16 năm đứng trên bục giảng, giảng viên mỹ thuật thấm thía cụm từ 'Người thầy giỏi'

Những năm gần đây việc tuyển sinh đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gặp nhiều khó khăn do ít người lựa chọn theo học. Lý do chính là bởi sự khắc nghiệt của những cơ hội việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp, thị trường lao động của lĩnh vực đào tạo đặc thù. Thực trạng này càng thể hiện rõ trong những trường có đào tạo nghệ thuật ở miền Trung.

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không đề cập đến việc tuyển sinh, nhất là tuyển sinh của các ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù mà nói về những con người đang đứng trên bục giảng, những người thầy đang đảm trách công việc giảng dạy mỹ thuật tại các trường đại học khu vực miền Trung.

Trong ngày của những Người Thầy, chúng tôi được một giảng viên mỹ thuật tại trường Đại học Quảng Bình dành sự chia sẻ về nghề, để thấy rõ được sự suy tư về nghề của một thầy giáo giảng dạy về nghệ thuật ở miền Trung thực sự như thế nào.

Giảng viên ấy ngoài công việc lên lớp mỗi ngày còn là một nghệ sĩ, sáng tác trong lĩnh vực hội họa, nên thầy càng thấm thía sự nhọc nhằn của công cuộc mưu sinh, làm nghề, của những người thầy giảng dạy mỹ thuật.

Giáo dục và nghệ thuật vốn là hai lĩnh vực của đời sống xã hội, chúng có vẻ ít liên quan tới nhau tuy nhiên, cả hai đều hội tụ trong một thầy giáo - giảng viên và họa sĩ Nguyễn Lương Sáng.

Trường Đại học Quảng Bình luôn lấy thành tích của sinh viên sau khi tốt nghiệp, năng lực sử dụng tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực hoạt động thực tiễn và phẩm chất đạo đức của sinh viên làm thước đo chất lượng và thành công của Nhà trường

Trường Đại học Quảng Bình luôn lấy thành tích của sinh viên sau khi tốt nghiệp, năng lực sử dụng tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực hoạt động thực tiễn và phẩm chất đạo đức của sinh viên làm thước đo chất lượng và thành công của Nhà trường

Là thầy giáo thì điều quan trọng nhất là cụm từ Người thầy giỏi

Với thầy giáo thì danh dự, uy tín và sự tin yêu của sinh viên là quan trọng nhất. Làm trong ngành giáo dục, cho dù có chức vụ to lớn cỡ nào cũng không bằng một cụm từ: "Người thầy giỏi". Khi được gọi là người thầy giỏi thì bao hàm: chuyên môn, sự tận tâm, đạo đức nhân cách. ThS. Nguyễn Lương Sáng mở đầu câu chuyện của mình.

Nói về công việc giảng dạy thực tại, thầy Sáng chỉ dùng hai từ "khá ổn" để mô tả (hiện thầy giảng dạy cho sinh viên ngành sư phạm - mầm non và tiểu học). Nhưng vài năm trở lại đây, những sinh viên đến với trường để học về nghệ thuật ngày càng ít đi. Vì vậy, công việc giảng dạy với một giảng viên mỹ thuật như thầy cũng tương đối "nhàn".

Với một giảng viên đại học, công việc thường lệ sẽ phải đảm trách về bài giảng, lên lớp theo phân công công việc của nhà trường. Bên cạnh đó là công tác nghiên cứu khoa học. ThS. Lương Sáng cũng là tác giả của các tài liệu giảng dạy mỹ thuật được sử dụng trong giảng dạy như: Bài giảng dạy học với sự phát triển tính năng sáng tạo trong hướng dẫn tạo hình: Đại học Mầm non; Bài giảng Lý luận và phương pháp tổ chức hướng dẫn tạo hình cho trẻ mầm non: Đại học Mầm non; Bài giảng Nghệ thuật tạo hình: Cao đẳng Mầm non-Nhạc-Họa; Bài giảng Nghệ thuật tạo hình: Đại học Giáo dục Mầm non; Bài giảng Vẽ theo mẫu: Cao đẳng Mầm non-Nhạc-Họa…

Việc đứng trên bục giảng mang lại nhiều ý nghĩa trong cuộc sống cho giảng viên đại học này, "Tôi là một giảng viên, một viên chức nhà nước. Tôi luôn hoàn thành công việc trên giảng đường và trong chuyên môn. Tôi có kiến thức và nhiều tâm sự cần trao cho các sinh viên. Tiếp xúc với học trò, tôi thấy mình trẻ lại. Cảm xúc luôn tươi trẻ, đó là điều cần cho việc sáng tác. Tôi cũng là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở mấy năm, điểm nghiên cứu khoa học và chuyên môn luôn rất cao. Nói chung, giảng dạy và sáng tạo đều là công việc chính. Hai việc này bổ trợ cho nhau một cách tích cực như việc tôi sáng tác theo cách làm việc của một giảng viên, có kế hoạch hợp lý", thầy nói.

Những ngày này các thầy cô giáo trên cả nước đang ngập tràn trong không khí kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam thì thầy Sáng dường như hơi chút chạnh lòng khi nhắc tới nghề nghiệp mà mình theo đuổi.

Cũng giống như nhiều trường đại học ở miền Trung gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh chuyên ngành văn hóa nghệ thuật. Không có nhiều người theo học thì cảm giác của giảng viên cũng thấy "buồn lắm". Nỗi lo cơm áo gạo tiền đặt lên đôi vai của các thế hệ học trò tương lai, vì vậy họ không dám chọn nghệ thuật để học. Điều này khiến thầy không khỏi suy nghĩ về một tương lai vắng bóng học trò…

Kỷ niệm đẹp nhất đối với một người thầy lại thuộc về câu chuyện ngoài lề chứ không trên bục giảng, đó là sự quan tâm, lo lắng cho học trò "Khi trên đường về, tôi gặp một cô bé bảo mẹ đang nhập viện, nhà chỉ hai mẹ con, cách trường 50km. Vậy là tôi bảo lên thầy chở về nhà không lại muộn, chở về đến nơi cô bé chạy ngay vào nhà mình, không kịp chào thầy, còn tôi trở về nhà"- thầy Lương Sáng.

Đã là Người thầy phải luôn hết lòng vì học trò

Là giảng viên trong một trường Đại học ở miền Trung, thầy giáo quan niệm, công việc giảng dạy có hai yếu tố, một là yêu thích, hai là trách nhiệm. "Bản thân tôi không thích cái rập khuôn, máy móc, rườm rà của các quy định trong ngành giáo dục hiện hành. Nhưng tôi thích đứng trên bục giảng để trao đổi với các bạn sinh viên về chuyên môn, về các vấn đề xã hội đang diễn ra", thầy Sáng nói.

Trong suốt thời gian giảng dạy, cũng có những ngày mệt mỏi vì nhiều lý do trong cuộc sống, trước khi bước vào lóp chỉ suy nghĩ làm sao cho nhanh hết thời gian để kết thúc buổi dạy. Thế nhưng khi bước vào lớp, đối diện với các bạn sinh viên là lại giảng như chưa có chuyện gì xảy ra. Đó là phản xạ rất tự nhiên của tất cả các thầy cô giáo trước ánh mắt của người học, người thầy cần có trách nhiệm như vậy.

Chia sẻ về câu chuyện thu nhập của giáo viên trong tình trạng có khá nhiều nhà giáo thu nhập không đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, thầy Sáng thẳng thắn: "Mặc dù thu nhập không cao nhưng cũng đủ để anh yên tâm để lo những điều kiện tối thiểu cho con trai. Nếu không có lương của việc đi dạy, chắc chắn gánh nặng mưu sinh sẽ nặng nề và bấp bênh, như vậy cũng ảnh hưởng đến tư tưởng trong quá trình sáng tác. Dù với thu nhập của một giảng viên đại học - giảng dạy bộ môn Mỹ thuật, chỉ tầm 5-6 triệu mỗi tháng, lại nuôi con một mình, nên cũng khá chật vật…"

Một cuộc sống nhọc nhằn như vậy, bản thân lại là một nghệ sĩ đam mê nghệ thuật, hàng ngày vẫn mải miết với sáng tác, mà để tạo ra những tác phẩm thì cần phải bỏ ra khá nhiều tiền để mua nào toan, màu vẽ… Thế nhưng thầy vẫn lạc quan cho rằng, "cuộc sống mình cần có nhiều vai trò. Chẳng có một công việc nào lương thiện mà không có vất vả đâu, quan trọng là khi làm việc, chúng ta cảm thấy thú vị, vui vẻ và cầu tiến".

Cũng thật đáng trân trọng khi người thầy, họa sĩ này đã trải qua chặng đường 16 năm đứng trên bục giảng, bản thân làm thêm đủ việc, đi vẽ tranh tường, thiết kế quảng cáo, vẽ tranh giá rẻ, giải thưởng mỹ thuật… và tất nhiên cũng có nhiều tác phẩm được sưu tập. Dù đôi khi cũng phải chịu áp lực và nhiều việc hình thức… từ công việc giảng dạy, nhưng "cuộc sống đâu để ta lựa chọn và đòi hỏi…".

Với nhiều người, được thỏa đam mê là một thành công trong cuộc đời thì với những người thầy dạy mỹ thuật ở miền Trung vẫn hàng ngày phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, như mảnh đất cằn cỗi nơi họ sinh trưởng để viết tiếp câu chuyện về nghề của mình. Tạm gác lại câu chuyện cùng thầy giáo Nguyễn Lương Sáng, nhân ngày của những Người Thầy, mong rằng những hy vọng mà thầy muốn gửi gắm vào những lứa học trò mình đào tạo sẽ trở thành hiện thực. Một ngày nào đó những sinh viên do giảng viên này dạy sẽ đứng trên bục giảng, tiếp bước con đường mà một thầy giáo dạy mỹ thuật đã chọn.

Phương Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/16-nam-dung-tren-buc-giang-giang-vien-my-thuat-tham-thia-cum-tu-nguoi-thay-gioi-20191119172419801.htm