16 GB tri thức nhân loại đang chứa trong ống nghiệm nhỏ này

Công ty Catalog tin rằng các phân tử sinh học có khả năng lưu trữ lâu hơn nhiều so với công nghệ lưu trữ mới nhất trên máy tính hiện nay.

Công nghệ lưu trữ trên máy tính đã phát triển từ những sợi cáp từ đến ổ đĩa cứng và giờ là chip 3D stacking (xếp chồng 3D). Tuy nhiên công nghệ lưu trữ sau đây lại dùng một trong những thứ sơ khai nhất trên Trái Đất: DNA.

Công ty khởi nghiệp Catalog cho biết đã nén toàn bộ dữ liệu Wikipedia phiên bản tiếng Anh vào phân tử di truyền giống phân tử trong cơ thể chúng ta.

Dù chưa thể sớm thay thế cho chip flash trên điện thoại, công ty tin rằng công nghệ này đã sẵn sàng cho một số khách hàng sử dụng.

16 GB dữ liệu Wikipedia được lưu trữ bằng DNA. Ảnh: Catalog.

16 GB dữ liệu Wikipedia được lưu trữ bằng DNA. Ảnh: Catalog.

Chuỗi DNA rất nhỏ và khó quản lý, nhưng các phân tử sinh học có thể lưu trữ loại dữ liệu khác ngoài dữ liệu gen. Catalog sử dụng các chuỗi DNA tổng hợp được đúc sẵn ngắn hơn DNA ở người, nhưng dùng để lưu trữ được nhiều dữ liệu.

Dựa vào DNA thay vì những công nghệ lưu trữ mới nhất nghe có vẻ kỳ lạ. Tuy nhiên DNA nhỏ gọn và ổn định về mặt hóa học. Ngoài ra, đây còn là nền tảng của sinh học Trái Đất và chắc chắn nó sẽ không lỗi thời như các đĩa từ cứng, đĩa CD hay sự biến mất của đĩa mềm trong quá khứ.

Catalog mới chỉ cho biết một đối tác của họ, tổ chức Arch Mission Foundation, có mục tiêu lưu trữ kiến thức nhân loại không chỉ trên Trái Đất mà cả những nơi khác trong Hệ Mặt trời. Dù vậy, vẫn chưa rõ đối tượng khách hàng nào sẽ sử dụng dịch vụ này và phần chi phí cho việc lưu trữ bằng DNA sẽ do ai trang trải.

Lưu trữ trên DNA có nhiều ưu điểm so với những công nghệ lưu trữ mới nhất hiện nay. Ảnh: Extremetech.

“Chúng tôi đã và đang thỏa thuận với các cơ quan chính phủ, các dự án khoa học quốc tế lớn có dữ liệu thử nghiệm khổng lồ, công ty trong lĩnh vực dầu khí, truyền thông giải trí, tài chính và nhiều ngành công nghiệp khác”, công ty cho biết.

Catalog có trụ sở tại Boston, Mỹ. Công ty sở hữu thiết bị riêng để ghi dữ liệu tốc độ 4 MB/giây trên DNA. Nếu tối ưu hóa, tốc độ có thể tăng gấp ba lần, vào khoảng 125 GB trong một ngày, gần bằng dung lượng smartphone cao cấp.

Các sản phẩm giải trình tự DNA thông thường đã có mặt trên thị trường công nghệ sinh học đọc dữ liệu DNA. "Chúng tôi nghĩ rằng cách sử dụng hoàn toàn mới này cho công nghệ giải trình tự sẽ giúp giảm đáng kể chi phí", Catalog nhận định, đồng thời cho rằng thị trường máy tính vẫn sẽ rất tiềm năng.

Thiết bị ghi dữ liệu tốc độ 4 MB mỗi giây trên DNA của Catalog. Công ty hy vọng sẽ cải tiến được tốc độ này lên một nghìn lần. Ảnh: Catalog.

Hai sinh viên tốt nghiệp MIT, Giám đốc điều hành Hyunjun Park và Giám đốc Sáng tạo Công nghệ Nathaniel Roquet đã thành lập Catalog vào năm 2016.

Catalog sử dụng hệ thống địa chỉ cho phép khách hàng có thể sử dụng các gói dữ liệu lớn. Dù DNA lưu trữ dữ liệu theo trình tự dài, công ty đã phát triển công nghệ đọc thông tin lưu trữ ở bất cứ đâu bằng đầu dò phân tử. Nói cách khác, đây là dạng bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên như RAM, ổ cứng... không phải truy cập tuần tự như các cuộn băng từ cách đây nửa thế kỉ.

Dù dữ liệu DNA có thể bị phá vỡ bởi bức xạ vũ trụ, Catalog cho rằng đó vẫn là lựa chọn tương đối ổn định. Bằng chứng là chúng ta vẫn có thể tìm ra DNA động vật đã tuyệt chủng hàng nghìn năm trước.

Đại Việt
Catalog

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/16-gb-tri-thuc-nhan-loai-dang-chua-trong-ong-nghiem-nho-nay-post962718.html