15 ngày không ca mới, TP.HCM đã kiểm soát được dịch Covid-19

Đợt bùng phát Covid-19 từ khu cách ly ra cộng đồng là bài học cảnh báo người dân và ngành y tế trong việc phòng ngừa nguồn lây bệnh.

Hôm nay, TP.HCM trải qua 15 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng kể từ thời điểm phát hiện bệnh nhân 1342 (28 tuổi, tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines).

Hiện toàn bộ trường hợp tiếp xúc các bệnh nhân dương tính (3.260 người) được cách ly và có xét nghiệm âm tính. Các chuyên gia nhận định đây là bài học lớn cho thành phố trong việc phòng, chống đại dịch bùng phát trở lại.

Dịch có thể bùng từ mọi phía

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận định bệnh nhân 1342 có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc trong quá trình cách ly do không tuân thủ quy định. Bởi chuyến bay của BN1342 không có trường hợp nào khác mắc bệnh. Từ việc không tuân thủ quy định cách ly của nam tiếp viên, thành phố phát hiện thêm 3 người khác bị lây nhiễm SARS-CoV-2.

Ca bệnh Covid-19 là tiếp viên của Vietnam Airlines chấm dứt chuỗi 120 ngày không ca mắc mới tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hà.

Ca bệnh Covid-19 là tiếp viên của Vietnam Airlines chấm dứt chuỗi 120 ngày không ca mắc mới tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hà.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ: "Nơi tự tin nhất lại chính là nơi khởi nguồn của đợt bùng phát dịch và nơi an toàn nhất lại trở thành nơi nguy hiểm".

Ông nhấn mạnh dịch không chỉ xâm nhập từ sân bay, nhập cảnh trái phép mà ngay chính tại nơi cách ly tập trung người về từ người ngoài cũng có thể lây nhiễm chéo khi không tuân thủ cách ly. Nếu không nhanh chóng khóa chặt nguồn nhiễm, nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm những ca bệnh tiếp theo từ sự chủ quan.

Không cách ly mang tính chất hình thức

Sau đợt bùng phát này, nhiều người đặt nghi vấn trong việc quản lý, cách ly mang tính chất hình thức tại khu cách ly tập trung trả phí và hãng bay. Nhiều đề xuất cơ quan chức năng cần chấn chỉnh lại quy định cách ly chuyên gia nước ngoài và thay đổi thời gian cách ly phi công, tiếp viên hàng không.

Nhận định về điều này, bác sĩ Khanh nhấn mạnh: "Sai sót không nằm ở quy trình và phương pháp cách ly mà vấn đề ở người thực hiện. Chúng ta cần điều chỉnh thái độ chấp hành của người cách ly chứ không phải xóa bỏ quy trình. Ngoài ra, qua đợt bùng phát dịch này, quy trình cách ly y tế hiện tại cần được xem xét ở mức độ cao hơn, nghiêm ngặt tuyệt đối chứ không chỉ là hình thức đối phó với cơ quan quản lý".

Nguy cơ lây lan virus trong khu cách ly rất thấp, nhưng có thể xảy ra nếu người cách ly không tuân thủ. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết: "Nếu mắc bệnh, bạn có thể lây truyền virus cho người khác. Do đó, hãy tự cách ly nghiêm túc để tránh cho người thân bị lây nhiễm và sau đó là cộng đồng. Trong đại dịch, sự bình tĩnh, niềm tin, kiến thức phòng bệnh, ý thức vì cộng đồng sẽ giúp chống Covid-19 tốt nhất".

Theo bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), để vượt qua thử thách lần này, mỗi người chỉ cần làm tốt việc của mình.

"Ai đi làm vẫn đi làm, ai đi học cứ đi học, ai phải cách ly thì tuân thủ các quy định cách ly. Quan trọng hơn hết là mỗi người nhận thức đúng, có ý thức vì cộng đồng", bác sĩ Vân Anh chia sẻ.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 tại TP.HCM là bài học cảnh báo cho người dân và ngành y tế trong việc chủ động phòng ngừa nguy cơ. Ảnh: Duy Hiệu.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trong mỗi đợt bùng phát dịch, cộng đồng thường tập trung chỉ trích một hay một vài bệnh nhân lây nhiễm virus cho nhiều người khác. Tình trạng tương tự diễn ra trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Chuyên gia này nhấn mạnh hành vi thiếu ý thức chấp hành quy định cách ly của bệnh nhân 1342 là đáng trách và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, việc cư dân mạng, cộng đồng lùng sục danh tính, đồn đoán mối quan hệ tình cảm, giới tính của bệnh nhân là điều không nên.

Ông cho biết việc mạt sát nhóm cộng đồng nhỏ, ném đá bệnh nhân cũng không giúp cơ quan y tế truy lùng các ca tiếp xúc hay điều trị Covid-19. Nó chỉ khiến tình hình dịch và tâm lý người dân thêm tồi tệ hơn. Về sau, các F1, F2 và F0 có thể vì điều này mà không dám trình diện, khai báo y tế, càng khiến ngành y tế khó khăn hơn.

"Người đồng nghiệp của tôi vừa trở về Việt Nam từ châu Âu kể lại rằng nhiều thành phố lớn bên đó đìu hiu và vắng lặng. Cuộc sống bình thường mới tại Việt Nam là mong ước của rất nhiều quốc gia", bác sĩ Nam chia sẻ.

Các chuyên gia nhận định hiện tại, chuyến bay giải cứu công dân, đón chuyên gia, lao động kỹ thuật từ nước ngoài vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm mới. Thậm chí, một số chuyến bay ghi nhận hàng chục bệnh nhân mắc Covid-19. Các tỉnh biên giới vẫn phát hiện nhiều đối tượng nhập cảnh bất hợp pháp, trốn cách ly.

Điều này là nguy cơ rất lớn và có thể xảy ra những đợt bùng phát dịch tiếp theo nếu tình trạng lơ là phòng dịch còn tái diễn. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, về nước của người dân rất lớn.

Bên trong khu bào chế vaccine Covid-19 tại Việt Nam Nanocovax là vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm trên người. Dự kiến, mỗi liều có giá dưới 500.000 đồng.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/15-ngay-khong-ca-moi-tphcm-da-kiem-soat-duoc-dich-covid-19-post1163394.html