160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp (Kỳ 1: Vì sao... Đà nẵng?)

LTS: Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân TP Đà Nẵng đang thiết thực tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm 160 năm quân và dân Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung chiến đấu chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược (1858 - 2018). 160 năm trôi qua, dấu tích của cuộc chiến giờ chỉ còn lưu lại trên các bức ký họa, qua sử sách, những di tích rêu phong và địa danh lịch sử, nhưng tinh thần quật cường, ý chí chiến đấu và sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân Đà Nẵng thì vẫn còn hiển hiện sinh động trong mỗi tấc đất, tên người...

Hình ảnh Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng qua các bức ký họa được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Hình ảnh Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng qua các bức ký họa được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Đây là câu hỏi mà chúng tôi tự đặt ra trong quá trình tìm hiểu về sự kiện lịch sử trọng đại “có một không hai” này. Tại sao liên quân Pháp - Tây Ban Nha lại chọn Đà Nẵng là điểm khởi đầu cho cuộc chiến? Tại sao cũng chính nơi này, một đội quân hùng hậu, được trang bị khí giới hiện đại và từng bất khả chiến bại trên khắp các chiến trường khi “đi tìm” thuộc địa lại phải chịu thất bại nặng nề ngay trận đầu tiên? Và tại sao, trên mảnh đất mà đội quân xâm lược từng ra sức giày xéo, những hài cốt của “kẻ thù” nằm lại lại được chính “đối phương” chăm sóc cẩn thận trong suốt nhiều năm qua?...

Để trả lời cho câu hỏi vì sao liên quân Pháp - Tây Ban Nha lại chọn Đà Nẵng là điểm khởi đầu cho cuộc chiến, một nhà viết sử (khuyết danh) dưới thời Tự Đức cũng đã kịp thời nhấn mạnh vị thế của Đà Nẵng: “Nguy cơ là ở tại bến Đà Nẵng. Bến Đà Nẵng rộng, tàu Tây đổ đến, lại có núi bao bọc, không sóng gió, dễ neo tàu. Người Tây thường vào đó đậu lâu, không kể pháp luật triều đình. Hơn nữa, Đà Nẵng gần quốc lộ, gần làng mạc, gần kinh thành. Đà Nẵng là then chốt của nước ta, cho nên người Tây muốn chiếm lấy”.

160 năm trước, những khẩu súng thần công này đã trút bão lửa vào chiến thuyền của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Cố PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại (Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cũng từng đưa ra nhận định có 3 lý do. Thứ nhất, Đà Nẵng là cửa biển rất tốt giúp chúng phát huy tối đa sức mạnh hải quân - đội quân xâm lược chủ yếu. Thứ hai, Đà Nẵng chỉ cách kinh thành Huế chừng 100 km về phía Nam. Theo sự tính toán của Pháp, sau khi chiếm được Đà Nẵng, phát huy chiến quả nhanh chóng tiến quân ra Huế, chỉ cần chiếm được Huế là có thể đè bẹp ý chí của đối phương. Thứ ba, có lực lượng giáo dân làm nội ứng. Theo suy nghĩ của họ, mỗi giáo dân ở đây đã là một con ngựa thành Troa. Năm 1856, từ Việt Nam trở về, trong cuộc tiếp kiến với Napoléon III, giám mục Pellerin đã đoán chắc rằng “những người Công giáo Việt Nam sẽ nổi lên hàng loạt khi người Pháp tới và sẽ đi theo những người giải phóng họ để trong một ít ngày kết thúc cuộc hành binh”.

Tin chắc vào những phán đoán đó, sáng ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha lấy cớ triều đình nhà Huế xử tử giáo sĩ Diaz (quốc tịch Tây Ban Nha) tại Nam Định vào ngày 20-7-1857 để thực hiện mưu đồ xâm lược Việt Nam vốn đã được ấp ủ từ lâu. Và tấn công vào Đà Nẵng là lựa chọn đầu tiên. Sau khi gửi tối hậu thư cho triều đình Huế hẹn trong hai giờ phải trả lời, tuy nhiên chưa đến giờ hẹn, chúng đã bắn hàng trăm phát đại bác vào đất liền, tiếp đó cho quân đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc xâm lăng. Cũng chính từ thời khắc lịch sử ấy, quân và dân Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng với cả nước oanh liệt đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc thực dân.

Andre Masson trong cuốn Đông Dương từng viết: “Tướng Rigault de Genouilly (người chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha -PV) muốn giáng một đòn chớp nhoáng và quyết liệt vào kinh đô Huế nên đã điều quân tới một điểm ven biển nơi gần Huế nhất - tức vịnh Đà Nẵng”. Ý đồ là vậy, song trải qua 5 tháng, liên quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha cũng chỉ mới chiếm đóng được bán đảo Sơn Trà và giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, cùng với lực lượng binh lính sẵn có, triều đình Huế phái Đô thống Lê Đình Lý đưa 2.000 cấm binh từ Huế vào trấn giữ ở Cu Đê, và 500 lính từ Bình Định cũng được đưa ra với nhiều phương sách đánh giặc hỗ trợ mặt trận Đà Nẵng...

Sơ đồ các trận đánh ngày 8-5 và 15-9-1859 được Pháp vẽ lại.

Với quyết tâm cao của quân và dân ta, cùng với cách chỉ huy chiến thuật hợp lý của Nguyễn Tri Phương, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã bị “chôn chân” tại chỗ và ngày càng lâm vào tình trạng thiếu lương thực, thuốc men, không thích nghi với khí hậu, thời tiết... nên phải nếm trải nhiều thất bại. Mặc dù đã tìm mọi cách để thực hiện ý đồ đánh nhanh thắng nhanh, thay đổi chỉ huy, điều thêm lực lượng... hy vọng giáng cho triều đình Huế một đòn quyết định. Tuy nhiên, với sức kháng cự mãnh liệt của quân và dân Đà Nẵng, cộng thêm những chuyển biến chiến cuộc lúc bấy giờ đã khiến cho thực dân Pháp không thể thực hiện ý đồ ban đầu của mình. Đến ngày 23-3-1860, liên quân Pháp - Tây Ban Nha phải ngậm ngùi tự tay đốt phá các đồn lũy đóng chiếm và rút khỏi vùng biển Đà Nẵng.

Trong một báo cáo, chính tướng Rigault de Genouilly, người chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nhận định: “Chính phủ đã nhầm lẫn về tính cách cuộc can thiệp ở Việt Nam... Người ta nói rằng xứ này không có binh lính, quân đội, thì sự thật, quân đội ở đây rất dũng cảm và dân quân gồm tất cả những người lành mạnh trong dân chúng”. Vậy là sau ròng rã 18 tháng 22 ngày chiến đấu, trong khi tương quan lực lượng chênh lệch rất lớn, nhưng với cách đánh thông minh, gan dạ, với tinh thần yêu nước sâu sắc, sẵn sàng vì nghĩa cả hy sinh, quân và dân mặt trận Đà Nẵng đã làm nên chiến công hết sức vẻ vang là bẻ gãy ý đồ của thực dân muốn dùng sức ép quân sự để đánh nhanh và buộc triều đình, nhân dân ta nghe theo những áp đặt của chúng. Những tên đất như An Hải, Điện Hải, Cẩm Lệ, Liên Trì, Phước Ninh, Thạc Gián và tên người như Đào Trí, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương... gắn liền với những sự kiện, chiến công đã được ghi lại rất nhiều trong biên niên sử.

Đà Nẵng đã được lịch sử giao phó nhiệm vụ vẻ vang, đó là ngăn chặn những cuộc tiến quân đầu tiên của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Điều đó cũng nói lên ý nghĩa quân sự đặc biệt của vùng đất này. 160 năm trôi qua kể từ ngày khởi đầu cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống trả đợt tấn công của thực dân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha vào cửa biển Đà Nẵng, đến nay sự kiện này vẫn là minh chứng sống động nhất cho tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương được kế thừa và nuôi dưỡng từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, lập nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc lâu dài suốt hơn 1 thế kỷ. Qua cuộc đối đầu lịch sử này, chính kẻ địch đã phải thừa nhận một thực tế rằng: “... dân tộc Việt Nam đã có nghị lực kiên cường lắm lắm mới đủ sức chịu đựng một cuộc chiến đấu quá dai dẳng như thế... Trước quân đội của chúng ta (tức Pháp), người Việt Nam chỉ có một cách duy nhất là chết để bảo vệ độc lập tự do của họ...”.

Nói về cuộc chiến đấu của quân và dân Đà Nẵng những năm 1858-1860, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử thành phố cho rằng đây là cuộc chiến mà nhân dân Đà Nẵng đã thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh bại cuộc tiến công quân sự của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, “làm nên chiến thắng thứ nhất và duy nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân trước khi người Pháp hoàn thành mục tiêu xâm lược và đô hộ trên phạm vi cả nước”.

DOÃN HÙNG

Kỳ tới: BIỂU TƯỢNG VỀ SỰ KHOAN DUNG CỦA NGƯỜI VIỆT!

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_194350_160-nam-ngay-da-nang-khang-phap-ky-1-vi-sao-da-nang-.aspx