19 năm sau vụ khủng bố 11-9: Những bài học không được phép lãng quên

Đã 19 năm kể từ sau loạt vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra giữa lòng nước Mỹ. 4 vụ tấn công khủng bố xảy ra trong ngày 11-9-2001 cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người và khiến hơn 6.000 người khác bị thương. 19 năm đã qua đi nhưng nỗi đau về sự mất mát sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 mãi mãi là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người dân Mỹ và cả thế giới. Chính nó cũng nhắc nhở nhân loại về những bài học không được phép lãng quên.

Tòa tháp đôi WTC đã sụp đổ hoàn toàn sau vụ khủng bố kinh hoàng 11-9. Ảnh: Reuters

Tòa tháp đôi WTC đã sụp đổ hoàn toàn sau vụ khủng bố kinh hoàng 11-9. Ảnh: Reuters

Vẫn là nỗi ám ảnh khủng bố

Không kể đến những con số thiệt hại kinh hoàng (2.996 người thiệt mạng, hơn 6.000 người khác bị thương và gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD), thảm kịch 11-9 đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York. Nước Mỹ thật sự bị tổn thương sâu sắc khi biểu tượng sức mạnh của cường quốc số 1 thế giới này bị tấn công.

Sau vụ khủng bố, nước Mỹ mở các cuộc chiến quy mô lớn ở Iraq, Afghanisan với danh nghĩa chống khủng bố và sau đó là mở rộng đến Pakistan, Syria và Yemen... Cuộc chiến tốn kém này (tiêu tốn khoảng 6.400 tỷ USD) trong 19 năm qua cũng đã giúp Mỹ và liên minh chống khủng bố đạt được những kết quả nhất định như tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden, kẻ chủ mưu gây ra vụ khủng bố ngày 11-9-2001, ngăn chặn được đáng kể số vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ, làm suy yếu nhóm khủng bố IS, giải phóng được khoảng 7,7 triệu người khỏi sự kìm kẹp của hàng chục nghìn tay súng khủng bố. Đặc biệt, tháng 10-2019, Mỹ tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh khét tiếng của IS Abu Bakr Al-Baghdadi trong một cuộc đột kích tại Tây Bắc Syria, đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nhưng vấn đề là cho đến nay, họ vẫn sa lầy vào các cuộc chiến này. Và theo các chuyên gia, thực tế chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa chấm dứt, thậm chí có xu hướng phát triển theo chiều hướng phức tạp hơn. Nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu và thậm chí còn có xu hướng lan rộng và biến đổi theo chiều hướng phức tạp. Số quốc gia chịu tác động của tình trạng bạo lực cực đoan cũng tiếp tục tăng lên.

Với IS, không lâu sau khi thủ lĩnh Al-Baghdadi bị tiêu diệt, IS đã ngay lập tức chỉ định Abdullah Qardash, một trong những lãnh đạo cấp cao của nhóm phụ trách các vấn đề Hồi giáo làm thủ lĩnh mới thay thế. Và vấn đề là, ý thức hệ tư tưởng cực đoan của tổ chức này vẫn đang được truyền bá và gieo ảnh hưởng lớn. Tất nhiên, cuộc chiến chống khủng bố là cuộc chiến dài lâu và luôn đối mặt nhiều thách thức. Nó không chỉ là mối đe dọa đối với riêng Mỹ mà là một mối đe dọa toàn cầu vì vậy cần sự đồng thuận đến từ tất cả các nước.

Những bài học

19 năm đã trôi qua. Một tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) mới đã mọc lên. Nhiều nơi bị tấn công đã hồi sinh. Nhưng cứ mỗi khi vào dịp này, người dân Mỹ và thế giới vẫn không thể quên ký ức kinh hoàng và nguyện cầu cho những nạn nhân xấu số. Họ cũng không quên nhắc nhở nhau về những bài học đáng nhớ.

Đó là không một quốc gia nào có thể miễn nhiễm với khủng bố. Những âm mưu táo bạo, vô cùng tỉ mỉ mà Al-Qaeda lên kế hoạch phơi bày lỗ hổng an ninh ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Lổ hổng này cho thấy, công tác kiểm soát an ninh là chìa khóa then chốt. Tuy nhiên, an ninh không chỉ được thực thi bởi các lực lượng cảnh sát mà phải bởi tất cả các lực lượng thực thi pháp luật. Từ vụ khủng bố 11-9, có thể thấy nếu như công tác kiểm soát an ninh được tiến hành hiệu quả hơn thì âm mưu cướp máy bay của bọn khủng bố có thể đã bị phơi bày hoặc ít nhất một mục tiêu đã thoát khỏi vụ tấn công. Ngoài ra, không thể bỏ qua thông tin tình báo dù nhỏ nhất. Trước vụ 11-9, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thu thập được thông tin tình báo về một vụ tấn công khủng bố “sắp xảy ra” và chỉ ra rằng Al-Qaeda đang lên kế hoạch các vụ tấn công nhằm vào nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ trong tương lai gần. Những cảnh báo tương tự đã được chuyển đến Nhà Trắng, nhưng các cơ quan liên bang về cơ bản đã bỏ qua chúng, coi đây là “những báo cáo thường lệ”. Và rồi từ những thành phần khủng bố cho thấy, bất ổn chính trị hoặc các cuộc xung đột ở các quốc gia chính là nơi dung dưỡng cho chủ nghĩa khủng bố.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_231387_19-nam-sau-vu-khu-ng-bo-11-9-nhu-ng-ba-i-ho-c-k.aspx