17 tác giả, tác phẩm đoạt giải báo chí về Công nhân và Công đoàn

Chiều nay (28/7), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức trao giải cuộc thi báo chí về công nhân và công đoàn năm 2017 cho 17 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc đoạt giải.

Cuộc thi báo chí viết về công nhân và công đoàn năm 2017-2018 do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động có chủ đề: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, vì quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn của đoàn viên và người lao động”.

Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi

Theo Ban Tổ chức, hưởng ứng Cuộc thi do Tổng Liên đoàn phát động, có 22 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và Công đoàn Tổng Công ty đã có công văn, kế hoạch triển khai, phát động; tập hợp bài dự thi gửi về Ban Tổ chức. Một số đơn vị đã cụ thể hóa cuộc thi tại địa phương, ngành mình, tiêu biểu như: LĐLĐ tỉnh Phú Thọ, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh, LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp; CĐ Giáo dục Việt Nam; CĐ Công thương Việt Nam…

Được phát động từ tháng 8/2017 đến tháng 5/2018, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 328 tác phẩm và cụm tác phẩm báo chí gửi tham dự. Trong đó: 230 tác phẩm, cụm tác phẩm báo in, báo điện tử; 44 tác phẩm truyền hình; 14 tác phẩm phát thanh; có 40 tác phẩm không hợp lệ (là những bài viết của đoàn viên, cán bộ công đoàn chưa được đăng báo).

Báo cáo tổng kết cuộc thi, Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Duy Phương cho biết: Các tác phẩm gửi dự thi đa dạng về thể loại và phong phú về nội dung, cách thức thể hiện sinh động, đậm chất báo chí cho thấy sự quan tâm sâu sát của báo chí tới đời sống công nhân lao động, tổ chức Công đoàn.

Nhiều tác phẩm dự thi mang tính phát hiện, thể hiện sự tìm tòi, phản ánh sinh động đời sống của công nhân lao động, chỉ ra được những mô hình mới trong nâng cao chất lượng tổ chức cũng như hiệu quả hoạt động Công đoàn đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới.

Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải trao giải A cho nhóm tác giả báo Người lao động và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh

“Qua các tác phẩm báo chí, những vướng mắc từ cơ chế, chính sách, quá trình vận hành của bộ máy, tổ chức Công đoàn được chỉ ra từ đó góp phần đưa “tiếng nói” của công nhân lao động tới các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách; giúp Tổng Liên đoàn có thêm thông tin để kịp thời điều chỉnh, đổi mới hoạt động của tổ chức”, ông Trần Duy Phương khẳng định.

Theo đó, nội dung các tác phẩm dự thi tập trung vào các vấn đề: Việc làm, đời sống công nhân; tấm gương đoàn viên, người lao động tiêu biểu; phản biện chính sách, đưa ra các khuyến nghị nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân lao động. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm báo chí viết về những điểm sáng cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động Công đoàn với các chương trình như: Tháng Công nhân, Tết Sum vầy, phúc lợi đoàn viên – những “thương hiệu” đã gắn liền với tổ chức Công đoàn...

Đánh giá cao về chất lượng giải báo chí viết về công nhân và công đoàn, PGS.TS Nguyễn Văn Dững (Học viện Báo chí và tuyên truyền) – thành viên Hội đồng chung khảo cuộc thi - cho rằng: Chúng ta có quyền tự hào về những tác phẩm đoạt giải cuộc thi lần này, bởi các tác phẩm đã phản ánh sinh động các hoạt động của tổ chức Công đoàn; đặt được những vấn đề thách thức hiện nay của tổ chức Công đoàn. Những tác phẩm đoạt giải đều có quá trình lao động công phu, đặc biệt là “lao động sống” của phóng viên, đi sâu thâm nhập tìm hiểu đời sống người lao động, tổ chức làm việc rất nghiêm túc và có chiều sâu, có sự đầu tư về nhân lực và chuyên môn, nghiệp vụ.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững - thành viên Hội đồng chung khảo cuộc thi ghi nhận các phẩm đoạt giải đều có sự đầu tư và quá trình lao động công phu

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải gửi lời chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải; đồng thời nhấn mạnh: Hoạt động của tổ chức Công đoàn mà đối tượng chính là đoàn viên, người lao động, theo đó, nhiều tác phẩm báo chí dự thi lần này đã theo sát và nắm bắt được những trăn trở, tâm tư của người lao động, qua đó thôi thúc lãnh đạo Công đoàn cần kiên trì, có giải pháp sáng tạo hơn để mang lại lợi ích cho người lao động.

Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải cũng đặt ra những yêu cầu và thách thức với tổ chức Công đoàn, đoàn viên và người lao động trong thời gian tới như: Vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống trước thách thức của cuộc cách mạng 4.0; người lao động cần phải chuẩn bị như thế nào để có việc làm tốt, thu nhập cao hơn bằng chính lao động của mình thách thức của tổ chức Công đoàn khi hội nhập...

“Những vấn đề đó đòi hỏi báo chí cần theo sát và nắm bắt được những mong mỏi của đoàn viên, người lao động - những người đang thầm lặng đóng góp cho xã hội. Báo chí hãy góp tiếng nói cùng với tổ chức Công đoàn, để người đoàn viên hiểu và gắn bó lâu dài, chặt chẽ với tổ chức Công đoàn; đồng thời tích cực phản biện chính sách để mỗi đoàn viên, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập tốt hơn và tương lai sáng sủa hơn”, đồng chí Trần Thanh Hải đề nghị.

Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải, đây là lần đầu tiên Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức trao giải thưởng báo chí viết về công nhân và công đoàn, và tới đây giải sẽ được tổ chức thường niên 1 năm/1 lần với quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn.

Kết quả, Ban Chung khảo đã chấm chọn và đề nghị Ban Tổ chức cuộc thi trao 17 giải, trong đó: Trao 7 giải trao cho các tác phẩm truyền hình, phát thanh gồm: 1 giải A; 1 giải B; 2 giải C; 3 giải khuyến khích. Trao 9 giải trao cho báo in, báo điện tử: 1 giải A; 1 giải B; 2 giải C; 5 giải khuyến khích. Và trao 1 giải chuyên đề tác phẩm hay viết về “Công đoàn vì lợi ích đoàn viên và xây dựng thiết chế công đoàn”.

Với tác phẩm “Lao động Việt trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, nhóm phóng viên báo Lao động Thủ đô đã đoạt giải khuyến khích của cuộc thi và được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng khen.

B.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/17-tac-gia-tac-pham-doat-giai-bao-chi-ve-cong-nhan-va-cong-doan-77496.html