13 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đang ngồi trên lửa

58 container của 13 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam mắc kẹt cảng Nepal đã ba tháng nay.

Ảnh minh họa.

Ngày 25/3/2020, Chính phủ Nepal ra lệnh cấm nhập khẩu 5 mặt hàng, trong đó có hạt tiêu. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 6/4/2020 và không áp dụng cho LC mở trước ngày 29/3/2020.

Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hiện có 58 container của 13 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đang bị mắc kẹt ở cảng Birgunj-Nepal và cảng Kolkata - India, tổng trị giá trên 3 triệu USD.

Lệnh cấm không rõ ràng của Chính phủ Nepal

Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Chủ tịch VPA, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ XNK Trân Châu cho biết, theo nội dung lệnh cấm nhập khẩu thì tất cả những lô hàng của Việt Nam xuất đi Nepal trước ngày 29/3 sẽ được phép nhập khẩu vào cảng của Nepal.

Các nhà nhập khẩu ở Nepal cũng thông báo với các doanh nghiệp Việt Nam rằng “hàng xuất đi trước ngày 29/3 sẽ được thông quan bình thường”, nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cho các tàu chở hàng tiếp tục đi Nepal.

Tuy nhiên, khi hàng đến cảng chỉ có một số đại lý nhận được giấy phép nhập khẩu và được thông quan, một số khác không nhận được giấy phép nên hàng bị kẹt lại tại cảng.

Những lô hàng không nhận được giấy phép nhập khẩu đã bị ngân hàng từ chối thanh toán tiền cho doanh nghiệp Việt Nam, vì hầu hết các bộ chứng từ thanh toán đều phải qua ngân hàng. Vì vậy hơn 3 tháng qua có 58 container tiêu của doanh nghiệp Việt Nam kẹt tại cảng Nepal.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp chọn giải pháp kéo hàng về, và liên hệ với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên cho đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa được Chính phủ Nepal cho phép mang hàng về.

“Vào ngày 14/6, các nhà nhập khẩu ở Nepal có thông báo cho các doanh nghiệp Việt Nam là ngày 15/6 sẽ có thư xác nhận của Chính phủ Nepal giải quyết cho phép các doanh nghiệp Việt Nam kéo hàng về, nhưng đó chỉ là những trao đổi giữa doanh nghiệp hai bên chứ chưa có văn bản chính thức từ Chính phủ Nepal.

Các doanh nghiệp Việt Nam làm đúng theo những quy định của chính phủ nước sở tại, vì vậy trước sau gì họ cũng phải giải quyết cho kéo hàng về. Tuy nhiên, quyết định khá chậm chạp khiến cho các doanh nghiệp bị mất quá nhiều thời gian và tiền lưu container lưu cảng”, ông Hiên nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, khó chồng khó

Đại dịch Covid-19 tác động lớn lên hoạt động xuất khẩu hạt tiêu 6 tháng đầu năm 2020, và bây giờ là kẹt hàng tại Nepal.

Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm xuất khẩu được 166.812 tấn tiêu, đạt 356 triệu USD, giảm 5,7 về lượng và 21,1% về kim ngạch so với cùng kỳ 2019. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 2.201 USD/tấn giảm 259 USD, tiêu trắng đạt 3.192 USD/tấn tăng 122 USD so với 6 tháng đầu năm 2019.

Một doanh nghiệp có container (cont) bị kẹt cho biết, sau khi cont hàng đến cảng, hãng tàu sẽ cho nằm miễn phí từ 7-10 ngày, sau đó áp dụng tính phí theo tariff.

Cụ thể, phí lưu cont, lưu bãi cho cont 40 feet là 70 USD/cont/ngày cho tuần đầu, tuần thứ 2 là 100 USD/cont/ngày, từ tuần thứ 3 trở đi là 170 USD/cont/ngày. Như cách tính ở trên, với thời gian lưu bãi khoảng trên 3 tháng thì số tiền phải trả cho 1 cont 40 feet là khoảng 16.000-17.000 USD.

Biết được những khó khăn trên của các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam, ngày 26/6/2020, IPC kết hợp với VPA, gửi văn bản tới các hãng tàu đề nghị hỗ trợ giảm tối đa tiền phí lưu cont, lưu bãi giúp các doanh nghiệp, nhưng đến nay các hãng tàu vẫn chưa có phản hồi, khiến các doanh nghiệp thêm lo lắng cho rằng các hãng tàu không hỗ trợ.

Một doanh nhân khác cho biết thêm “Tại thời điểm chúng tôi book tàu, hãng tàu chào giá trong trường hợp doanh nghiệp mua thêm phí lưu cont, lưu bãi tại cảng Birgunj-Nepal sẽ tính 70 USD/cont/7 ngày. Như thế tính ra chi phí khoảng 10 USD/ngày và với mức giá này thì hãng tàu vẫn có lợi nhuận. Nay, vì lệnh cấm bất khả kháng của Chính phủ Nepal, họ biết chúng tôi gặp vô vàn khó khăn mà vẫn áp thu phí tới 170 USD/ngày. Theo tôi hãng tàu phải giảm đến 95% phí lưu cont thì mới hợp lý, vì với mức giảm đó hãng tàu cũng không bị thiệt hại gì”.

Trong những năm gần đây Nepal là thị trường xuất khẩu chủ lực của hồ tiêu Việt Nam. Sau khi đến Nepal, phần lớn lượng hàng này được trung chuyển sang thị trường Ấn Độ, chỉ để lại một số rất ít sử dụng nội địa.

Theo số liệu của VPA, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Nepal trong tháng 1/2020 đạt 613 tấn, tháng 2 đạt 1.532 tấn, tháng 3 đạt 1.627 tấn, tháng 4 đạt 54 tấn, tháng 5 và 6 do Nepal cấm nhập khẩu hồ tiêu nên không có số liệu. Cộng dồn 4 tháng đạt 3.862 tấn.

“Chỉ trong tháng 3 ra mà các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam kẹt đến 1.000 tấn tiêu tại Nepal. Đây là số lượng không hề nhỏ. Qua đó cho thấy thị trường Nepal có ý nghĩa như thế nào đối với ngành hồ tiêu Việt Nam”, ông Hiên nhìn nhận.

QUANG TRÍ

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//thoi-su/13-doanh-nghiep-xuat-khau-ho-tieu-dang-ngoi-tren-lua-3548334.html