15 giờ căng thẳng ghép gan cho bé sinh non suy gan giai đoạn cuối

Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM vừa phẫu thuật thành công ca ghép gan thứ 13, ca ghép đặc biệt cho một bệnh nhi sinh non bị suy gan giai đoạn cuối do teo đường mật bẩm sinh.

Ca ghép gan cho bệnh nhi sinh non tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Ca ghép gan cho bệnh nhi sinh non tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Bé D.C.M., sinh tháng 2/2018 (ngụ tại Q.3, TP.HCM) sinh non lúc ngoài 6 tháng tuổi do vỡ ối sớm. 1 tháng 10 ngày sau sinh, khi bé đang được điều trị ROP (bệnh võng mạc ở trẻ sinh non) thì phát hiện thêm tình trạng vàng da ứ mật do bệnh teo đường mật bẩm sinh. Dù bé đã được phẫu thuật Kasai để điều trị nhưng tình trạng diễn tiến xấu nên gia đình đã chuyển bé sang Bệnh viện Nhi đồng 2 mong tìm một cơ hội sống cho bệnh nhi.

Ngày 3/6/2019, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận bé trong tình trạng viêm phổi nặng, suy gan giai đoạn cuối với biểu hiện suy hô hấp, báng bụng, vàng da nặng. Dù bé được các bác sĩ của Khoa Tiêu hóa điều trị tích cực bằng nhiều loại kháng sinh mạnh cùng lúc nhưng không hiệu quả, nên hội đồng chuyên môn bệnh viện, với sự chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện và GS Trần Đông A chỉ định phải ghép gan bán khẩn cho bé, nếu không bé sẽ có nguy cơ tử vong sớm.

Người cho tạng ban đầu được chọn lựa là bố ruột bé. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện người bố bị gan nhiễm mỡ, không phù hợp chỉ định cho gan. Người kế tiếp tình nguyện cho gan để cứu sống cháu chính là ông nội của bé.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ca ghép diễn ra ngày 18/6 kéo dài 15 tiếng, từ 9h đến 24h với rất nhiều khó khăn do thể trạng bé quá nhỏ, trên nền nhiễm trùng phổi, gan, suy dinh dưỡng, suy đa tạng. Khó khăn từ việc bóc tách phân thùy gan của người ông do động mạch gan trái lại xuất phát từ động mạch của dạ dày và mạc nối nhỏ. Khó khăn đến ghép vì tĩnh mạch cửa của bé không tương thích tĩnh mạch cửa của người ông.

TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết, kíp mổ đã mất 5 tiếng đồng hồ để tìm cách nối tĩnh mạch gan của người ông cho bé, cuối cùng ê kíp phẫu thuật phải lấy tĩnh mạch cảnh trái của bệnh nhi làm cầu nối, nhờ vậy mạch máu mới lưu thông lên gan suôn sẻ.

Vấn đề gây trở ngại tiếp theo là bụng của em bé quá nhỏ do sinh non tháng nên ê kíp phẫu thuật phải nong ổ bụng của em bé rộng ra để thích ứng với lá gan mới bằng tấm plaque – một vật liệu không gây phản ứng cho cơ thể, được mang từ nước ngoài sang phục vụ ca phẫu thuật.

Sau ghép gan 2 tuần, bệnh nhi được phẫu thuật lấy tấm plaque ra và khâu phục hồi thành bụng. Tình trạng viêm phổi và nhiễm trùng huyết cải thiện, huyết động ổn định, chức năng gan cải thiện dần. Bé tỉnh táo, ăn uống tốt. Bệnh nhi tiếp tục được các bác sĩ điều trị, theo dõi chặt chẽ cũng như có chế độ chăm sóc dinh dưỡng phù hợp để phát triển thể chất, vận động.

Một tháng sau ghép gan, men gan tăng nhưng kết quả sinh thiết gan là thoái hóa mỡ 10%, chưa đủ chẩn đoán thải ghép cấp. Lúc này, xét nghiệm gần nhất cho thấy men gan có cải thiện hơn.

Sau ghép 2 tháng, bệnh nhi hồi phục tốt, bé tăng cân, vui vẻ, linh hoạt, da dẻ trắng trẻo, không còn đen sạm do tình trạng ứ mật như trước. Bé có thể tự ngồi, đi xe đẩy hay đùa giỡn với mọi người. Sức khỏe người cho tạng cũng ổn định và có sự tăng cân sau phẫu thuật.

GS Trần Đông A nhận định, đây là ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam mà người hiến là ông nội của bệnh nhân và người nhận là một bé sinh non 3 tháng. Đây cũng là một trong 2 ca nặng nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nếu không tiến hành ghép ngay thì chắc chắn bệnh nhi sẽ tử vong.

An Nhiên

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/15-gio-cang-thang-ghep-gan-cho-be-sinh-non-suy-gan-giai-doan-cuoi-post310181.info