15 thảm họa của điện ảnh Việt Nam trong năm 2019

'3D Cung tâm kế', 'Cuộc gọi định mệnh', 'Cậu chủ ma cà rồng', 'Nhân duyên' thuộc nhóm tác phẩm đáng quên của điện ảnh nước nhà trong năm qua.

Yolo - Bạn chỉ sống một lần: Trước khi ra rạp, Yolo - Bạn chỉ sống một lần được quảng bá là dự án tâm huyết của nhóm nhạc đình đám SpaceSpeakers về thế giới nhạc underground. Song, những gì bộ phim thể hiện lại khiến cả người xem đại chúng lẫn fan của dòng nhạc lắc đầu ngao ngán. Phần âm nhạc trong phim chỉ được thể hiện ở bề nổi và không để lại điểm nhấn nào đáng nhớ. Chưa kể, tác phẩm của đạo diễn Phan Minh mang đến cốt truyện phi lý, nhàm chán, và những phần diễn xuất đáng quên. Đây là lý do ê-kíp Yolo: Bạn chỉ sống một lầnsau đó phải cầu cứu khán giả vì số suất chiếu ít ỏi.

Trạng Quỳnh: Tuy lọt vào “câu lạc bộ trăm tỷ” nhưng Trạng Quỳnh lại gây ra rất nhiều tranh cãi ở khâu chất lượng. Bộ phim có nhiều phóng tác hiện đại kém duyên và gần như phá tan hình ảnh nhân vật dân gian nổi tiếng Việt Nam. Có thời lượng chưa tới 2 tiếng, nhưng tác phẩm của Đức Thịnh lại mang đến cảm giác mệt mỏi bởi các tình tiết ngôn tình chậm chạp, nhàm chán. Ngoài ra, phim còn có nhiều chi tiết “vay mượn ý tưởng” từ Quan xẩm lốc cốc (1994) nổi tiếng của Tinh gia.

Táo quậy: Dịp Tết Nguyên đán 2019 đánh dấu cuộc đua doanh thu nghẹt thở giữa Cua lại vợ bầu với Trạng Quỳnh. Do đó, phần đông như “quên mất” thảm họa mang tên Táo quậy. Lấy chủ đề Táo quân quen thuộc ngày Tết, bộ phim của Toàn Joshua chỉ là một “nồi lẩu thập cẩm” vô vị với phần kỹ xảo tệ hại, nội dung chắp vá, và những màn tấu hài kém duyên.

Tình đầu thơ ngây: Lấy đề tài thanh xuân vườn trường quen thuộc, Tình đầu thơ ngây đi vào lối mòn của vô số tác phẩm cùng thể loại. Câu chuyện tình “cọc tìm trâu” của hai nhân vật chính diễn ra nhẹ nhàng đến mức nhạt nhẽo. Phim cũng chẳng để lại bài học quý giá hay cảm xúc nào đủ để khán giả nhớ đến sau khi khép lại.

3D Cung tâm kế: Bộ phim ăn theo thành công của Xóm trọ 3D có lẽ là thảm họa đáng quên nhất của điện ảnh Việt trong 2019. Thiếu vắng hai cái tên quan trọng của phần trước là Huy Khánh và Maya, tác phẩm đưa khán giả trở về thời cổ trang với những màn cung đấu và tấu hài vô nghĩa. 3D Cung tâm kế tiếp tục khai thác hình ảnh người đồng tính uốn éo lố lăng mà chẳng có mục đích gì cụ thể. Phim còn tệ cả về phục trang, bối cảnh, lẫn kỹ thuật quay dựng và không khác gì một chương trình tạp kỹ hội chợ.

Cuộc gọi định mệnh: Tuy “thoát” khỏi 3D Cung tâm kế, nhưng Huy Khánh lại góp mặt trong một bộ phim khác cũng tệ hại không kém là Cuộc gọi định mệnh. Tác phẩm của đạo diễn Tạ Huy Cường sở hữu phần kịch bản chắp vá và không tuân theo bất cứ quy luật logic nào. Ê-kíp để lộ rõ sự cẩu thả bởi phần hình ảnh cũ kỹ, lạc hậu, và phần lồng tiếng thường xuyên lệch khẩu hình nhân vật. Cuộc gọi định mệnh còn khai thác cảnh nóng và vẻ đẹp hình thể của DJ Oxy, Văn Phượng vô tội vạ chỉ nhằm mục đích câu khán giả đến rạp.

Ước hẹn mùa thu: Với Ước hẹn mùa thu, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng muốn tái lặp thành công của Tháng năm rực rỡ (2018). Song, sự thiếu vắng kịch bản có sẵn khiến nhà làm phim loay hoay trong việc tiếp cận khán giả. Phim chẳng lấy lòng được bất cứ đối tượng người xem nào bởi ôm đồm cả yếu tố hoài niệm lẫn hiện đại. Không những vậy, tác phẩm còn quá tập trung vào chuyện tình yêu thiếu cảm xúc mà quên mất khai thác tiếng cười từ tình huống tréo ngoe của các nhân vật chính.

Vô gian đạo: Vô gian đạo cố tình câu khách bởi tựa phim giống hệt tác phẩm hình sự kinh điển của điện ảnh Hong Kong, nhưng thực chất lại là bản remake của Thánh bịp vô danh (2000). Bộ phim “sao y bản chính” với nguyên si các cảnh từ bản gốc. Trên thực tế, sản phẩm của Vương Tinh đã chẳng hề xuất sắc khi gom đủ thể loại nhưng chẳng làm tới điểm nào. Còn phiên bản Việt thì sơ sài và hời hợt hơn cả “bom xịt” năm xưa.

Tìm chồng cho mẹ: Tìm chồng cho mẹ có ý tưởng khá hay từ việc những bà mẹ đơn thân tìm đến dịch vụ cho thuê cha giả để bù đắp tình cảm cho con. Song, kịch bản rời rạc và diễn xuất nhạt nhòa đã cuốn phăng đi tất cả. Rốt cuộc, người xem chẳng thể hiểu nổi đạo diễn Thủy Trần muốn truyền tải ý nghĩa gì khi các bé dễ dàng yêu thương một người vừa mới gặp không khác gì cha ruột, trong lúc các bà mẹ thì lại cứ lo... ghen tuông lẫn nhau.

Cà chớn, anh đừng đi: Cà chớn, anh đừng đi có lẽ là tác phẩm đáng quên nhất trong sự nghiệp Xuân Phúc - chàng diễn viên từng đoạt giải Cánh diều bạc hồi 2013. Tác phẩm chẳng khá hơn Cuộc gọi định mệnh là bao với nội dung vô nghĩa, nhạt nhẽo, và kỹ thuật quay phim cũ kỹ. Kịch bản của Cà chớn, anh đừng đi thậm chí còn tệ hơn bởi “mê hồn trận” tình yêu và vô số mối quan hệ, bí mật đan xen nhưng rời rạc, chắp vá.

Cậu chủ ma cà rồng: Với một kịch bản “đao to búa lớn” về loài quỷ hút máu, Cậu chủ ma cà rồng rốt cuộc chỉ là những màn “cung đấu” nhảm nhí và nhạt nhẽo của những cô gái trẻ đẹp. Phim như chắp vá từ hàng chục câu chuyện nhỏ khi mỗi phân đoạn chỉ kéo dài đôi ba câu thoại rồi lập tức chuyển cảnh. Trong khi đó, dàn nhân vật chỉ biết ăn vận đẹp mắt, nhưng chẳng thể hiện nổi diều gì trước ống kính. Tác phẩm cuối cùng mang đến cái kết lãng xẹt chẳng ăn nhập gì với hàng loạt âm mưu khó hiểu đề ra trước đó.

Người lạ ơi: Sau Trường học bá vương (2018), Người lạ ơi tiếp tục là minh chứng cho thấy làm phim học theo Châu Tinh Trì là điều không hề dễ dàng. Phim hội đủ các yếu tố “hài nhảm” như kịch bản giả tưởng chẳng tuân theo quy tắc gì hay câu chuyện tình tréo ngoe hài hước. Song, sự non tay của đạo diễn Trương Chí Bình cùng diễn xuất hụt hơi của bộ đôi Karik - Thùy Anh khiến tác phẩm trở thành thảm họa đáng quên.

Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp: Sau 4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu (2016), Thật tuyệt vời khi ở bên emNhân duyên: Người yêu tiền kiếp tiếp tục cho thấy điểm yếu trong khâu kịch bản của Luk Vân. Cả hai tác phẩm đều có nội dung rời rạc, phi lý, nhất là trong việc chuyển cảnh qua lại giữa hai mốc thời điểm quá khứ - hiện tại. Đặc biệt, bộ phim có Midu và Trịnh Thăng Bình đóng chính còn chứa đựng nhiều chi tiết học hỏi bom tấn Along with the Gods của Hàn Quốc, nhưng tỏ ra thua kém gấp nhiều lần.

Thiên sứ không phép màu: Lấy đề tài du hành thời gian, nhưng Thiên sứ không phép màu rốt cuộc trở thành một mớ hỗn độn đáng quên. Phim chẳng tuân theo bất kì quy tắc khoa học nào với vô số tình tiết gượng gạo, nặng tính sắp đặt. Người xem như bị cuốn vào mê hồn trận chẳng biết đâu là quá khứ, hiện tại hay tương lai. Cách đạo diễn Lê Nhã Huy xây dựng nhân vật cũng nhạt nhẽo không kém khiến Dương Cương và Thái Ngân gần như chẳng biết diễn ra sao cho hợp lý. Cuối cùng, phim ra rạp rồi biến mất mà chẳng được ai đoái hoài.

Ngốc ơi tuổi 17: Cùng lấy chủ đề giới tính tuổi học đường, nhưng cả Ngốc ơi tuổi 17 lẫn Siêu quậy có bầu đều chẳng ghi được bất cứ dấu ấn gì trong lòng khán giả. Hai tác phẩm cùng sở hữu kịch bản phi lý và gượng ép khi có nữ chính mang thai ở độ tuổi trung học. Các biên kịch chẳng biết xử lý ra sao cho hợp lý hay đưa ra hướng quyết cụ thể cho các bậc phụ huynh khi phim khép lại. Song, Ngốc ơi tuổi 17 có phần tệ hơn Siêu quậy có bầu bởi diễn xuất hạn chế của Minh Khải và Trúc Anh, cùng màn kêu cứu thái quá của nhà sản xuất Dung Bình Dương.

Hạ Tuyết

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/15-tham-hoa-cua-dien-anh-viet-nam-trong-nam-2019-post1025200.html