13 năm cùng 'phòng khám di động'

Anh Võ Trương Như Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật cao răng hàm mặt, Trưởng bộ môn răng trẻ em - Viện đào tạo Răng Hàm Mặt (Đại học Y- Hà Nội), người 13 năm cùng 'phòng khám di động' đến bản, làng khám, chữa bệnh cho bà con nghèo.

Bác sĩ Võ Trương Như Ngọc khám bệnh cho trẻ em tại Quảng Ngãi. Ảnh: Lan Hà

Bác sĩ Võ Trương Như Ngọc khám bệnh cho trẻ em tại Quảng Ngãi. Ảnh: Lan Hà

Càng đi càng thấy trách nhiệm với cộng đồng

Công việc giảng dạy, làm việc tại phòng khám bận rộn, nhưng anh vẫn nhiệt huyết với hoạt động khám chữa bệnh cho người nghèo?

Bác sĩ Võ Trương Như Ngọc

Hoạt động tình nguyện đối với tôi có một sức hút và đam mê. Từ năm 2000 tôi bắt đầu tham gia các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Cuối tuần là chúng tôi đi, có khi hai tuần một lần, có khi một tuần một lần.

Thời đó còn đang là bác sỹ nội trú, tôi chỉ đi được những vùng lân cận hoặc trong nội thành Hà Nội, khám, chữa bệnh, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trung tâm bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi…Cảm xúc lần đầu khám chữa bệnh rất vui, tôi thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa và được mọi người đón chờ.

Năm 2004, tốt nghiệp bác sỹ nội trú được giữ lại trường, tôi vẫn tiếp tục hoạt động đến với bà con vùng sâu vùng xa, tuy nhiên mật độ chuyến đi không được dày như trước. Bằng hình thức này hay hình thức khác, lúc trực tiếp, lúc gián tiếp làm công tác tổ chức, xin tài trợ…tôi vẫn hướng tới với bà con nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Đi qua nhiều tỉnh thành, tiếp xúc với nhiều bà con nghèo, điều gì đọng lại trong anh?

Tôi không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu tỉnh, thành. Khi ở Hà Giang địa đầu Tổ quốc, khi ở Quảng Ngãi, khám chữa bệnh cho bà con nghèo huyện Đức Phổ, khi lại ngược đường lên Điện Biên, Sơn La, rồi Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Phòng, Hưng Yên…có khi lại xuôi về Nghệ An, Hà Tĩnh, rồi lúc lại ra tận đảo xa như Bạch Long Vỹ…

Càng đi tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng. Đời sống của bà con những vùng đất tôi đi qua đều khó khăn, y tế thiếu thốn, họ mắc nhiều bệnh đơn giản nhưng vì không có điều kiện khám chữa mà bệnh ngày thêm nặng.

Càng tiếp cận với bà con, tôi càng có thêm động lực, thôi thúc mình cần tranh thủ thời gian để đi, dùng khả năng của mình và bạn bè để giúp bà con.

Có thể tôi không thay đổi được ngay tình trạng bệnh tật của họ, nhưng việc tuyên truyền về cách phòng chống bệnh rất quan trọng và những đợt tư vấn, phát thuốc sẽ giúp người dân hiểu, biết cách chăm sóc sức khỏe của mình hơn.

Hành trang mang theo cùng anh và nhóm tình nguyện thường là phòng khám di động đa năng?

Mỗi chuyến đi, tôi và các thành viên trong đoàn, được sự hỗ trợ của nhà trường, phải chuẩn bị đầy đủ những trang thiết bị cần thiết, thuốc men, đồ đạc như một “phòng khám di động”. Ấn tượng nhất với tôi là chuyến đi ở các vùng miền núi cao như Niêm Sơn, Xỉn Cái - Mèo Vạc (Hà Giang). Có nhiều người phải đi bộ vài chục cây số mới đến nơi có đoàn bác sỹ khám.

Gặp bác sỹ họ mừng rỡ và trân trọng lắm, bà con mang theo con cá, con gà, có người tay xách nải chuối, mớ rau…để cảm ơn tấm chân tình của các bác sỹ. Có người đi xa đến, mệt quá huyết áp tăng cao, mặc dù đoàn đi số lượng bác sỹ có hạn chế nhưng nhiều lúc chúng tôi phải chia nhỏ đoàn để đến tận nhà khám cho các bà con không thể đi lại được hoặc ban tổ chức có người đến đón những người dân tình trạng sức khỏe không tốt, không có điều kiện để đi.

Nghiên cứu cho một nụ cười đẹp

Nghe kể anh theo học ngành Y chỉ bởi hồi nhỏ hay đau ốm và rất ngưỡng mộ bác sỹ?

“Càng tiếp cận với bà con, tôi càng có thêm động lực, thôi thúc mình cần tranh thủ thời gian để đi, dùng khả năng của mình và bạn bè để giúp bà con. Có thể tôi không thay đổi được ngay tình trạng bệnh tật của họ, nhưng việc tuyên truyền về cách phòng chống bệnh rất quan trọng và những đợt tư vấn, phát thuốc sẽ giúp người dân hiểu, biết cách chăm sóc sức khỏe của mình hơn”- Bác sỹ Võ Trương Như Ngọc

Thời học sinh hay ốm đau, tôi thường phải đi viện, được các bác sỹ ở huyện, tỉnh tận tình chăm sóc, tôi có cảm tình, hay trò chuyện và rồi thầm ngưỡng mộ các anh, chị. Tôi quyết định sẽ thi Đại học Y, dù khi đó tôi đang ôn thi đại học khối C. May mắn là tôi đã theo đuổi được mong muốn và có cơ hội thực hiện mong muốn được trở thành bác sỹ giống những anh, chị tôi từng thần tượng.

Tôi sinh năm 1977, quê ở vùng đất nghèo Phù Mỹ, Bình Định, nơi thường xuyên phải đối mặt với bão lũ, người dân vẫn còn chưa thoát nghèo. Nhà có 6 chị em, tôi là con thứ hai và cũng là người duy nhất trong nhà theo nghề y nhưng chưa một lần khám cho người thân, bố mẹ, anh em ốm đau, tôi chỉ nhờ đồng nghiệp ở quê mà không thể về.

Công việc của anh hiện tại thế nào, anh vẫn ấp ủ nghiên cứu về nụ cười Việt đúng không?

Tôi hiện là giảng viên, một bác sỹ chuyên ngành Răng Hàm Mặt. Tôi muốn đào tạo, xây dựng được một thế hệ bác sỹ trẻ vừa có năng lực vừa có tấm lòng nhiệt huyết với cộng đồng, biết chia sẻ với mọi người xung quanh.

Tôi tiếp tục theo đuổi những công trình nghiên cứu cơ bản về nhân trắc sọ mặt để tìm ra các hằng số sinh lý sọ-mặt của người Việt Nam để ứng dụng trong các lĩnh vực cần thiết cũng như là xây dựng tiêu chuẩn đánh giá khuôn mặt, như thế nào là một khuôn mặt đẹp, như thế nào là một nụ cười đẹp. Bên cạnh đó, tôi muốn nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để phát hiện chẩn đoán sớm các bệnh thông thường như sâu răng trong cộng đồng, giúp bà con có thể điều trị bệnh sớm nhất có thể với một chi phí thấp nhất, không để tình trạng bệnh nặng rồi mới đi chữa.

Năm 2014 được T.Ư Đoàn chọn chủ đề Năm Thanh niên tình nguyện, anh sẽ đẩy mạnh hoạt động thiện nguyện, khám chữa bệnh cho người dân thế nào?

Chúng tôi vẫn tiếp tục lên kế hoạch đi đến với những nơi bà con mong chờ được khám, chữa bệnh, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa. Năm tình nguyện, tinh thần tình nguyện trong tôi càng lên cao hơn.

Cảm ơn anh!

Hải Yến

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/13-nam-cung-phong-kham-di-dong-672400.tpo