12 tỉnh thành đã công bố dịch tả lợn châu Phi

Hai tỉnh là Ninh Bình, Nam Định công bố phát hiện dịch tả lợn châu Phi mới nhất (ngày 10/3), đã nâng số địa phương ghi nhận dịch bệnh này lên 12 tỉnh, thành.

Hàng chục nghìn con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi đã bị thiêu hủy, tại 12 tỉnh thành trên cả nước.

Hàng chục nghìn con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi đã bị thiêu hủy, tại 12 tỉnh thành trên cả nước.

Tại Nam Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho biết, Chi cục Thú y tỉnh Nam Định, đã phối hợp tiêu hủy 80 con heo tại trang trại nhà ông Phạm Văn Kiên (xóm 9, xã Trực Thắng), phun tiêu độc, rắc vôi bột khử trùng toàn bộ trang trại và những nơi có nguy cơ lây lan cao; đồng thời, lập 3 chốt kiểm dịch tại xã Trực Thắng, hoạt động 24/24 giờ.

Hiện toàn tỉnh Nam Định có 756.600 con heo, trong đó xã Trực Thắng có 7.600 con với khoảng 900 hộ nuôi.

Tại tỉnh Quảng Ninh, các lực lượng chức năng đã tiến hành khoanh vùng diện rộng, phun khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Làn (ngụ thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều) và tiêu hủy toàn bộ 14 con heo mắc bệnh.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, tính đến ngày 10/3 đã có 234 hộ phát sinh dịch bệnh. Tổng số heo bắt buộc phải tiêu hủy là 3.511 con. Dịch tả heo châu Phi đã phát sinh thêm tại 24 hộ ở 9 xã thuộc 2 huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng hôm 9/3.

Còn tại tỉnh Hải Dương, sáng 10/3, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ninh Giang xác nhận mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại xã Nghĩa An hôm 9/3 cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi.

Thái Bình kiểm soát chặt chẽ dịch tả lợn châu Phi (Ảnh: gdtd.vn)

Tại Thái Bình, một trong 2 địa phương phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh triển khai tới tất cả các huyện, xã trong tỉnh lập các chốt chặn kiểm dịch động vật trực 24/24 giờ, nhằm đảm bảo hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan.

Ngày 19/2, tỉnh Hưng Yên và Thái Bình là hai địa phương đầu tiên công bố phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, gần 300 con lợn bị tiêu hủy. Đến ngày 3/3, dịch lan rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh và lan nhanh đến các địa phương.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.

Tại Việt Nam, sau gần 3 tuần phát hiện ổ dịch đầu tiên (ngày 19/2), đến nay dịch tả lợn châu Phi đã lan tới 12 địa phương gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ninh Bình và Nam Định.

Bệnh dịch lợn tả châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Lợn bị bệnh có biểu hiện là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết đồng loạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Hiện nay, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% vì chưa có thuốc chữa.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/12-tinh-thanh-da-cong-bo-dich-ta-lon-chau-phi-3986834-v.html