13 cọc nghi liên quan chiến thắng Bạch Đằng: Chiến trận lớn

Sẽ còn rất nhiều bãi cọc tại Thủy Nguyên cho thấy quy mô trận chiến rất lớn...

UBND TP Hải Phòng đã quyết định khai quật khẩn cấp khu vực phát lộ 13 cọc gỗ được cho là liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288 tại huyện Thủy Nguyên.

Thời gian khai quật dự kiến kéo dài từ nay đến hết tháng 3, trên diện tích 400m2. Khu vực phát hiện bãi cọc gỗ nằm ở ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc.

Khu vực phát lộ bãi cọc mới liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng (khu vực khoanh tròn). Ảnh: VTV

Khu vực phát lộ bãi cọc mới liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng (khu vực khoanh tròn). Ảnh: VTV

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Gia Đối - quyền Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết, ngày 12/2/2020, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam đã có mặt tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) tiến hành khảo sát sơ bộ khu vực phát hiện 13 bãi cọc gỗ nghi liên quan tới trận chiến Bạch Đằng năm 1288.

Đến ngày 19/2, đoàn khảo sát của Viện tiếp tục về làm việc tại địa phương này.

Ông Đối cho biết, dựa trên những dấu tích được phát hiện các nhà khoa học cần thêm nhiều thời gian khảo sát, tổ chức khai quật, sau đó mới tổ chức hội thảo để thông tin cụ thể hơn.

"Hiện chưa thể khẳng định gì về bãi cọc này cũng như giá trị của bãi cọc trong việc nghiên cứu lịch sử về trận chiến Bạch Đằng năm 1288.

Tuy nhiên, theo nhận định đây chỉ là một trong số nhiều các bãi cọc khác nằm trong khu vực Thủy Nguyên (Hải Phòng), theo dự đoán có thể còn nhiều bãi cọc nằm rải rác trên quy mô rất rộng tại địa phương này", ông Đối nói.

Nhận định của ông Đối phù hợp với thực tế phát lộ trước đó, khi một bãi cọc 27 chiếc đã được phát hiện ngày 27/11/2019.

Thời điểm đó, Viện Khảo cổ học cũng phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng đã tiến hành khai quật bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. 27 chiếc cọc gỗ có niên đại hàng nghìn năm tuổi đã xuất lộ trên diện tích khoảng 1.000 m2 tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ tại xã Liên Khê.

"Quy mô chiến trận có thể bao gồm từ Hải Phòng tới Quảng Ninh và Hải Dương. Chiến trận rất rộng", ông Đối nói thêm.

Lại phát lộ 13 cọc nghi liên quan chiến thắng Bạch Đằng

Trao đổi thêm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết chưa quan sát bãi cọc mới nên chưa thể đưa ra đánh giá.

Tuy nhiên, về bãi cọc 27 chiếc được phát lộ trước đó, GS Nguyễn Quang Ngọc nhận định rằng, có nhiều cơ sở để khẳng định bãi cọc Cao Quỳ liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Đây là chiến công dân tộc mang tầm vóc thời đại.

Theo GS. Ngọc, bãi cọc Cao Quỳ nằm đối diện với Hang Son và Thiên Long Biển. Hai địa danh này là căn cứ hậu cần, đại bản doanh của nhà Trần. “Tất cả các di tích liên quan mật thiết với nhau”, ông nói.

Từ đó, ông cho rằng Thủy Nguyên chính là vùng trung tâm chuẩn bị cho chiến trường nên cần sớm công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/13-coc-nghi-lien-quan-chien-thang-bach-dang-chien-tran-lon-3397223/