139 tổ chức, cá nhân bị xử phạt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đá

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra khoáng sản, năm 2017, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã thực hiện 34 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 237 tổ chức về công tác quản lý, khai thác, sử dụng đá làm vật liệu xây dựng.

Phạt hành chính 3,802 tỷ đồng đối với 139 tổ chức, cá nhân vi phạm

Qua kiểm tra, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã phát hiện 139 tổ chức, cá nhân vi phạm (chiếm 58,65% số tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra) với những hành vi: Khai thác khoáng sản không có giấy phép; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc cắm mốc đúng quy cách theo quy định tại các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản; lập bản vẽ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng không đúng hoặc không quản lý, lưu trữ bản vẽ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng theo quy định; không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định; không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh...

Việc khai thác sâu quá chỉ giới cho phép đã tạo thành những hồ nước khổng lồ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. ảnh (hanoimoi.com.vn)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 139 tổ chức, với số tiền 3,802 tỷ đồng.

Sẽ xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Ngày 11/1, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở NN-PTNT, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng UBND H.Châu Đức họp bàn giải pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước đó, ngày 5 /1 một số cơ quan báo chí đã phản ảnh tình trạng các cơ sở nuôi gia súc, gia cầm dọc các con suối trên địa bàn H.Châu Đức xả nước thải, phân, sau đó chảy ra hồ Đá Đen, nơi cung cấp nước cho khoảng 1 triệu người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tiệp nhận được thông tin này, UBND xã Xà Bang cùng các hộ chăn nuôi dọc suối Liên Hiệp tổ chức dọn dẹp, bơm, hút, thu gom phân và nước thải dưới suối để xử lý.

UBND xã Xà Bang cùng các hộ chăn nuôi dọc suối Liên Hiệp tổ chức dọn dẹp, bơm, hút, thu gom phân và nước thải dưới suối để xử lý.

Tiếp đó, ngày 11/1, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở NN-PTNT, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng UBND H.Châu Đức họp bàn giải pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có nguy cơ xả thải vào hệ thống suối chảy về hồ Đá Đen.

Tại cuộc họp, UBND H.Châu Đức kiến nghị Sở NN-PTNT sớm đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi, xây dựng phương án di dời các cơ sở chăn nuôi không đúng quy hoạch, đồng thời cũng kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp các sở, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lưu vực suối chảy về hồ Đá Đen; hỗ trợ UBND H.Châu Đức lấy mẫu phân tích nước thải đối với các trường hợp chăn nuôi xả thải trực tiếp ra suối để làm cơ sở xử lý nghiêm những ai vi phạm.

Báo cáo Chính phủ vụ nước sông Đáy tại Hà Nam nổi bọt như xà phòng

Theo phản ảnh, hơn nửa tháng nay, sông Châu Giang, đoạn chảy qua khu vực trạm bơm Chợ Lương (xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) bị biến thành “sông tuyết”, kéo theo mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân địa phương bức xúc mà không biết kêu ai.

Trao đổi với Phóng viên ông Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch UBND xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết, tối ngày 31/12, trạm bơm chợ Lương đi vào hoạt động, bơm nước vào cánh đồng xã Yên Bắc phục vụ nhân dân trong vùng sản xuất. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau 1/1/2018, đoạn sông Châu Giang (gần trạm bơm) xuất hiện lớp bọt trắng xóa, kèm theo đó là mùi hôi thối bốc lên.

“Dòng sông Châu Giang bị ô nhiễm nên khi trạm bơm chợ Lương bơm nước đổ vào cánh đồng đã tạo ra lớp bọt trắng xóa nêu trên. Một năm phải có ít nhất 2-3 lần xuất hiện hiện tượng bọt trắng xóa trên sông Châu Giang”, ông Tình nói.

Theo vị này, dòng sông Châu Giang bị ô nhiễm từ nhiều năm nay, ngày thường nước sông chuyển màu đen quánh, bốc mùi hôi rất khó chịu. Một phần nguyên nhân của việc dòng sông bị ô nhiễm là do dòng nước bẩn từ sông Tô Lịch (Hà Nội) chảy qua sông Nhuệ và đổ dồn ra sông Châu Giang

"Sông tuyết" ở Hà Nam bốc mùi hôi thối, ô nhiễm. ảnh (Anninhthudo.vn)

Ngày 10-1, UBND tỉnh Hà Nam đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước. Theo đó, hàm lượng amoni tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có nơi vượt quá tới 96 lần cho phép, riêng khu vực được ví là “sông tuyết”, đoạn chảy qua trạm thủy lợi Chợ Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam cũng vượt trên 70,3 lần cho phép.

Nồng độ oxy hòa tan có nơi nhỏ hơn 2,5 lần, có nơi nhỏ hơn 1,6 lần giới hạn cho phép. Nước sông bị ô nhiễm ở cấp độ rất nghiêm trọng nên UBND tỉnh Hà Nam đã đề nghị tạm dừng bơm nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân của bà con nông dân và kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương có giải pháp hỗ trợ khắc phục.

PV (Tổng Hợp)

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/139-to-chuc-ca-nhan-bi-xu-phat-trong-linh-vuc-khai-thac-khoang-san-da-post9912.html