18 thôn vườn trầu - ngày ấy, bây giờ

Hóc Môn - Bà Điểm là địa danh để lại nhiều dấu ấn lịch sử ở TP.Hồ Chí Minh. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, vùng đất anh hùng này dẫu không còn nguyên vẹn sắc vóc thuở nào, nhưng trong lòng người dân nơi đây vẫn thấm đượm lòng yêu nước và niềm tự hào về một quá khứ oai hùng...

Truyền thống hào hùng

Địa danh này nổi tiếng với 18 thôn vườn trầu, từng một thời quy tụ nhiều hào kiệt, nhân sĩ, trí thức cách mạng yêu nước: Nguyễn An Ninh, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn... những con người làm nên lịch sử một thời nằm gai, nếm mật, đồng cam cộng khổ với những con người gan dạ nơi đây. Sử sách còn ghi, tại làng Tân Thới Nhứt (xã Bà Điểm ngày nay), Trung ương Đảng đã từng mở 5 hội nghị quan trọng. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11/1939) do đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã ra quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

Vùng đất Hóc Môn -Bà Điểm là cái nôi cách mạng, căn cứ đầu não của Đảng, nên thực dân Pháp tăng cường lực lượng và tay sai bố ráp, càn quét và gây nhiều tội ác tày trời. Chỉ riêng tại huyện Hóc Môn, chúng xây dựng tới 3 trường xử bắn. Mỗi khi hành hình các chiến sĩ Cộng sản, chúng thường ép buộc, lùa dân đến chứng kiến để làm thui chột ý chí đấu tranh.

Phối cảnh một dự án ở Hóc Môn.

Các nhà lãnh đạo xuất sắc như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu và nhiều cán bộ khác đều bị chúng hành quyết tại những trường bắn này. Vùng đất này cũng chính là nơi phát động nên cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, là biểu hiện sinh động nhất về tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu quật khởi của người dân vùng Hóc Môn - Bà Điểm.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Hóc Môn - Bà Điểm là vùng tranh chấp quyết liệt giữa địch và ta. Tuy nhiên các cơ sở cách mạng của Đảng vẫn tồn tại và phát triển dưới sự đùm bọc và che chở của nhân dân. Vì vậy, qua phong trào Đồng Khởi (1961), cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975) các cơ sở cách mạng đã làm tốt công tác trinh sát dẫn đường cho các đơn vị chủ lực tiến công, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi cuối cùng.

Người dân ở đây còn lưu truyền câu ca:

"Trùng trùng lưới thép bủa vây

Ai tìm Đảng về đây mà tìm

Trầu vàng che những cánh chim

Trung ương Đảng ở trong tim vườn trầu"

Sự kiên cường, gan dạ của người dân 18 thôn vườn trầu được hình thành và trui rèn qua bao thế hệ. Từ năm 1698 đến 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của phong kiến triều Trịnh - Nguyễn phân tranh loạn lạc nên đã rời bỏ quê hương đến vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp. Chính họ đã lập ra những thôn, ấp, từ 6 thôn đầu tiên dần dần được phát triển thành 18 thôn. Đến đầu thế kỷ 19, đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, vùng đất này đã là nơi dân cư trù mật và chuyên canh trồng trầu cau nên có tên gọi chung là "Mười tám thôn vườn trầu".

18 thôn vườn trầu.

Từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên tấn công thành Gia Định (1859), nhân dân Hóc Môn - Bà Điểm đã liên tục tham gia chiến đấu dưới ngọn cờ khởi nghĩa của: Trương Định - Trương Quyền (1859 - 1870), Nguyễn Anh Thủ (1871). Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa Mười tám thôn vườn trầu (1885) do 2 ông Phan Công Hớn và ông Nguyễn Văn Quá lãnh đạo tấn công vào huyện lỵ Bình Long (Hóc Môn), giết chết tên Đốc phủ sứ gian ác Trần Tử Ca, tay sai đắc lực của thực dân Pháp.

"Đất vườn trầu nhà nọ thông nhà kia, không rào dậu, đồng bào tốt vô chừng, không có vận động gì hết mà đồng bào cơ sở đem cho hội nghị thừa gạo, thừa thức ăn tươi, có nhà đánh được con cá to cũng đem cho hội nghị, bà con không hiểu là họp gì, chỉ biết là hội nghị quan trọng của Đảng".

Trích hồi ký của ông Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng thời kỳ 1936 - 1939

Hoài niệm… tương lai

Đất nước độc lập, vùng đất này đã đổi thay mạnh mẽ, vượt qua bao khó khăn do di chứng chiến tranh để lại, Hóc Môn - Bà Điểm dần đổi thay, vươn lên hòa nhập cuộc sống mới. Hàng loạt các dự án phát triển đô thị đã và sẽ được triển khai, mang dáng dấp nhịp sống phố thị. Hiện Hóc Môn có hàng trăm dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động như: Cụm công nghiệp khu dân cư Nhị Xuân 77 ha đã được UBND TP.Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương mở rộng giai đoạn 2 lên đến 250 ha; dự án cụm công nghiệp Xuân Thới Sơn 38 ha…

Nhưng cùng với đó là màu xanh ngăn ngắt của rừng trầu mênh mông xưa kia giờ đã phai nhạt đáng kể. Khi mỗi tấc đất có giá cả lượng vàng, hầu như người dân không còn nhiệt tâm với những cây trầu, những hàng cau một thời. "Những người còn trồng trầu ở xã giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thời buổi đất đai đắt đỏ, tốc độ đô thị hóa chóng mặt, cứ bám vào vườn trầu, thân cau giá rẻ như bèo có mà nghèo suốt đời?", một chị tuổi ngoại tứ tuần giải thích khi thấy chúng tôi cố gắng tìm cho được những vườn trầu, dẫu là nhỏ bé, giữa những khu nhà mới mọc lên san sát.

Hóc Môn đang đô thị hóa.

Thật ra, vẫn còn một số người cố gắng giữ lại vườn trầu, bởi họ tiếc nuối quá khứ hơn là muốn sống bằng nghề xưa cũ. Bà Út Đảm là một trong những người như vậy. Bà tự hào về cái nghề "cha truyền con nối" đến mức têm trầu được nâng lên thành nghệ thuật. "Xứ Bà Điểm này chủ yếu là têm trầu kiểu bánh ú, ít ai têm trầu cánh phượng. Trầu cánh phượng người Nam têm đơn giản, khác với trầu cánh phượng kiểu người Bắc. Nhưng người Bà Điểm têm trầu vẫn rất đẹp, đám cưới nào cũng đổ về đặt hàng, nhiều khi làm không kịp", bà Út Đảm kể.

Sự tích địa danh Bà Điểm: Thời Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc tại nhà bà lão tên Điểm nên thôn Tân Thới Nhứt còn có địa danh là Bà Điểm.

Vườn trầu của ông Lê Văn Lắc (74 tuổi) rộng khoảng 1 mẫu rưỡi, có lẽ là vườn trầu rộng nhất còn tồn tại đến nay. Ông Năm kể: "Hồi trước vùng này chuyên trồng trầu bán về miệt Chợ Lớn. Dân ăn trầu người Việt hay Việt gốc Hoa đều mê trầu xứ này, vì cay mà dịu chớ không quá nồng. Trầu Bà Điểm nói riêng hay trầu các thôn khác vùng Hóc Môn được chuộng nhất, vì xứ này có loại đất thích hợp với cây trầu. Dây trầu dẻo dai, lá trầu xanh ngắt. Gia tộc tui sống ở đây đã ba đời, đều trồng trầu mà sống.

Nhiều nơi họ đã bỏ cây trầu, riêng tui vẫn giữ". Hỏi ông, vì sao hầu hết vườn trầu ở đây đều biến thành nhà cửa, phố xá? Ông cười buồn: "Đô thị hóa rồi. Xẻ đất cho con cái ra riêng, xây phòng trọ cho thuê thu nhập nhiều hơn, khỏi phải lo mưa nắng nên nhiều nhà bỏ nghề. Hơn nữa, giờ người ăn trầu cũng "đi" hết cả rồi, bán trầu cho đám cưới đám hỏi, chứ chẳng còn mấy ai ăn...". Chính quyền thành phố từng chỉ đạo cho huyện Hóc Môn có biện pháp khôi phục, bảo tồn, gìn giữ nét đẹp truyền thống thông qua Dự án Khu du lịch 18 thôn vườn trầu, nhưng xem ra chẳng dễ. Bởi dường như không còn ai muốn trồng trầu cau. Bà Điểm đã lên phố, đã tiếp cận với cuộc sống văn minh, việc mất đi những vườn trầu bạt ngàn là sự đánh đổi mà phần lớn mọi người đều vui vẻ chấp nhận.

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/18-thon-vuon-trau-ngay-ay-bay-gio-20200828110611611.htm