14 dự án giao thông sẽ nhận 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ bố trí 7.000 tỷ đồng cho 4 dự án đường sắt và 8.000 tỷ đồng cho 10 dự án đường bộ từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.

Nhiều công trình hạ tầng đường sắt sẽ được nhận vốn dự phòng đầu tư công trung hạn.

Nhiều công trình hạ tầng đường sắt sẽ được nhận vốn dự phòng đầu tư công trung hạn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 556/NQ – UBTVQH14 thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách.

Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý bố trí 7.000 tỷ đồng cho 4 dự án đường sắt; 8.000 tỷ đồng cho 10 dự án đường bộ.

Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn, tổ chức triển khai các dự án đúng trình tự, thủ tục, hiệu quả đầu tư.

(1) Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM: đề nghị bố trí 1.950 tỷ đồng để thay thế khoảng 111/522 cầu cầu yếu nhằm đảm bảo ATGT và từng bước đồng nhất tải trọng 4,2 T/m trên toàn tuyến, đồng thời kết hợp cải tạo kiến trúc tầng trên một số đoạn đường hai đầu cầu.

(2) Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang: đề nghị bố trí 1.800 tỷ đồng để gia cố 11/22 hầm yếu để đảm bảo an toàn chạy tàu, xóa bỏ các điểm hạn chế tốc độ; đồng thời kết hợp mở mới các ga; cải tạo kiến trúc tầng trên một số đoạn; xử lý một số điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có nguy cơ mất ATGT cao.

(3) Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh: đề nghị bố trí 1.400 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo nền đường cũ; kéo dài đường ga, đặt thêm đường số 3 với ga chỉ có 2 đường, mở thêm một số ga mới để tăng năng lực thông qua; cải tạo các đoạn có bán kính đường cong nhỏ kết hợp xử lý đồng bộ trắc dọc, nền đường và kiến trúc tầng trên; xử lý một số điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có nguy cơ mất ATGT cao trên đoạn Hà Nội - Vinh.

(4) Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn: đề nghị bố trí 1.850 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo nền đường cũ; kéo dài đường ga, đặt thêm đường số 3 với ga chỉ có 2 đường, mở thêm một số ga mới để tăng năng lực thông qua; cải tạo các đoạn có bán kính đường cong nhỏ kết hợp xử lý đồng bộ trắc dọc, nền đường và kiến trúc tầng trên; xử lý một số điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có nguy cơ mất ATGT cao trên đoạn Nha Trang - Sài Gòn.

Được biết, việc thực hiện 4 dự án đường sắt cấp thiết này về cơ bản sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các cầu, hầm yếu; từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến (từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m); giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm; khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5-1,6 lần; tốc độ tàu khách tăng lên bình quân trên 80Km/h, tàu hàng là 50Km/h trên trục đường sắt Bắc - Nam.

Chính phủ cũng kiến nghị bố trí 8.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho 10 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách, gồm:

(1) Đường nối quốc lộ 4C và 4D (Km238 - Km414, đèo Tây Côn Lĩnh Km339 - Km368): Kiến nghị bố trí 430 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để thi công hoàn thiện trong khoảng 24 km các đoạn xung yếu nhất, đang thi công dở dang để có thể khai thác tương đối hoàn chỉnh tuyến đường; còn lại 20 km điều kiện thi công có nhiều khó khăn (đoạn qua đèo Tây Côn Lĩnh) sẽ được triển khai sau, khi cân đối được nguồn vốn.

(2) Quốc lộ 3B (Km0 - Km66+600): Kiến nghị bố trí 755 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để hoàn thiện khoảng 18,6 km các đoạn xung yếu nhất như: hoàn thiện tuyến tránh thị trấn Yến Lạc; 34,9 km đoạn Km18+600 - Km53+500... Còn lại 9,6 km đoạn từ Km57 - Km66+600 sẽ được đầu tư sau.

(3) Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Kiến nghị bố trí 1.397 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để: (1) ưu tiên bố trí vốn để đầu tư hoàn thành đưa dự án vào khai thác; (2) phần còn lại sẽ hoàn trả phần vốn 2 địa phương đã ứng vốn. Đối với phần vốn còn thiếu so với nhu cầu, trước mắt đề nghị 2 tỉnh Hà Nam và Hưng Yên ứng trước vốn để triển khai hoàn thành dự án theo cơ chế thực hiện dự án; đồng thời đề nghị bổ sung nguồn vốn để hoàn trả cho 2 Tỉnh sau.

(4) Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 24: Đề nghị bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để đầu tư các đoạn xung yếu nhất, gồm:

+ Đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi: Bố trí 160 tỷ đồng để đầu tư hoàn thành đoạn từ Km8+000 – Km32+000.

+ Đoạn qua tỉnh Kon Tum: Bố trí 840 tỷ đồng để triển khai các đoạn tuyến cấp bách, gồm: Đoạn qua thành phố Kon Tum từ Km156+800 - Km165 (đầu tư đoạn Km160+500 – Km163 (làn trái) và 1/2 cầu Đăk Rê (Km160+634), đoạn vuốt nối nhánh phải Km156+800 – Km157+200), Đoạn qua xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy (đầu tư các đoạn còn lại Km130-Km135 và Km137-Km139+540), Đoạn qua trung tâm huyện Kon Plông từ Km111 - Km118+250 (đầu tư đoạn từ Km111 – Km113 và cầu Nước Long Km111+222), Đoạn qua xã Pờ Ê, xã Hiếu, huyện Kon Plong từ Km82 - Km111.

(5) Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25: Đề nghị bố trí 850 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để đầu tư các đoạn xung yếu nhất, như: một số đoạn qua thành phố, thị trấn đông dân cư thuộc tỉnh Phú Yên, Gia Lai; triển khai một số đoạn dở dang trong lý trình Km21+600 - Km99+432 và Km113 - Km123; sửa chữa sụt trượt đoạn từ cầu Lệ Bắc - Đèo Tô Na để đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác; đầu tư đoạn nối thị xã Ayun Pa đến thị trấn Phú Thiện...

(6) Quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương: Kiến nghị bố trí 193 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để hoàn thành dứt điểm, sớm đưa dự án vào khai thác, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, tránh lãng phí phần vốn đã đầu tư (số vốn còn thiếu theo TMĐT dự án cập nhật lại tại thời điểm hiện tại do Dự án đã phê duyệt từ năm 2008).

(7) Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn, tỉnh Trà Vinh: Kiến nghị bố trí 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để trước mắt đầu tư đoạn Trà Vinh - Long Toàn. Đoạn tuyến tránh sẽ được đầu tư sau, khi cân đối được nguồn vốn.

(8) Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long: Kiến nghị bố trí 875 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để thực hiện đầu tư dự án.

(9) Cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp: Kiến nghị bố trí 900 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để cải tạo, nâng cấp phần mặt đường và một số công trình trên tuyến nhằm đảm bảo an toàn giao thông, êm thuận, thông suốt.

(10) Nâng cấp quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp: Kiến nghị bố trí 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để đầu tư hoàn thiện đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự. Riêng phần tuyến tránh Cao Lãnh sẽ triển khai khi cân đối được nguồn vốn.

Theo UBTVQH, đây đều là những dự án nằm trên tuyến có tính kết nối, lan tỏa vùng miền, có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; kết nối các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp... bị xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn giao thông cao, không đáp ứng được nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế xã hội; ưu tiên khu vực miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các cùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các dự án đang triển khai dở dang hoặc dự án đình hoãn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ nhưng không thể chuyển đổi sang hình thức đầu tư BOT.

Mức vốn bố trí cho từng dự án đủ để hoàn thành dứt điểm các hạng mục, công trình đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư và không vượt quá số vốn còn lại tổng mức đầu tư cập nhật.

Anh Minh

Theo Đầu tư

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/14-du-an-giao-thong-se-nhan-15000-ty-dong-von-dau-tu-cong-20180504224210879.htm