15 năm xa quê và chuyến xe nghĩa tình

'Mẹ ơi, không biết mẹ có còn nhận ra con không? Con bây giờ là người phụ nữ có chồng, 3 đứa con, chẳng còn là đứa con gái đôi mươi của mẹ như ngày xưa nữa', chị Lô Thị Hậu - công nhân (CN) Cty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) xúc động gọi điện thông báo với mẹ đang ở Thanh Hóa. Sau 15 năm xa quê, xa mẹ, Tết năm nay, chị và gia đình nhỏ của mình mới có cơ hội được gặp mẹ, được ăn Tết ở quê nhờ chuyến xe nghĩa tình do tổ chức CĐ và Báo Lao Động tài trợ.

 PV Báo Lao Động gửi 3 con gấu bông làm quà Tết cho con của chị Hậu. Ảnh: L.T

PV Báo Lao Động gửi 3 con gấu bông làm quà Tết cho con của chị Hậu. Ảnh: L.T

Chuyến đi kéo dài 15 năm chưa gặp lại mẹ

Năm 2002, bố chị Hậu ra đi sau cơn bạo bệnh kéo dài. Các chị có chồng ở xa, chị Hậu trở thành người gánh vác kinh tế gia đình khi mẹ đau ốm thường xuyên, hai đứa em còn nhỏ, người chị gái bị nhiễm chất độc da cam. Nhà ở huyện vùng núi Như Thanh, chị không thể tìm được việc gì làm ra tiền nên năm 2003, chị quyết định vào Nam kiếm việc với mục tiêu gửi tiền về phụ mẹ nuôi chị, nuôi hai em ăn học. Khi đó chị Hậu vừa tròn 18 tuổi.

“Tôi không ngờ chuyến đi năm đó kéo dài 15 năm! 15 năm qua, tôi chưa từng gặp lại mẹ, chưa một lần được về quê” - chị Hậu rưng rưng. Năm 2003, chị theo một người quen xuống Bình Phước làm thuê cho một chủ vườn, được bao ăn ở, mỗi tháng chị được trả 300.000 đồng. Toàn bộ số tiền đó, chị đều gửi về cho mẹ, để lo cho các em. Kể đến đây, mắt chị rưng rưng: “Nhưng tôi không giữ được lời hứa phụ mẹ nuôi các em ăn học bởi trong năm 2003, tôi lấy chồng với một đám cưới chẳng có người thân, họ hàng nào. Năm 2004, tôi sinh đôi 2 đứa con gái. Cuộc sống làm thuê ở Bình Phước không đủ ăn, cả gia đình tôi đưa nhau về quê chồng ở Long An. Mẹ chồng cho một cái nền nhà, vợ chồng tôi dựng túp lều, ở tạm. Đất ruộng không có, vợ chồng tôi làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm 2005, tôi sinh tiếp một đứa con, đứa út yếu ớt, gãy tay gãy chân suốt, suy dinh dưỡng… Cuộc sống gia đình càng chật vật hơn. Tôi chẳng lo được cho các em đến nơi đến chốn”.

Chị Hậu chọn 1 ít đồ trong siêu thị Công đoàn Cty PouYuen để chuẩn bị về quê. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Hãy về khi mẹ còn có thể nhớ mặt từng đứa con

“Mấy năm trước cả tôi và mẹ đều không có điện thoại. Cách đây 4 năm, có một chị trong chuyền thấy tôi không dùng điện thoại nên chị cho lại cái điện thoại cũ. Em trai tôi cũng mua một cái điện thoại trắng đen để liên lạc. Nhà tôi ở vùng núi, sóng điện thoại lúc có lúc không. Mỗi lần muốn nói chuyện, mẹ tôi phải đi ra khỏi nhà, leo lên chỗ nào cao cao không bị khuất sóng rồi nhá máy cho tôi. Tôi gọi lại, hai mẹ con nói chuyện”, chị vừa nói, vừa móc túi khoe cái điện thoại đã trầy xước hết màn hình.

Từ ngày có điện thoại, cứ đầu tháng Chạp, mẹ chị lại gọi, bà bảo “chẳng mong con mua quà, mua bánh, chẳng cần áo ấm, áo lạnh, chỉ cần các con mua được tấm vé xe để về với mẹ”. Người mẹ hơn 70 tuổi đời chỉ có một ước mong duy nhất là được gặp lại đứa con gái bé bỏng đã xa mình 15 năm, gặp những đứa cháu máu mủ ruột rà chưa một lần thấy mặt.

“Năm nào tôi cũng hứa với mẹ sẽ thu xếp nhưng rồi không thu xếp được. Có năm, công đoàn nói sẽ cho tôi một tấm vé để về quê, tôi cũng nói với mẹ, giờ đưa cả nhà về không được, một mình tôi về được không? Bà khóc rấm rức bảo nếu tôi về một mình thì bao giờ bà mới được gặp mặt các cháu. Hãy đưa chồng, đưa con về khi mẹ còn có thể nhớ được mặt từng đứa con” - chị Hậu nói.

“Tết năm nay, mẹ tôi có vẻ yếu rồi nên tôi nghĩ mình phải về. Tôi làm đơn gửi lên cho công đoàn Cty PouYuen để đề nghị hỗ trợ vé xe. Bố Nghiệp (ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Cty PouYuen Việt Nam) sau khi nghe qua hoàn cảnh của tôi mới bảo để công đoàn xem xét đề xuất hỗ trợ vé cho cả gia đình tôi về quê. Lúc nghe thông tin đó, tôi đã bắt đầu mừng nhưng vẫn lo. Những ngày chờ quyết định nhận 5 vé, tôi không dám gọi điện về cho mẹ vì tôi sợ mình mừng quá lỡ miệng nói với mẹ chuyện về quê, rồi sau lỡ không được tặng 5 vé, mẹ tôi sẽ buồn biết bao nhiêu. Thế nhưng không chỉ là được 5 vé về quê, Báo Lao Động còn tặng gia đình tôi 5 vé trở vào. Nhiều lúc tôi cứ tưởng mình đang mơ, mẹ tôi cũng tưởng bà đang mơ. Các con tôi thì luôn miệng hỏi “bà ngoại có ăn trầu không?”, “bà ngoại đã già chưa?”, “bà ngoại có bị còng lưng không?”… Tôi bảo với các con, lúc mẹ đi thì bà ngoại chưa ăn trầu, giờ bà ngoài 70 tuổi thì chắc là già rồi và mẹ mong bà ngoại không bị còng lưng vì quê mẹ đồi núi, còng lưng sẽ cực biết bao…” - chị Hậu trầm ngâm.

Từ hôm được nhận vé xe, chị Hậu gần như không ngủ được. “Hồi đi tôi rất gầy, giờ thì có chồng, có con, tăng lên mấy ký, khuôn mặt cũng thay đổi rồi. Chẳng biết mẹ có còn nhận ra tôi không?” - chị Hậu trăn trở rồi chị lại tự an ủi: “Chắc mẹ sẽ nhận ra tôi thôi, làm sao mà mẹ quên được đứa con gái của mẹ. Mẹ tôi cũng bảo thế, chỉ trừ khi ông Trời bắt mẹ chịu cảnh đãng tai, đãng trí chứ còn nghe, còn thấy được thì mẹ sẽ nhận ra các con. Cứ nghĩ đến ngày về, tôi lại muốn khóc, khóc vì hạnh phúc”.

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH PouYuen Việt Nam, chia sẻ: “Khi nhận được đơn đề nghị tặng vé của chị Hậu, chúng tôi đã rất xúc động. Tuy nhiên, không thể hỗ trợ 5 vé cho gia đình chị vì còn có những công nhân khác. Thế nhưng, rất may là chương trình hỗ trợ công nhân về quê ăn Tết Xuân Kỷ Hợi năm nay, công nhân lao động Cty TNHH PouYuen nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Cty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay) thông qua Báo Lao Động nên chúng tôi đã hỗ trợ 5 vé chiều ra cho cả gia đình chị Hậu”.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/15-nam-xa-que-va-chuyen-xe-nghia-tinh-655629.ldo