18 giáo viên và phụ huynh đăng ký hiến mô, tạng: Gieo mầm sự sống

Từ lời kêu gọi của một giáo viên 'Hồi sinh những cuộc đời bằng hành động của bạn', nhiều giáo viên, phụ huynh của Trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cùng nhau đăng ký hiến tặng mô tạng của mình sau khi qua đời.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy trao thẻ hiến tặng mô tạng cho giáo viên

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy trao thẻ hiến tặng mô tạng cho giáo viên

Lan tỏa một thông điệp đẹp

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM đã trao thẻ hiến tặng mô tạng sau khi qua đời cho 18 cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh của Trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là trường hợp đầu tiên có số lượng lớn các thầy, cô giáo trong một trường học cùng tham gia đăng ký hiến tạng.

Thầy Nguyễn Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết: Việc đăng ký hiến tạng của nhiều cán bộ, giáo viên, phụ huynh nhà trường đến từ ý tưởng của cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên môn Công nghệ, cũng như qua hoạt động tuyên truyền thường xuyên của nhà trường.

“Một sự sống dừng lại nhưng mở ra cơ hội, gieo mầm sự sống cho nhiều người khác là điều đáng trân quý. Vì vậy, trong các hoạt động ngoại khóa, xã hội hay thiện nguyện, chúng tôi đều thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để giúp học sinh hiểu hơn về tính nhân ái, lòng yêu thương.

Đặc biệt là ý nghĩa của hoạt động hiến tặng mô tạng sau khi mất. Tôi không chỉ mong các đồng nghiệp, mà cả các học sinh của mình cũng thấy được ý nghĩa nhân văn của việc làm này” - thầy Tâm nói.

Là người trực tiếp trao 18 thẻ hiến tặng mô tạng cho các cán bộ, giáo viên, phụ huynh Trường THPT Nguyễn Du, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM cho rằng: Đây thật sự là một thông điệp rất đẹp về cuộc sống.

“Thông điệp đầy tính nhân văn và ý nghĩa này sẽ lan tỏa và có sức cảm phục rất lớn với cộng đồng, xã hội. Bởi mỗi trường hợp hiến tạng là mỗi câu chuyện đầy tình người” - BS Thu nói.

Vun đắp niềm tin

Cô Nguyễn Thị Thúy - người trực tiếp vận động đồng nghiệp hiến tạng cho biết: Việc làm của thầy cô trong trường xuất phát từ công trình tham gia hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Vận động tìm hiểu về hiến và ghép tạng” của hai học sinh đang học tại trường.

“Nhận thấy ý tưởng nghiên cứu và việc làm của các em có ý nghĩa, cá nhân tôi ủng hộ ngay bằng việc đăng ký hiến tạng đầu tiên để “tiếp lửa” cho các em theo đuổi công trình của mình” - cô Thúy nói.

Không chỉ đăng ký hiến tạng đầu tiên, cô Thúy còn là người nhiệt tình vận động các thầy cô giáo trong trường tham gia hoạt động này. Trước đó, cô Thúy và một số học trò của mình đã đi nhờ xe của một phụ huynh đến tận Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm hiểu về hoạt động hiến tặng mô tạng sau khi qua đời.

Là người tiếp nhận sự động viên từ cô Thúy, cô Trương Phước Bảo Ngọc giáo viên môn Toán khi nghe về các hoạt động tuyên truyền hiến tặng mô, tạng cô đã ủng hộ và đăng ký ngay. “Từng chứng kiến cái chết của những người xung quanh vì bệnh tật và không có điều kiện để chạy chữa.

Vì thế, nếu có thể giúp gì cho xã hội thì mình sẽ làm. Có những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp giúp “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến một bộ phận cơ thể mình, tại sao mình lại không?”, cô Ngọc chia sẻ.

Là một trong hai học sinh đang theo đuổi đề tài nghiên cứu về “Vận động tìm hiểu về hiến và ghép tạng”, em Đinh Hữu Thiên Phúc, học sinh lớp 11A5 tâm sự: Cá nhân em nhận thấy việc làm trên rất có ý nghĩa, bởi ngoài việc cứu giúp và hồi sinh lại niềm tin về sự sống cho nhiều người, hành động hiến tặng mô, tạng sau mất sẽ giúp giảm áp lực chi phí điều trị cho xã hội và gia đình các bệnh nhân.

Bản thân em tự nhủ, khi đủ 18 tuổi, chắc chắn sẽ đăng ký hiến tạng. Tôn giáo em đang theo cũng nói rằng, thiên chức của con người chính là sẵn sàng hy sinh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/18-giao-vien-va-phu-huynh-dang-ky-hien-mo-tang-gieo-mam-su-song-4050376-b.html