15% người Việt Nam bị rối loạn tâm thần
Khoảng 15% dân số Việt Nam mắc rối loạn tâm thần, tương đương gần 15 triệu người.
Tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Sức khỏe tâm thần thế giới với chủ đề: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người là một ưu tiên hàng đầu” chiều 10/10, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần chiếm 15% dân số, nghĩa là gần 15 triệu người.
Tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác…
Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.
Trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày trở nên nghiêm trọng ở nước ta, Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng riêng một đề án cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần là Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, chăm sóc sức khỏe tâm thần là vấn đề của toàn xã hội, không của riêng ai và không của riêng cấp bậc hành chính nào. Chính vì vậy phòng ngừa và nâng cao sức khỏe tâm thần là trách nhiệm của chính mỗi người dân, gia đình, cộng đồng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể…
Hiện nay mô hình bệnh tật đang thay đổi, ngoài các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng bệnh tật lên tất cả các nước trên thế giới, chứ không chỉ riêng quốc gia nào. Hàng năm các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới khoảng 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới.
Trong các bệnh không lây nhiễm thì vấn đề rối loạn tâm thần rất phổ biến, đang có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác. Năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.
Đại dịch COVID-19 gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch COVID-19.
Trong khi các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có tại các cơ sở, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Theo thống kê, chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư dưới mức cơ bản, bởi các quốc gia chi trung bình chỉ khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần.
Nhằm tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân trên khắp thế giới về vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có Việt Nam, Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới chọn ngày 10/10 hàng năm là “Ngày sức khỏe tâm thần thế giới”, bắt đầu từ năm 1992.
Đây là sự kiện toàn cầu mang nhiều ý nghĩa nhân văn, giúp huy động nguồn lực hỗ trợ những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, và tạo cơ hội cho tất cả những ai tham gia công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần chia sẻ những gì cần phải làm để biến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần thành hiện thực cho mọi người trên toàn thế giới.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/15-nguoi-viet-nam-bi-roi-loan-tam-than-ar706274.html