170 tỷ 'bay hơi', khách đòi tiền, ngân hàng yêu cầu chứng minh số tiền đã gửi?

Khách hàng gửi ở Việt Á Bank là 170 tỷ đồng, được chia làm 6 khoản và đều có 'Hợp đồng tiền gửi kỳ hạn'. Tuy nhiên phía Ngân hàng Việt Á hiện nay không công nhận tính pháp lý của những hợp đồng này.

Lời tha thiết đề nghị cơ quan chức năng và báo chí vào cuộc trong đơn kêu cứu

170 tỷ đồng bị chiếm đoạt bởi hồ sơ giả mạo chữ ký?

Vừa qua, bà Triệu Thị Tuyết Trinh và anh trai là Triệu Hùng Cường có gửi đơn kêu cứu tới tòa soạn về việc gửi 170 tỷ đồng tại Ngân hàng Việt Á – phòng giao dịch Đông Đô (18T1 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) nhưng khi đến kỳ hạn lại bị người khác rút hết số tiền trên mà cả 2 anh em đều không hay biết.

Cụ thể theo trình bày của bà Trinh, gia đình có 6 khoản tiền gửi có kỳ hạn tại Phòng giao dịch Đông Đô - Ngân hàng Việt Á …số tiền 170 tỷ gửi vào Ngân hàng Việt Á được chia làm 6 lần và mỗi lần đều có “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn”. Cụ thể, ngày 30/8/2018, ông Triệu Hùng Cường có gửi 35 tỷ đồng với kỳ hạn 2 tháng và có ngày đến hạn là 30/10/2018.

Ngày 31/8/2018, bà Triệu Thị Tuyết Trinh gửi 30 tỷ đồng, ông Triệu Hùng Cường gửi 30 tỷ đồng đều với kỳ hạn 2 tháng và có ngày đến hạn là 31/10/2018.

Ngày 8/10/2018, bà Triệu Thị Tuyết Trinh gửi 25 tỷ đồng với kỳ hạn 1 tháng và có ngày đến hạn là 8/11/2018.

Ngày 26/10/2018, bà Triệu Thị Tuyết Trinh gửi 20 tỷ đồng, ông Triệu Hùng Cường gửi 30 tỷ đồng với kỳ hạn 3 tháng và có ngày đến hạn là 26/1/2019.

Tính tới thời điểm này thì chỉ còn 2 khoản gửi ngày 26/10/2018 là chưa hết hạn gửi. Thế nhưng khi ra ngân hàng, bà Trinh được thông báo số tiền gửi trên đã được khách hàng rút hết nhưng không chỉ rõ là khách hàng nào. Ngay sau đó, bà Trinh đã làm đơn và đến liên hệ trực tiếp yêu cầu NH Việt Á có trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng đã ký. Sau nhiều lần đại diện của NH Việt Á trì hoãn và không có được tiếng nói chung, bà Trinh gửi đơn tố cáo tới Thanh tra đề nghị được can thiệp, giúp đỡ.

Ngày 4/1, NH Việt Á ra Thông cáo báo chí cho rằng, vào giữa năm 2018, nhóm khách hàng trong đó có ông Nguyễn Thị Hà Thành và ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu đã thực hiện ngay việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên và việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng nêu trên thông qua hồ sơ gồm: Đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng và hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi, giấy ủy nhiệm chi; giấy xác nhận sử dụng vốn vay; giấy đề nghị phong tỏa; nhập kho kiêm biên bản giao nhận tài sản bảo đảm…

Nhưng ông Cường cho biết số tiền bị mất chưa tất toán sổ, chưa rút tiền, cũng như không ủy quyền cho ai, hồ sơ rút tiền, đề nghị vay vốn trên đã được làm giả chữ ký để chiếm đoạt trái phép tiền của 2 anh em. “Thông qua một cán bộ ngân hàng, tôi được biết số tiền của tôi đã bị giả mạo chữ ký để chiếm đoạt số tiền trên. Tôi đã làm đơn khiếu nại nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Cường cho hay.

Bà Trinh cung cấp một số giấy tờ trong “hồ sơ rút tiền” cho báo chí mà theo bà toàn bộ đều bị làm giả chữ ký, và chỉ ra giữa chữ ký của bà với chữ ký trong hồ sơ này có sự khác biệt.

Chữ ký khoanh đỏ nằm trong "hồ sơ bị làm giả" có khác biệt

Ngân hàng yêu cầu khách “chứng minh” số tiền đã gửi

Cũng trong Thông cáo báo chí nêu trên, phía NH Việt Á cho biết theo qui định của Ngân hàng thì khi nhận tiền gửi của khách hàng là cá nhân, NH sẽ cấp cho khách sổ tiết kiệm, Hợp đồng tiền gửi chỉ áp dụng cho tổ chức, doanh nghiệp…

Theo đó, khi làm việc với đại diện của NH, ông Cường và bà Trinh không có sổ tiết kiệm, chứng từ chứng minh việc gửi tiền vào ngân hàng. Đối với các Hợp đồng của bà Trinh, Việt Á cho rằng cần đợi cơ quan chức năng điều tra làm rõ tính pháp lý rồi mới xử lý. Trong khi ông Cường cho biết hồ sơ là do chính Ngân hàng lập, có chữ ký và dấu đỏ của NH, phía NH đã ghi nhận là nộp tiền mặt và khi nộp có camera theo dõi có thể trích xuất nếu cần.

Phía Việt Á cũng cho rằng các khách hàng (ông Cường, bà Trinh) đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và hoạt động của Ngân hàng, gây tâm lý hoang mang cho khách hàng và người dân, ảnh hưởng tới an ninh tài chính của ngân hàng.

Cuộc họp báo ngày 16/1 bị hoãn. Clip: Thu Minh

Gần đây nhất, ngày 16/1, ông Cường và bà Trinh đã tổ chức một buổi họp báo để “công khai bằng chứng, cùng các tài liệu, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan đến thông cáo báo chí ngày 4-1 của Ngân hàng Việt Á”, thư mời được gửi tới nhiều cơ quan có liên quan, thẩm quyền. Tuy nhiên, tới sát giờ họp báo, đại diện cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã đến và có ý kiến với những người tổ chức buổi họp báo về việc Sở TT&TT Hà Nội chưa chấp thuận việc tổ chức họp báo. Do đó, người đại diện của ban tổ chức – ông Ma Hữu Phan đã đứng ra cáo lỗi và hẹn sẽ tổ chức lại buổi họp vào ngày khác.

Trước sự việc nghiêm trọng kéo dài thu hút sự quan tâm của dư luận, để có được thông tin mang tính đa chiều, khách quan về vụ viêc, chúng tôi sẽ liên hệ với Ngân hàng Việt Á và các cơ quan chức năng trong thời gian tới.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến mới nhất về vụ việc tới bạn đọc.

Thu Minh

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/170-ty-bay-hoi-khach-doi-tien-ngan-hang-yeu-cau-chung-minh-so-tien-da-gui-57004.htm