.

Ớ… ơ…

Quyết tâm mang chiến công về

Nên yêu khẩu súng và mê chiến trường.

Tuổi xuân ta gắn tuyến đường.

Vâng lời Bác gọi coi thường tử sinh.

“Ba khoan” chưa lập gia đình

Ðêm nằm bên khẩu súng tưởng mình có nhau!

Ớ… Ơ…

Tất cả ồn ào lên:

- Hay quá trời đi!

- Tổ nữ đâu nghe chưa?

Ðến cao trào sôi nổi, tổ nữ hỏi tiếp:

Hò ớ… thuyền quyên đã hỏi hai câu

Anh hùng đáp một dễ nào bỏ qua

Trái gì đeo đẳng cùng ta

Ngày mang đêm chẳng bỏ ra khỏi mùng?

Tổ nam sắp xếp một chút rồi có người cất tiếng:

Hò ớ…

Thuyền quyên đã hỏi anh hùng.

Trái gì ta giắt theo cùng với ta.

Ðêm ngày thức ngủ không xa.

Khi có giặc trái xông ra thét gầm.

Hò ớ… anh hùng đây đoán không lầm.

Là trái lựu đạn, trái âm thầm em yêu …

Ớ… ơ…

Tổ nữ nhộn lên:

- Mấy chị ơi, bọn con trai hay quá, mình ráng lên đừng để thua.

Một cô cất tiếng:

Hò ớ… anh ơi đừng có nói trêu.

Chúng em xin hỏi đôi điều nữa thôi.

Tấm gương liệt nữ truyền đời.

Là ai? Anh biết tên người? Biết quê?

Nếu anh đáp trọn mọi bề

Hò ơ… nếu anh đáp trọn mọi bề

Chúng em nhường giải thưởng…

Hò ơ… chỉ đứng bên lề “ăn theo”

Hai bên nam nữ cười lên rần rần.

Tổ nam hò:

Hò ớ… tấm gương liệt nữ phi thường.

Là gương Hồng Láng gắn tuyến đường 1C

Hy sinh để giữ lời thề.

Mỹ - Ngụy hãi sợ, bạn bè noi gương

Phong Lạc - Ðất Cháy quê hương

Lớn bên thắng cảnh Thị Tường sóng reo

Thị Tường đầm nước trong veo

Hò ơ… Hồng Láng thành mảnh trăng treo giữa trời.

Tất cả thốt lên:

- Hay quá chú Tư ơi, thưởng cho tổ nam đi chú Tư.

Chú Tư cũng vỗ tay tán thưởng với các cháu, đợi ổn một lát, chú Tư nói:

- Tổ nam vô đầu thụ động, nhưng đáp câu hỏi trôi chảy, nhiều ý hay, lời văn có chất lượng cao, chú đề nghị tập thể xét thưởng tổ nam giải nhất, nhận 100 ký đường, 100 ký đậu xanh cà và 50 ký cốm dẹp, 100 khăn choàng tắm. Tổ nữ gợi ý hay, có sáng tạo, bám chặt đề tài thực tế, mang tính giáo dục cao, chú đề nghị tập thể xét thưởng đặc biệt, nhận quà tặng bằng giải nhất với tổ nam.

- Hoan hô chú Tư! Hoan hô chú Tư!

Các cháu la hét nhảy nhót rần rần. Rồi theo chú Tư đề nghị tất cả vỗ tay hát bài Kết Ðoàn.

“Kết đoàn chúng ta là sức mạnh.

Kết đoàn chúng ta là sắt gang.

Dù sắt hay là gang còn kém bền vững.

Chúng ta thề đánh tan quân thù.

Thực dân đế quốc sài lang ta đập tan hoang.

Tiến tiến mau lên cờ tự do đang reo vang.

Kết đoàn chúng ta là sức mạnh”

Tiếng hát ầm ầm dậy sóng trên cánh đồng Gộc Xây. Kế đến sau bài hát, lực lượng trẻ thức suốt đêm vét hết đoạn kinh đã quy định. Ðêm sau sẽ vét con kinh từ Thầy Bang về kinh Tám Ngàn, vét kinh Chiến Thắng về lung Bọc Thưa, về Tân Hội, Tràm Dưỡng, qua lộ Cái Sắn giao hàng, các con kinh ta nạo vét lại hết. Thanh niên xung phong tuyến 1C hát hò lên rồi vét kinh, lung cho nước sâu hơn bằng tình yêu Tổ quốc.

Cần Thơ, tháng 11-2006

(Còn tiếp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/1c-con-duong-huyen-thoai-a145253.html