19 năm chống kủng bố, nước Mỹ lộ thêm kẽ hở

Sau sự kiện ngày 11/9, nước Mỹ đã phát động cuộc chiến chống lại khủng bố mà đến nay vẫn chưa thể kết thúc.

Kể từ thảm kịch trên, không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác trên thế giới đã bị cuốn vào một cuộc chiến “chống khủng bố toàn cầu” do Tổng thống Mỹ George W.Bush phát động.

19 năm sau sự kiện kinh hoàng ngày 11/9/2001, nước Mỹ vẫn chưa thể kết thúc cuộc chiến chống khủng bố.

19 năm sau sự kiện kinh hoàng ngày 11/9/2001, nước Mỹ vẫn chưa thể kết thúc cuộc chiến chống khủng bố.

Sau sự kiện 11/9/2001, chính quyền Mỹ đã mất chưa đầy 1 tháng để tìm lý do, bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Washington mất 2 năm để tìm ra mối liên hệ giữa phần tử al-Qaeda với lực lượng tình báo Iraq và tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq, và mất tới 10 năm mới tìm và tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden, kẻ chủ mưu gây ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Mỹ đã cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu từ năm 2001 đến nay. Theo thống kê, cường quốc số 1 thế giới này cũng đã phải tiêu tốn khoảng 6.400 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria và Yemen.

Cuộc chiến tốn kém này trong 19 năm qua cũng đã giúp Mỹ và liên minh chống khủng bố đạt được những kết quả nhất định, như: ngăn chặn được đáng kể số vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ, làm suy yếu nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bằng việc tiêu diệt thủ lĩnh khét tiếng của IS Abu Bakr al-Baghdadi trong một cuộc đột kích tại Tây Bắc Syria.

Việc kẻ cầm đầu của đế chế Hồi giáo này bị tiêu diệt được coi là thành công lớn nhất của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu kể từ sau chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden vào năm 2001 và là một “đòn chí tử” đối với tổ chức khủng bố này.

Giới phân tích cho rằng cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu dẫu đã đạt được những kết quả đáng kể trong 19 năm qua, song thực tế chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa chấm dứt, thậm chí có xu hướng phát triển theo chiều hướng phức tạp hơn.

Nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu bởi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ,” trái lại còn có xu hướng lan rộng và biến đổi theo chiều hướng phức tạp. Số quốc gia chịu tác động của tình trạng bạo lực cực đoan cũng tiếp tục tăng lên.

Ở Afghanistan, lực lượng Taliban vẫn tồn tại và thậm chí hoạt động mạnh trở lại.

Thay vì tiêu diệt nhóm khủng bố Taliban, Mỹ thỏa thuận với tổ chức này hồi tháng 2/2020 nhằm mở đường cho các cuộc đối thoại giữa lực lượng này với chính quyền Afghanistan, từ đó có thể giúp Mỹ rút binh lính khỏi chiến trường Afghanistan. Washington không thừa nhận cuộc chiến ở đây là "sa lầy" song họ đang rất nỗ lực để thoát khỏi quốc gia này.

Giới quan sát nhận thấy, ngay cả trong kịch bản Mỹ đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa lực lượng mà họ coi là khủng bố và quốc gia mà Mỹ hỗ trợ quân sự thì cuối cùng tình hình ở đây vẫn không được giải quyết. Thực tế, Taliban và Afghanistan thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận và thực hiện các vụ tấn công, đe dọa đến an ninh của dân thường ở Afghanistan.

Đánh đổi giữa việc Taliban và Afghanistan không đi tới một kịch bản hòa bình, Mỹ chuyển sang đổ lỗi cho Nga khi câu kết và treo thưởng cho Taliban để sát hại lính Mỹ tại Afghanistan. Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Bob Menendez đã trình dự luật yêu cầu Tổng thống Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga do thông tin việc tình báo quân đội Nga treo thưởng để chiến binh Taliban tấn công vào binh lính Mỹ ở Afghanistan. Dẫu điều này đã bị phía Nga phủ nhận nhưng vẫn tiếp tục là cái cớ để Mỹ lập luận về tình hình chưa thể giải quyết trước khi rời khỏi Afghanistan.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông muốn sớm chấm dứt thời kỳ rải quân đội Mỹ khắp các châu lục, đưa binh lính từ Iraq và Afghanistan trở về. Dẫu không tiết lộ thời điểm cũng như số lượng binh lính Mỹ sẽ được rút về nhưng thời điểm ông Trump thông báo về việc này cũng đáng chú ý, chỉ trước ngày 11/9 một ngày.

Ở Iraq, tuy chính quyền Mỹ đã tuyên bố quét sạch tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng song khả năng hồi sinh của IS vẫn đang là thách thức với chính quyền Iraq. Những tàn quân IS vẫn lẩn trốn tại các khu vực sa mạc rộng lớn ở khu biên giới Syria-Iraq. Không lâu sau khi thủ lĩnh IS al-Baghdadi bị tiêu diệt, IS đã ngay lập tức chỉ định Abdullah Qardash, một trong những lãnh đạo cấp cao của IS phụ trách các vấn đề Hồi giáo làm thủ lĩnh mới thay thế. Điều đáng lo ngại hơn cả đó là ý thức hệ tư tưởng cực đoan của tổ chức này vẫn đang được truyền bá và có ảnh hưởng lớn...

Giữa tình hình cuộc chiến chống lại khủng bố chưa thể có kết quả khả quan, ông Trump còn gây chú ý với việc tiết lộ mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Bộ Quốc phòng, nói rằng các tướng lĩnh quân đội chỉ mong muốn chiến tranh khắp thế giới để bán vũ khí, bom, máy bay.

Giới quan sát cho rằng đây cũng là một trong những ý đồ tranh cử của ông Trump nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri vào thời điểm trước ngày 11/9.

Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 khiến thế giới thấm thía rằng chủ nghĩa khủng bố tồn tại không có biên giới, và là chính sách của những tổ chức, thể chế nhằm đạt được sức mạnh chính trị bằng con đường bạo lực.

Nhưng tuyên bố của ông Trump đã thêm một lần nữa cho thế giới thấy được kẽ hở ở chính quyền tại Washington, về bản chất của các cuộc chiến ở Trung Đông, về những hợp đồng quốc phòng tiền tỷ. Ai sẽ đảm bảo một kịch bản ngày 11/9 sẽ không lặp lại?

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/19-nam-chong-kung-bo-nuoc-my-lo-them-ke-ho-3418824/