18 người chết và mất tích do ảnh hưởng của bão số 3

Theo báo cáo nhanh ngày 5/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 tiếp tục gia tăng.

Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị thiệt hại nặng

do lũ quét sáng ngày 3/8. (Nguồn: baothanhhoa.vn)

Cụ thể, về người: 5 người chết, trong đó tại Thanh Hóa 3 người (Mường Lát 2 người, Quan Sơn 1 người), Bắc Kạn 1 người, Điện Biên 1 người; 13 người mất tích, trong đó, tại Thanh Hóa 12 người (huyện Quan Sơn 11 người, huyện Mường Lát 1 người) và Điện Biên 1 người.

Về tình hình đê điều, theo báo cáo nhanh của các địa phương, trong ngày 4/8/2019, các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hóa đã xảy ra 4 sự cố đê điều, cụ thể: Tại Hưng Yên xảy ra 1 sự cố sạt lở chân mái đê phía hạ lưu đê tả Hồng, tương ứng vị trí K118+200 (do mưa lớn nên đường ống thoát nước tại chân đê phía đồng đã gặp sự nứt vỡ, gây sạt mái đê). Hiện Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiểm tra và đề xuất phương án xử lý. Tại Hà Nội xảy ra 2 sự cố đê điều trên địa bàn huyện Ứng Hòa: Sạt lở mái thượng lưu đê tả Đáy đoạn từ K60+865 - K60+985, xã Đồng Tiến. Sự cố đã xảy ra trong năm 2018 và đến nay tiếp tục phát triển thêm do xảy ra mưa lớn kéo dài, chân đê là đầm ao sâu. Chiều dài cung sạt 120m, đỉnh cung sạt sát mép mặt đê, độ sâu cung sạt 1,5m; sạt lở mái hạ lưu đê tả Đáy tại các vị trí K79+460, K79+490 và K79+650, xã Đội Bình với tổng chiều dài các cung sạt là 40m, độ sâu cung sạt 0,8 - 0,9m. Tại Thanh Hóa xảy ra 1 sự cố sạt lở kè Hàm Rồng đoạn từ K39+550 - K39+630 đê hữu sông Mã. Chiều dài sạt lở 80m, hiện đã lấn vào mái kè.

Về thiệt hại do ảnh hưởng mưa, dông lốc và triều cường do gió mùa Tây Nam ở Nam Bộ: Sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau do nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3-0,4m, trong đó nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tĩnh – Kinh Mới dài 12,5km; đoạn kè Đá Bạc – Kinh Mới dài 356m bị sạt lở nghiêm trọng với 2 điểm dài 7m sạt lở vào đến phần mặt đường bê tông. Ngoài ra, có 4 điểm sạt lở với chiều dài 2.045m nằm trên tuyến đê từ Ba Tĩnh đến Tiểu Dừa và 1 điểm thuộc bờ Nam sông Đốc với chiều dài 86m bị sạt lở nguy hiểm. UBND và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã huy động lực lượng xử lý, hộ đê bằng bao tải đất, đá và cừ tràm.

Ngoài ra, trong ngày 4/8, các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, thiệt hại do dông, lốc và gió mùa Tây Nam làm 590 nhà bị sập, trôi và tốc mái; cây ăn quả bị đổ: 377 cây và sạt lở bờ sông, bờ biển tại Sóc Trăng.

Về tình hình lũ, hiện nay, lũ trên sông Thao, sông Bưởi, hạ lưu sông Mã đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Mực nước lúc 4 giờ ngày 5/8 trên các sông như sau: Trên sông Thao (Yên Bái) tại Yên Bái 30,93m, dưới báo động 2 là 0,07m; trên sông Bưởi (Thanh Hóa) tại Kim Tân 10,47m, trên báo động 1 là 0,47m; trên sông Mã (Thanh Hóa) tại Hồi Xuân 58,5m, dưới mức báo động 1; tại Cẩm Thủy 17,38m, dưới mức báo động 1; tại Lý Nhân 9,41m, ở mức báo động 1; tại Giàng 3,49m, dưới mức báo động 1. Dự báo, lũ trên sông Thao, sông Bưởi và hạ lưu sông Mã tiếp tục xuống chậm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Về nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất và ngập lụt, trong 6 giờ tới, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các huyện thuộc tỉnh Hà Giang (Vị Xuyên, Hoàng Su phì, Xí Mần) và Lào Cai (Bắc Hà, Bảo Yên, Bát Xát, Bảo Thắng). Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Về tình hình hồ chứa thủy điện, các hồ chứa cắt lũ sông Hồng: Lưu lượng về hồ Hòa Bình đã đạt đỉnh lớn nhất ngày 4/8 là 7.722m3/s (lúc 4h sáng) sau đó giảm dần, đến 6h ngày 5/8 là 3.318m3/s, mực nước hồ ở mức 96,98m/101m (mực nước cho phép); các hồ khác còn ở mức thấp so với quy định. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 33 hồ chứa thủy điện vận hành theo quy trình xả tràn, trong đó các hồ chứa trên lưu vực sông Mã xả với lưu lượng: Bá Thước 1 xả 3577 m3/s, Bá Thước 2 xả 4800m3/s, Trung Sơn xả 1405m3/s.

Về hồ chứa thủy lợi, có 2 hồ tại các tỉnh phía Bắc đang xả tràn. Hiện có 113 hồ xuống cấp, hư hỏng; 56 hồ đang thi công cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn.

Để khắc phục hậu quả do thiên tai, sáng 4/8, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì họp chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão và mưa lũ sau bão. Ngày 4/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đã đến hiện trường cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Quân khu 4 chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai; lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt đi kiểm tra an toàn hồ chứa, công trình thủy lợi, tình hình ngập úng do ảnh hưởng của bão tại các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương.

Quân khu 4 triển khai các lực lượng đóng quân trên địa bàn với 807 cán bộ, chiến sỹ/27 phương tiện tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Thanh Hóa.

Tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 17 tổ công tác (gồm lực lượng quân sự, công an, biên phòng và dân quân tự vệ) tiếp cận được các khu vực bị cô lập và triển khai các hoạt động cứu trợ, tìm kiếm người mất tích. Đã nối cáp liên lạc được từ các huyện đến một số xã, thông tin liên lạc đã được khôi phục từng bước; các lực lượng đã phối hợp tiếp cận được 17 bản bị cô lập, chia cắt xuất cấp 2.860 thùng mỳ tôm, 39 thùng lương khô, 520 thùng nước uống cho huyện Quan Sơn.

UBND tỉnh Cà Mau và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các lực lượng chức năng huy động lực lượng xử lý, hộ đê biển Tây đang bị sạt lở do ảnh hưởng triều cường, sóng lớn và khắc phục hậu quả về nhà cửa và cơ sở hạ tầng do giông lốc và gió mùa Tây Nam gây ra.

Những công việc cần triển khai tiếp theo, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 937/CĐ-TTg ngày 03/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Thanh Hóa khẩn trương tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, triển khai các công tác cứu trợ, khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa.

Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải chỉ đạo khôi phục thông tin đến các khu vực đang bị mất liên lạc, điện lực và đường giao thông tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến hồ Hòa Bình, các hồ đang thi công, lũ trên các sông, suối; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, công trình xung yếu, bị sự cố, và đang thi công. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở khu vực biển Tây đồng bằng sông Cửu Long. Huy động các lực lượng xử lý giờ đầu sự cố đê biển tại Cà Mau; Tổng cục Phòng, chống thiên tai cử Đoàn công tác cùng cơ quan khoa học trực tiếp nắm bắt, hỗ trợ địa phương xử lý sự cố và tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục cung cấp các bản tin thiên tai, cảnh báo khả năng lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ sau bão và các diễn biến thời tiết nguy hiểm, bất thường để nhân dân và các cấp chính quyền chủ động phòng, tránh.

Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiếp tục thông tin, truyền thông về thiên tai, công tác chỉ đạo, khắc phục hậu quả do thiên tai./.

Đặng Hiếu

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/xa-hoi/18-nguoi-chet-va-mat-tich-do-anh-huong-cua-bao-so-3-530757.html