15 tuổi đã mắc ung thư tuyến giáp di căn, loại ung thư 'lành nhất quả đất' tấn công mạnh mẽ người trẻ

Bé gái 15 tuổi ở Lào Cai thấy mệt mỏi dần, hồi hộp trống ngực đi khám thì nhận kết quả chẩn đoán ung thư tuyến giáp.

Sau khi được chuyển từ Bệnh viện tỉnh Lào Cai đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhi được thực hiện các chỉ định chụp cắt lớp, cho kết quả tại khu vực tuyến giáp của nữ bệnh nhân xuất hiện nhiều hạch, kích thước hạch lớn 35x28mm.

PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện cùng ê kip đã tiến hành cắt toàn bộ hạch bên trái, phải và trung tâm tuyến giáp của bệnh nhân.

PGS Trần Ngọc Lương thực hiện ca mổ cho bệnh nhi 15 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn

PGS Trần Ngọc Lương thực hiện ca mổ cho bệnh nhi 15 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn

Theo PGS Lương, đây là một trong những ca phẫu thuật khó do tình trạng khối u di căn nhiều kèm kích thước lớn. Trong quá trình phẫu thuật bóc tách khối u cần phải được thực hiện tỉ mỉ thời gian kéo dài hơn so với các ca ung thư tuyến giáp thông thường.

Người trẻ mắc ung thư tuyến giáp tăng

Ung thư tuyến giáp là dạng ung thư ít gặp nhưng lại là ung thư phổ biến nhất trong số các ung thư của hệ thống nội tiết (chiếm khoảng 90%).

Globocan 2018 cho hay tỉ lệ mới mắc ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong tổng số các ca mới mắc ung thư ở Việt Nam, với gần 5.500 ca mới mắc. Bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới, tỉ lệ mắc nữ/nam là 5/1.

Cũng theo PGS Trần Ngọc Lương, thời gian gần đây, tình trạng lớp trẻ ung thư tuyến giáp đang có xu hướng gia tăng.

Ung thư tuyến giáp được coi là 'lành nhất quả đất' bởi có tiên lượng bệnh tốt hơn so với nhiều loại ung thư khác. Loại ung thư này có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Đặc biệt, bệnh nhân dưới 45 tuổi, phát hiện bệnh khi khối u có kích thước nhỏ, chưa di căn sẽ có cơ hội chữa khỏi cao hơn (lên tới 90 – 97%).

Thông thường, thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư tuyến giáp trong vòng 10 năm là gần 100%. Tỷ lệ tử vong do bệnh rất thấp.

PGS.TS Trần Ngọc Lương khẳng định việc phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm rất quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh và hạn chế các biến chứng của các phương pháp điều trị.

Dấu hiệu nào nên đi khám?

Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu phát triển khá âm thầm, hầu như không có triệu chứng đặc trưng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể phát hiện ung thư ở tuyến giáp nếu thấy khối u vùng cổ khi soi gương, đeo dây chuyền, đóng khuy cổ áo hoặc bị đau cổ, hàm hoặc tai.

Đến giai đoạn sau khi nhân tuyến giáp đủ lớn, nó có thể chèn ép vào khí quản hoặc thực quản gây nuốt vướng, khó thở, khàn tiếng hoặc nổi hạch vùng cổ,...

Để phát hiện ung thư tuyến giáp, bệnh nhân có thể làm xét nghiệm tế bào học: chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) tại u và hạch, rất có giá trị, giúp chẩn đoán xác định và định hướng điều trị.

Siêu âm tuyến giáp và vùng cổ: nhằm phát hiện u giáp, số lượng, vị trí, kích thước u, mức độ xâm lấn, đã phá hủy bao tuyến lan ra ngoài hay chưa. Siêu âm vùng cổ giúp phát hiện các hạch, di căn vùng cổ, các hạch sâu trong hố thượng đòn, trong trung thất trước trên mà không sờ thấy được.

Xạ hình tuyến giáp: có thể xác định được vị trí, kích thước, hình dạng, đánh giá chức năng tuyến giáp, nhân tuyến giáp, có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi điều trị.

Các chỉ định cận lâm sàng khác như Xquang, CT Scanner, siêu âm khác... có ý nghĩa phát hiện các tổn thương di căn khác.

Sinh thiết hạch, u tuyến giáp trước hoặc sau hoặc sinh thiết tức thì trong mổ là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và quyết định hướng điều trị.

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/15-tuoi-da-mac-ung-thu-tuyen-giap-di-can-loai-ung-thu-lanh-nhat-qua-dat-tan-cong-manh-me-nguoi-tre-20190831105258957.htm