15 năm 'quên' cập nhật mới định mức bảo tồn: Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nghĩ gì?

Định mức bảo tồn di tích do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) ban hành kèm theo Quyết định số 13/2004/QĐ-BVHTT ngày 1/4/2004 đến nay đã 15 năm nhưng 'quên' chưa cập nhật mới. Vậy, Bộ VHTTDL có quan tâm đến việc bảo tồn các công trình xây dựng di tích dịch sử văn hóa?

 Đinh mức bảo tồn cần được cập nhật mới

Đinh mức bảo tồn cần được cập nhật mới

Cục Di sản khẳng định không tiêu cực

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VHTT&DL cho biết, định mức dự toán bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh ban hành kèm theo Quyết định số 13/2004/QĐ-BVHTT ngày 01/4/2004 của Bộ VHTT&DL quy định về chi phí vật liệu, nhân công trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được Bộ VHTT&DL xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tế các công trường tu bổ di tích tiêu biểu trên cả nước và từ một số địa phương có hoạt động tu bổ di tích điển hình (Thừa Thiên Huế, TP Hà Nội, Nam Định…). Đồng thời, tập trung điều tra thu thập số liệu từ các chuyên gia, những nghệ nhân, thợ có tay nghề cao. Tập định mức này cũng đã được thẩm định bởi Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và được Bộ Xây dựng thỏa thuận trước khi Bộ VHTT&DL ban hành.

“Như vậy, sau gần 15 năm áp dụng, đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào có ý kiến phản ánh về việc cần điều chỉnh định mức dự toán theo Quyết định số 13, chưa có ý kiến của tổ chức, cá nhân nào trên cả nước phản ánh về việc áp dụng định mức dự toán theo Quyết định số 13 ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chất lượng đầu tư xây dựng công trình và cũng không có ý kiến nào về chất lượng của các định mức trong Quyết định số 13” – ông Trần Đình Thành cho biết.

Ông Trần Đình Thành cũng cho biết, trước đây khi ban hành Luật Di sản văn hóa năm 2001 chưa có quy định của Chính về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, chỉ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa 2009 thì Chính phủ mới ban hành Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích làm căn cứ để xây dựng và ban hành định mức dự toán cho công tác này.

Do đó, tại thời điểm xây dựng định mức dự toán ban hành theo Quyết định số 13 vào năm 2004, Bộ VHTT&DL đã xác định ưu tiên tập trung lựa chọn những định mức công việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chủ yếu, còn một số định mức công việc chưa có trong tập định mức này như định mức cho công tác tu bổ công trình xây bằng vật liệu gạch của di tích Chăm không ảnh hưởng tới hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên cả nước trong suốt gần 15 năm thực hiện.

Bất cập là hiện hữu

Phản biện vấn đề này, ông Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc phụ trách Phân Viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, Bộ Xây dựng cho biết, trong quá trình cơ quan này thực hiện làm công tác trùng tu di tích cho thấy nhiều vấn đề bất cập: Thiếu Quy chuẩn, tiêu chuẩn về công tác trùng tu và vật liệu (sơn thếp, chạm khắc, mái lợp truyền thống (các loại gạch ngói), pháp lam, ngói, gạch men,…). Riêng tiêu chuẩn về nề ngõa (một kỹ thuật trong kiến trúc xây dựng cổ để trang trí nội thất, ngoại thất) đang được Viện Bảo tồn di tích thực hiện.

Muốn xây dựng, điều chỉnh bổ sung định mức bảo tồn di tích một cách chuẩn mực phải có chỉ dẫn kỹ thuật và định mức cho các tất cả công tác. Hiện chưa có các định mức khảo sát hiện trạng, sưu tầm tư liệu, toàn bộ công tác trùng tu di tích đền Chămpa (xây gạch mài chập, điêu khắc trên gạch...).

Cần bổ sung, điều chỉnh và chú thích rõ các định mức dự toán cho công tác: Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; Lưu ý có sự khác nhau về nề ngõa của các miền Bắc, Nam, Trung. Thuật ngữ tên gọi của các địa phương cũng khác nhau.

Ông Lê Văn Quảng cũng cho biết, khi thực hiện các dự án, Viện Khoa học công nghệ xây dựng phải đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu của thiết kế, linh hoạt xử lý ở công trường khi phát hiện những yếu tố mới, một số công việc chưa có định mức thì hai bên A-B cùng xác định tại công trường (không lớn), nếu công việc lớn phải xây dựng định mức trình duyệt (việc này rất khó khăn).

Bên cạnh đó, đơn giá được tính theo báo giá hằng tháng của địa phương, vật liệu đặc chủng, không phổ biến trên thị trường thì tham khảo thị trường, thuê thẩm định giá. Tất cả vật liệu phục hồi được tiến hành nghiên cứu (kỹ thuật sơn thếp, chống mất màu trong nề ngõa, bảo quản cấu kiện gỗ...), có giải pháp can thiệp thích ứng tăng độ bền vững và tuổi thọ, tìm giải pháp gia cường.

Ông Lê Văn Quảng kiến nghị, cần xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với công tác bảo tồn mang tính đặc thù, xây dựng chỉ dẫn kỹ thuật phục vụ cho việc xây dựng định mức, xây dựng quy trình công tác trùng tu di tích và xây dựng, bổ sung, điều chỉnh định mức.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chỉnh phủ giao, Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (ban hành theo Quyết định 2038/2017/QĐ-TTg ngày 18/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ) theo đúng lộ trình, đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, không ít Bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong khiển khai, thậm chí không gửi báo cáo tiến độ thực hiện Đề án về Bộ Xây dựng, điển hình là Bộ VHTT&DL trong xây dựng và hoàn thiện định mức cho công tác bảo tồn di tích.

Đinh Tịnh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/15-nam-quen-cap-nhat-moi-dinh-muc-bao-ton-bo-van-hoa-the-thao-va-du-lich-nghi-gi-20180504224221965.htm