14 quốc gia bày tỏ quan ngại báo cáo về nguồn gốc gây COVID-19 của WHO

Nhóm các quốc gia đứng đầu là Mỹ, Nhật Bản và Anh đã bày tỏ quan ngại về báo cáo nguồn gốc đại dịch COVID-19 của nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Giám đốc WHO đã kêu gọi một cuộc điều tra sâu hơn về khả năng dịch bệnh có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Một nhóm 14 quốc gia đã nêu quan ngại về báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19. Họ cho rằng, các nhà nghiên cứu đã chậm trễ trong việc công bố báo cáo cũng như các chuyên gia của WHO đã thiếu quyền truy cập vào các dữ liệu.

Phát biểu tại họp báo trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ) sau khi đọc báo cáo của nhóm chuyên gia quốc tế WHO trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) – nơi được cho là khởi nguồn của dịch bệnh COVID-19, Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "Theo những gì tôi đọc được từ báo cáo, mọi giả định đều là có thể... và sẽ cần nghiên cứu thêm" để đưa ra “kết luận chắc chắn hơn”.

Sau chuyến thăm kéo dài 4 tuần của nhóm 17 chuyên gia quốc tế của WHO đã kết luận trong báo cáo rằng giả định virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”. Đây là cáo buộc được Mỹ đề cập lần đầu tiên vào năm ngoái, tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc này.

Ông Peter Ben Embarek, trưởng nhóm nghiên cứu của WHO tại Trung Quốc

Ông Peter Ben Embarek, trưởng nhóm nghiên cứu của WHO tại Trung Quốc

Báo cáo về nguồn gốc COVID-19 của nhóm chuyên gia WHO cho rằng dịch COVID-19 rất có thể được lây truyền từ dơi sang người thông qua một loài động vật trung gian khác. Các chuyên gia cũng kết luận dường như "không có ổ dịch bất thường nào" trong các trường hợp viêm phổi trong những tuần và tháng trước khi dịch bệnh bùng phát.

Cuối ngày 30/3, các nước bao gồm Mỹ, Australia, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia và Israel cho biết trong một tuyên bố rằng các nước "hoàn toàn ủng hộ" những nỗ lực của WHO nhằm chấm dứt đại dịch, bao gồm cả việc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh cũng như cơ chế lây lan của đại dịch.

Tuy nhiên, các quốc gia cũng thống nhất rằng “điều cần thiết là thế giới cần phải nói lên mối quan tâm chung rằng nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đã bị trì hoãn đáng kể và các nhà nghiên cứu đã thiếu quyền truy cập đầy đủ vào dữ liệu”.

Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia và Vương quốc Anh là những quốc gia ký tuyên bố. Như vậy, có 14 quốc gia cùng ra tuyên bố chung về cuộc điều tra của WHO về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19.

Nhận định về báo cáo của các chuyên gia, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại họp báo: "Tôi không tin rằng đánh giá này là đủ rộng," .

Peter Ben Embarek, thành viên của phái đoàn Tổ chức Y tế Thế giới được giao nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, tham dự cuộc họp báo công bố nghiên cứu chung giữa WHO và Trung Quốc tại Vũ Hán, Trung Quốc

“Mặc dù nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng rò rỉ trong phòng thí nghiệm là giả thuyết ít có khả năng xảy ra nhất, nhưng điều này đòi hỏi phải điều tra thêm, cần phải có thêm các nhiệm vụ bổ sung liên quan với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu sâu. Đây là vấn đề tôi sẵn sàng triển khai” , ông Tedros nói thêm.

Trước những động thái này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng Bắc Kinh đã cung cấp đầy đủ “sự cởi mở, minh bạch và thái độ có trách nhiệm của mình” cho nhóm chuyên gia của WHO.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố cho biết: “Chính trị hóa vấn đề này sẽ chỉ cản trở sự hợp tác toàn cầu trong nghiên cứu nguồn gốc dịch bệnh, gây nguy hại cho hợp tác ứng phó với đại dịch”.

Liên minh châu Âu (EU) gọi báo cáo của WHO là “bước khởi đầu tốt đẹp” đồng thời nhấn mạnh “sự cần thiết phải nghiên cứu thêm”. EU kêu gọi “các cơ quan có liên quan” hỗ trợ hợp tác trong nghiên cứu, điều tra nguồn gốc bệnh, nhưng không hề nhắc tới Trung Quốc.

Thảo luận về những phát hiện nhóm nghiên cứu, ông Peter Ben Embarek, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tới Trung Quốc, cho biết báo cáo “không phải là một sản phẩm tĩnh, mà là một sản phẩm động”, đồng thời nói thêm rằng sẽ có những phân tích mới.

Ông Embarek cho biết, cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy một trong những phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, một cơ sở virus học nào, có thể liên quan đến một vụ rò rỉ sinh học.

Tuy nhiên ông này cũng nói thêm là “Không phải là không thể,”. Dẫn chứng trên thực tế, trong quá khứ đã từng xảy ra các vụ tai nạn trong các phòng thí nghiệm. Ông Embarek nói: “Chúng tôi không nghe hay thấy bất cứ điều gì có thể đưa ra một kết luận khác”.

Phái đoàn của WHO không thể đưa ra kết luận virus lây lan đầu tiên ở người nào, ở đâu hoặc như thế nào.

Ông Embarek chia sẻ, các thành viên trong nhóm đã phải đối mặt với áp lực chính trị từ "tất cả các bên", nhưng khẳng định: "Chúng tôi không bao giờ bị áp lực phải loại bỏ các yếu tố quan trọng trong báo cáo của mình."

Hải Yến

(Theo Al Jazeera)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/14-quoc-gia-bay-to-quan-ngai-bao-cao-ve-nguon-goc-gay-covid-19-cua-who-n189150.html