17 hố sâu khổng lồ đột ngột xuất hiện ở vòng Bắc Cực trong 6 năm qua: Khảo sát dưới đáy hố tiết lộ hung thủ bất ngờ!

Các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân, và đó không phải UFO, thử nghiệm vũ khí hay bất kỳ hiện tượng siêu nhiên nào.

Bán đảo Yamal, phía bắc nước Nga, được mệnh danh là nơi "tận cùng của Trái Đất" do vị trí thuộc vòng Bắc Cực xa xôi. Những năm gần đây, quanh khu vực bán đảo này liên tục xuất hiện những hố sâu bí ẩn, hố hình thành đột ngột và không rõ nguyên nhân.

Nhìn từ trên cao, những miệng hố sâu hoắm này tương phản rõ nét với cảnh vật xanh tươi xung quanh, tạo cảm giác đáng sợ như chúng chính là "lối vào địa ngục".

Chiếc hố đầu tiên

Giữa tháng 7/2014, một phi công Nga lái trực thăng đang bay qua bán đảo Yamal thì tình cờ phát hiện một cái hố khổng lồ ẩn mình dưới lớp băng vĩnh cửu. Ban đầu anh nghĩ nó là miệng núi lửa nhưng càng bay xuống gần càng cảm thấy nó rất bất thường, không giống với phán đoán của anh. Cái hố đen và sâu hun hút, các khảo sát cho thấy nó rộng khoảng 20m, sâu 52m.

Hố khổng lồ xuất hiện trên bán đảo Yamal. Ảnh: Sohu

Hố khổng lồ xuất hiện trên bán đảo Yamal. Ảnh: Sohu

Hình ảnh vệ tinh hé lộ rằng chiếc hố khổng lồ (được đặt tên là GEC-1) thực chất đã được hình thành từ khoảng ngày 9/10 đến ngày 1/11/2013. Ban đầu, vị trí nơi đây chỉ là một gò đất nhỏ nhô cao.

Vài ngày sau khi phát hiện miệng hố đầu tiên, những người chăn tuần lộc tại địa phương lại phát hiện chiếc hố khổng lồ thứ hai, rồi hố thứ ba. Mỗi chiếc hố đều có độ sâu khác nhau nhưng đường kính nhìn chung khoảng hơn 10m, vách hố bên trong gồ ghề.

Tính từ đến năm 2020, người ta đã ghi nhận tổng cộng 17 miệng hố khổng lồ bất thường trên bán đảo Yamal và bán đảo lân cận. Những chiếc hố kỳ quái xuất hiện đột ngột đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học trên toàn thế giới: Chúng là thứ gì? Tại sao lại xuất hiện đồng loại tại khu vực này?

Vén màn sự thật

Phía Nga ngay lập tức bác bỏ việc tồn tại một hiện tượng siêu nhiên, UFO hay thử nghiệm vũ khí tại khu vực này. Công bố trên tạp chí Nature năm 2014, các khảo sát dưới đáy hố cho thấy hàm lượng khí mêtan (CH4) đo được trong hố đạt mức 9,6% - nghĩa là gấp 50.000 lần nồng độ thông thường.

Theo tiến sĩ Evgeny Chuvilin, nhà địa chất học tại Viện Công nghệ Skolkovo (Moscow, Nga), điều này có nghĩa là những cái hố khổng lồ này được tạo ra từ các vụ nổ mêtan.

Khi ngày càng có nhiều hố khổng lồ xuất hiện, các nhà khoa học đã phát hiện ra những khối đất và băng lớn bị văng xa hàng trăm mét từ miệng hố khổng lồ, càng thêm khẳng định giả thuyết về vụ nổ mêtan là có thật.

Những gò đất nhô cao bất thường tại Vòng Bắc cực có khả năng sẽ xảy ra những vụ nổ mêtan tiếp theo. Ảnh: Sohu

Chiếc hố khổng lồ xuất hiện vào tháng 6/2017 cũng được tường thuật là có tiếng nổ và một cột lửa cao từ 4-5m trên bầu trời, bùng cháy trong suốt 90 phút, điều này được chứng kiến bởi người dân làng Seyaka, cách miệng hố 33km về phía nam.

Theo phân tích của các nhà khoa học, những khu vực nền đất có vết lồi bất thường (quan sát được qua ảnh vệ tinh độ phân giải cao) có khả năng là địa điểm sớm xảy ra các vụ nổ mêtan.

Lời cảnh báo từ lòng đất

Tại sao những chiếc hố khổng lồ ở đồng bằng Siberia liên tục xuất hiện trong những năm gần đây? Khí mêtan đã xuất hiện từ đâu?

Hóa ra, nguyên nhân đằng sau nó là sự nóng lên toàn cầu và sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu. Hung thủ không đâu xa, chính là loài người chúng ta!

Trên thực tế, giới khoa học đã nhiều lần cảnh báo về những túi khí mêtan khổng lồ đang "ẩn mình" bên dưới lớp băng vĩnh cửu của Vòng Bắc cực. Trong điều kiện hiện tại, tốc độ nóng lên của khí hậu ở vòng Bắc Cực đang cao gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu.

Mêtan tích tụ dưới lòng đất có thể gây ra những vụ nổ cực nguy hiểm. Ảnh: Cheddar, Credit: Tammy

Điều này khiến lớp băng vĩnh cửu bắt đầu tan chảy và khí mêtan cũng từ đó được giải phóng. Mêtan được đánh giá là loại khí gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm nhất. Đối với khí quyển, 1 tấn mêtan có tác hại lớn gấp 25 lần so với 1 tấn CO2.

Một nguyên nhân khác khiến các nhà khoa học lo lắng là nhiều xác động vật và thực vật bị chôn vùi dưới lớp băng vĩnh cửu. Ở những khu vực khác, xác động vật và thực vật dưới lòng đất sẽ bị vi sinh vật phân hủy và biến thành tài nguyên như dầu mỏ hoặc than đá.

Lớp băng vĩnh cửu thì không được như vậy, băng Bắc Cực đang đóng vai trò như một chiếc "tủ lạnh lớn", cất trữ nhiều vi sinh vật đáng sợ, vi khuẩn, virus và bệnh dịch từ thời tiền sử.

Vi khuẩn, virus và bệnh dịch bị "phong ấn" bên dưới lớp băng vĩnh cửu. Ảnh: Sohu

Ví dụ như bệnh dịch than đã từng hoành hành trên bán đảo Yamal năm 2016. Loại "vi khuẩn thây ma" gây nên bệnh dịch đã được hồi sinh từ xác một con tuần lộc từng bị chôn vùi trong băng trong những năm 1940. Căn bệnh đã lây nhiễm cho 72 người dân làng, khiến 1 người tử vong và 2.300 con tuần lộc khác cũng nhiễm bệnh và chết.

Năm 2014, các nhà khoa học Pháp cũng từng trích xuất thành công một con virus bị "phong ấn" trong băng suốt 30.000 năm và hồi sinh nó trong điều kiện phòng thí nghiệm. Điều này cho thấy tất cả những cơn ác mộng từ quá khứ hoàn toàn có thể quay trở lại và đe dọa nhân loại nếu như hiện tượng nóng lên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.

Bài viết tham khảo từ Sohu

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/17-ho-sau-khong-lo-dot-ngot-xuat-hien-o-vong-bac-cuc-trong-6-nam-qua-khao-sat-duoi-day-ho-tiet-lo-hung-thu-bat-ngo-8202123174056414.htm