15 năm tù cho thiếu niên cướp 100 nghìn để mua bánh mì?

Theo luật sư, các đối tượng đã chuẩn bị phương tiện nguy hiểm (dao gấp) xông vào nhà đe dọa chủ nhà nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền 100.000 đồng đã cấu thành tội cướp tài sản, do vậy sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù...

 Đối tượng Tú (phải) và Hừ tại cơ quan công an

Đối tượng Tú (phải) và Hừ tại cơ quan công an

Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng Ngô Văn Tú (SN 2001, ở Bắc Giang) và Ly Tư Hừ (SN 1999, ở Lai Châu) để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Theo tài liệu điều tra, khoảng 22h40 ngày 1/8, do không có tiền nên Tú đã mang theo dao gấp, rủ Hừ xông vào một cửa hàng tạp hóa ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm (nơi Tú đã từng làm việc), đe dọa chủ nhà, sau đó cướp được 100.000 đồng để mua bánh mỳ và nước uống.

Điều đáng nói, đối tượng chính trong vụ án này là Ngô Văn Tú cho đến khi bị bắt mới chỉ 16 tuổi 11 tháng.

Về vụ việc trên, trao đổi với VnMedia luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.

Tội cướp tài sản cùng lúc xâm hại đến 2 khách thể đó là quyền sở hữu và tính mạng, sức khỏe của công dân.

"Xét hành vi phạm tội của các đối tượng đã chuẩn bị phương tiện nguy hiểm (dao gấp) xông vào nhà đe dọa chủ nhà nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền 100.000 đồng đã cấu thành tội cướp tài sản.

Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d, Khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự 2015. Nếu bị Tòa án kết tội, các nghi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù", luật sư Thơm nói.

Cũng theo luật sư Thơm: Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự đã hướng dẫn "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. Về công cụ, dụng cụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

Căn cứ Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng. Do đó các bị can phạm tội rất nghiêm trọng nên Cơ quan điều tra có quyền được bắt tạm giam theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án này, đối tượng chính là Ngô Văn Tú. Thời điểm phạm tội Tú mới 16 tuổi 11 tháng. Căn cứ Điều 101 BLHS quy định về tù có thời hạn, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Theo lời khai của các đối tượng, động cơ mục đích chiếm đoạt số tiền 100.000 đồng để mua bánh mỳ và nước uống vì nhiều ngày ở Hà Nội bị đói.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, nếu có căn cứ xác định lời khai của các đối tượng chiếm đoạt số tiền 100.000 đồng trong lúc túng quẫn vì đói khát nên cần thiết đánh giá tính chất, mức độ hành vi, nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh của các nghi phạm gây ra để làm căn cứ. Để sau này khi xét xử có mức hình phạt tương xứng vừa mang tính chất răn đe trừng trị và vừa thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.

Các đối tượng khi phạm tội có nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, đang ở lứa tuổi chưa thành niên, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, số tiền chiếm đoạt không đáng kể, động cơ chiếm đoạt vì đói khát.

Vì vậy, theo vị luật sư với những căn cứ nêu trên, sau này khi xét xử cần thiết xem xét giảm nhẹ nhất hình phạt cho các bị cáo ở mức dưới khung thấp nhất và có thể cho hưởng án treo là có căn cứ, thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.

Trước đó, một vụ cướp giật bánh mỳ tại TP.HCM cũng gây xôn xao dư luận, khi đối tượng cũng chưa đủ tuổi thành niên. Tại phiên xét xử phúc thẩm, HĐXX Tòa án nhân dân TP.HCM đã quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với hai bị cáo này.

Tuy nhiên, ở vụ án này, hành vi các đối tượng sử dụng phương tiện nguy hiểm (dao gập) chiếm đoạt 100.000 đồng là có tính nguy hiểm cao hơn, cấu thành Tội cướp tài sản theo Khoản 2 Điều 168 BLHS. Đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù.

Phương Mai

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/phap-luat/201808/15-nam-tu-cho-thieu-nien-cuop-100-nghin-de-mua-banh-mi-612454/