15 cơ quan bảo vệ ở đâu khi trẻ bị xâm hại?

Câu hỏi trên được đặt ra tại buổi hội thảo 'Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?' tổ chức chiều qua (14/3).

Cha uất nghẹn đeo đuổi vụ kiện con 3 tuổi bị xâm hại

Kìm nén nỗi đau đã giấu sâu trong lòng, anh N.V.L. (Phú Thọ) chia sẻ, hơn một năm nay anh vẫn đeo bám vụ kiện tên hàng xóm đang tâm xâm hại con gái anh khi bé mới tròn 3 tuổi. Theo lời anh L., vào chính ngày con gái bị ốm , phải nghỉ học ở nhà, cháu đã bị người hàng xóm xâm hại. Sau khi vụ việc xảy ra, đối chất với gia đình, người hàng xóm có thừa nhận hành vi xâm hại. Tuy nhiên, thay vì biết lỗi, gia đình hàng xóm đã cố tình thách thức.

Anh L. đã lên công an khai báo. Mặc dù, ngay sau đó con anh được đưa về Hà Nội kiểm tra, phát hiện có dấu vết dâm ô, gây trầy xước ở phần phụ của trẻ. Vụ việc được công an thụ lý và đã có quyết định khởi tố bị can… nhưng suốt thời gian qua, kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật . “Hơn 1 năm mệt mỏi theo đuổi nhưng câu chuyện của gia đình tôi đang rơi vào yên ắng. Uất lắm vì con bị hại mà chính quyền, công an để làm gì, sao không giải quyết vấn đề này”, anh L. chia sẻ.

Tỷ lệ xâm hại trẻ em đã ở mức báo động (ảnh minh họa)

Tỷ lệ xâm hại trẻ em đã ở mức báo động (ảnh minh họa)

Tương tự là trường hợp người mẹ (sống ở Láng - Hòa Lạc) có con gái 7 tuổi bị gã đàn ông hàng xóm cưỡng bức. Suốt hai năm qua, chị cũng bỏ công việc, gửi đơn thư đến nhiều nơi mà chưa được giải quyết.

"Theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) mỗi năm trung bình cả nước có hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Như vậy, trung bình cứ 8 giờ có 1 trẻ em bị xâm hại tình dục”.

Bà Nguyễn Vân Anh-Giám đốc Trung tâm CSAGA

“Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em mà cha mẹ đã lên tiếng cầu cứu tới công quyền, nhưng tất cả họ vẫn cứ mòn mỏi đợi chờ”, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết.

Luật sư Lê Văn Luân (người đang trợ giúp pháp luật cho trẻ bị xâm hại tình dục tại Tân Mai, Hà Nội) cho hay, hiện các vụ ấu dâm đều bị xử lý rất chậm chạp bởi những quy định không sát thực tế trong luật pháp như việc cần đủ bằng chứng về dâm ô… Điều này rất vô lý và khiến các gia đình khó tiếp cận trong quá trình tố cáo. Đây cũng là 1 trong những hạn chế khiến nhiều gia đình nản lòng, mất lòng tin vào pháp luật.

Theo lý giải của LS. Luân, với tội dâm ô có thể chỉ là tiếp xúc bên ngoài với bộ phận sinh dục của trẻ, không để lại tổn thương nhưng hiện cơ quan điều tra lại đòi hỏi vật chứng khiến các vụ điều tra đa phần dậm chân tại chỗ. Trong khi đó, ở nước ngoài, nếu đối tượng chỉ cần gợi ý, dụ dỗ, gạ gẫm sex là đủ cấu thành tội. “Pháp luật hình sự chúng ta đang có khoảng trống… gây nhiều nguy hiểm đối với trẻ”, ông Luân cho biết.

Cùng quan điểm bà Khuất Thu Hồng, Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội cũng cho rằng: “Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra và ngày càng “nóng” do chưa được giải quyết, đi vào bế tắc. Có gia đình thu thập bằng chứng chủ động tìm cách tố cáo, giải quyết vấn đề nhưng quá trình diễn ra rất chậm và có dấu hiệu làm sai lệch sự việc. Pháp luật của ta đòi hỏi phải có bằng chứng trên thân thể trẻ… thì lấy đâu ra bằng chứng. Nhiều vụ việc có dấu hiệu chìm xuồng như vụ xâm hại tình dục ở Vũng Tàu, chỉ khi dư luận dậy sóng, đến Chủ tịch nước phải có ý kiến mới được lật lại… sự im lặng đáng sợ”.

Xin đừng thờ ơ

Thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), cho biết, mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.

Theo bà Lê Hoàng Yến, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định rõ về trách nhiệm của đơn vị trong việc bảo vệ trẻ em. Trong đó, có tới 15 cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm bảo vệ quyền của trẻ em. Tuy nhiên, thực tế, quyền của trẻ dường như vẫn “đứng ngoài lề” khi nhiều vụ việc dần rơi vào quên lãng.

Bức xúc trước vấn đề này, bà Vân Anh đã phải thốt lên: “1 trẻ có 15 cơ quan bảo vệ mà tại sao khi con bị xâm hại chúng ta không biết gọi đến đâu, có kêu gọi cũng không ai cứu giúp… Cá nhân tôi thấy điều đó thật mỉa mai, chúng ta cần 1-2 cơ quan thực sự làm. Đừng thờ ơ nhìn đứa trẻ lớn lên trong nỗi đau bị xâm hại”.

Bà Vân Anh cũng cho biết, ngay cả khi tiếp nhận điều tra các vụ việc về ấu dâm, cách tiếp cận, điều tra hay xét xử của những người thực hiện vẫn chưa có sự nhạy cảm giới, gây nên những tổn thương không đáng có đối với chính các nạn nhân bị xâm hại. “Tôi ao ước nếu có một tòa án dành riêng cho trẻ em thì sẽ tốt hơn rất là nhiều”, bà Vân Anh đề xuất.

Bà Vân Anh cho rằng, để chủ động phòng tránh những nguy cơ xâm hại cho con trẻ, trước tiên, ngành Giáo dục nên có chiến lược trong việc bảo vệ trẻ em và hướng dẫn những kỹ năng tự phòng vệ cho con trẻ. Góc độ gia đình tôi nghĩ các bậc cha mẹ cần có kiến thức để hướng dẫn con em của mình nhận biết, cảnh giác và tự phòng tránh. Bên cạnh đó, hệ thống thực thi pháp luật cũng phải thay đổi trên cơ sở bảo vệ quyền trẻ em.

Mời quý độc giả xem video những vụ trộm táo tợn (nguồn Youtube):

Theo Vũ Anh/Báo Giao Thông

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/thoi-su/15-co-quan-bao-ve-o-dau-khi-tre-bi-xam-hai-738618.html