14 đội thi tranh tài tại Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV
Sáng 8.11, tại Hà Nội, hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023 (9.11), Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Vòng thi toàn quốc, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.
Tham dự Lễ Khai mạc hội thi có: Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Trưởng ban tổ chức Hội thi Nguyễn Thanh Tịnh; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Phó Trưởng ban tổ chức Hội thi Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương Nguyễn Thị Minh Hương; Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương Đoàn Thị Tuyết Nhung.
Về phía địa phương có, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang.
Hòa giải ở cơ sở - kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật
Theo Ban tổ chức, Hội thi được tổ chức thành 2 vòng thi, gồm: Vòng thi khu vực và Vòng thi toàn quốc. Vòng thi khu vực theo ba miền đã được tổ chức thành công. Trong đó, Vòng thi khu vực miền Bắc diễn ra ngày 14 - 15.9, tại TP. Hải Phòng; Vòng thi khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa, ngày 21 - 22.9; Vòng thi khu vực miền Nam được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh vào ngày 13 -14.10. Từ kết quả các đội đạt giải Nhất, Nhì, Ba của Vòng thi khu vực, Ban Tổ chức Hội thi đã lựa chọn 14 đội thi xuất sắc tham dự Vòng thi toàn quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, gồm các tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được sự thỏa thuận, tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa hết sức thiết thực trong đời sống, xã hội. Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc hội thi
“Với phương châm giải quyết “thấu tình, đạt lý”, hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. Để những giá trị tốt đẹp của hòa giải ở cơ sở thực sự đi vào cuộc sống, chắc chắn phải nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực, đóng góp trực tiếp của đội ngũ Hòa giải viên”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
Tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Nhằm thực hiện chính sách khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bằng phương thức hòa giải ở cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, cần phải tiếp tục đổi mới và phát huy hiệu quả công tác này, gắn với việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở và nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Trưởng ban tổ chức Hội thi Nguyễn Thanh Tịnh; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Phó Trưởng ban tổ chức Hội thi Trương Thị Ngọc Ánh tặng hoa cho các đội thi
Để Hội thi được tổ chức thành công, Thứ trưởng đề nghị mỗi Đội thi thực hiện thật tốt phần thi của mình, thể hiện sự tinh thông kiến thức pháp luật và sử dụng nhuần nhuyễn kỹ năng hòa giải, dân vận khéo trong hóa giải những tình huống mâu thuẫn, tranh chấp trong cuộc sống. Đây chính là sự cổ vũ, động viên cho những đóng góp, cống hiến của đội ngũ hòa giải viên trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng quê hương yên bình, đất nước giàu đẹp.
Đánh giá về ý nghĩa của Hội thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận định, Hội thi là hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Việt Nam năm 2023, ngày hội tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giá trị pháp quyền của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những người làm pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu
Hiện nay, TP. Hà Nội có gần 5 nghìn tổ hòa giải với gần 32 nghìn hòa giải viên. Hoạt động hòa giải nhận được sự tham gia tích cực, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Trong 10 năm qua, các hòa giải viên của Hà Nội đã giải quyết được nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn… góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, duy trì trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sự bình yên cho người dân Thủ đô…”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn chia sẻ.

Phần thi của đội Thanh Hóa tại Vòng thi toàn quốc