12 năm sau sự cố tràn dầu Montara: Cuộc sống vẫn muôn vàn khó khăn

Sự cố tràn dầu ở biển Timor là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất của Australia đồng thời phá hủy sinh kế của hàng nghìn nông dân trồng rong biển.

Một phụ nữ bắt đầu thu hoạch rong biển ở biển Bali, Indonesia. Ảnh: Nyimas Laula / Reuters.

Một phụ nữ bắt đầu thu hoạch rong biển ở biển Bali, Indonesia. Ảnh: Nyimas Laula / Reuters.

Dầu tràn đến ‘không báo trước’

Vào một buổi sáng tháng 9/2009, dầu đã bất ngờ ở đó, bao phủ trang trại rong biển khiêm tốn của Daniel Sanda trên hòn đảo Rote của Indonesia: một màu sẫm đen trên mặt nước cùng những khối màu xám vàng như sáp trôi trên biển. Có tổng cộng 81 ngôi làng trên đảo Rote và xung quanh thành phố Kupang thuộcđảo Timor đã bị ảnh hưởng bởi vết dầu loang.

Chỉ trong vài ngày, toàn bộ số cây trồng mà gia đình anh phụ thuộc vào để kiếm sống đã chết. Cho đến hiện tại, chúng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Dầu đến rất nhanh, nhưng cuộc chiến giành công lý của Sanda lại diễn ra rất chậm.

Hơn một thập kỷ sau thảm họa tràn dầu, hàng nghìn nông dân cho biết họ chính là nạn nhân của một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất Australia và vẫn đang tìm kiếm sự thừa nhận và đền bù. Năm 2010, một cuộc điều tra của chính phủ Australia đã tuyên bố rằng sự cố tràn dầu ở mỏ Montara là do sự lơ là của công ty khai thác – “một tai nạn đang chờ xảy ra”.

Ủy ban phát hiện ra công ty con ở Australia thuộc công ty dầu mỏ Thái Lan PTTEP đã cẩu thả trong việc vận hành giếng dầu Montara, cách bờ biển Tây Australia khoảng 250 km, khiến dầu tràn ra biển vào tháng 8/2009. Hậu quả là vết dầu loang đã giết chết rong biển, phá hủy ngư trường và làm ô nhiễm vùng nước rộng hơn 90.000 km vuông – một khu vực còn rộng hơn cả Tasmania.

Vào tháng 3/2021, tòa án liên bang đã yêu cầu công ty công ty con của PTTEP tại Australia phải bồi thường thiệt hại cho Sanda hơn 25.000 USD. Nhưng cho đến nay anh vẫn chưa nhận được một khoản tiền nào. Ngay sau đó vào tháng 12, công ty này đã đệ đơn kháng cáo, cho rằng không có đủ bằng chứng về dầu Montara xuất hiện ở các khu vực ven biển Rote và Kupang ở Indonesia.

Dầu tràn ra từ giàn khoan Montara ở Biển Timor vào tháng 9/2009. Ảnh: Annabelle Sandes / AFP / Getty Images.

Kể từ năm 2016, Sanda là nguyên đơn chính của một vụ kiện tập thể, đại diện cho 15.483 nông dân trồng rong biển đang tìm kiếm sự đền bù cho những sinh kế và cơ hội mà họ đã bị dầu tràn cướp mất.

Ferdi Tanoni, chủ tịch của Tổ chức Chăm sóc Tây Timor, nói rằng người dân vẫn đang phải chịu đựng vô số thiệt hại, kể cả những hòn đảo xa xôi như Sabu, East Flores, Lembata và Sumba. Quyết định của tòa án liên bang trong trường hợp của Sanda chỉ giới hạn ở các khu vực như Rote và Kupang. PTTEP vẫn phủ nhận dầu tràn từ mỏ Montara đã lan sang Indonesia.

“Hơn 100.000 người dân đã bị ảnh hưởng. Ở một số nơi, số hoa màu thu được bây giờ chỉ bằng 10%, 15% những gì họ nhận được trước thảm họa. Có rất nhiều học sinh không thể đi học nữa vì không có tiền”, Tanoni chỉ rõ.

Rong biển xây nhà, chi trả hóa đơn

Vào tháng 1/2009, PTTEPAA đã lựa chọn đặt một trong bốn giếng khoan tại mỏ dầu Montara ở Biển Timor, cách thành phố Darwin của Australia 700 km và cách đảo Rote của Indonesia 240 km.

Cuộc điều tra năm 2010 cho thấy công việc này đã được thực hiện một cách cẩu thả. Ba thanh chắn kiểm soát dùng để đậy nắp giếng chưa được kiểm tra, tất cả đều bị thiếu và một thanh chắn chưa được lắp đặt đúng cách. “Vụ nổ không đơn giản chỉ là một sự cố đáng tiếc hay một điều xui xẻo. Những gì đã xảy ra với Giếng H1 là một tai nạn đang chờ xảy ra”, cuộc điều tra nêu rõ.

Sau sự cố tràn dầu, biển bắt đầu có mùi dầu hăng nồng và đầy cá chết. Trong ba ngày, rong biển của Sanda bị chết trắng.

Nuôi trồng rong biển là một ngành công nghiệp quan trọng đối với hàng nghìn người trong khu vực. Kể từ năm 2000, Indonesia đã nổi lên là nguồn cung cấp rong biển khô, thô hàng đầu thế giới, và các đảo phía đông của quần đảo này là nguồn cung cấp chính.

Nghề trồng rong biển đã chứng tỏ một lợi ích kinh tế lớn cho các ngôi làng dọc theo hàng nghìn km bờ biển Indonesia. Ảnh: Nyimas Laula / Reuters.

Ngành công nghiệp này đã chứng tỏ lợi ích kinh tế cho các ngôi làng dọc theo hàng nghìn km bờ biển. Các gia đình trước đây kiếm sống bằng nghề nông và đánh cá đã tìm thấy sự ổn định kinh tế nhờ nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu đối với sản phẩm của họ. Rong biển Indonesia được sử dụng trong thực phẩm, phân bón, dược phẩm và mỹ phẩm.

Hơn một nửa số hộ gia đình trong vùng chủ yếu đều dựa vào trồng rong biển để có thu nhập. Rong biển giúp họ xây nhà, đáp ứng tiền viện phí và cho con ăn học.

Những người nông dân đưa ra bằng chứng trong trường hợp của Sanda cho biết dầu tràn đến sau thảm họa ở mỏ Montara đã giết chết tất cả rong biển. Mặc dù bây giờ mọi thứ đã phát triển trở lại nhưng rong biển vẫn chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn.

Sanda buồn bã: “Trước khi có dầu, những vụ rong biển của tôi rất nhiều và khỏe mạnh, thu nhập từ việc thu hoạch rong biển cũng rất tốt. Năm 2009, sau khi xuất hiện dầu tràn, rong của tôi trắng và yếu, sau đó đều bị dòng nước cuốn trôi”.

Daniel Sanda, một nông dân trồng rong biển trên hòn đảo Rote của Indonesiabị ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa tràn dầu. Ảnh: Peter Rae / AAP.

Thế nhưng các luật sư của PTTEP đã phủ nhận sự cố lan dầu tại Indonesia và lập luận trước tòa rằng rong biển có thể đã bị ảnh hưởng bởi bệnh “băng giá”, hoặc do nhiệt độ nước biển tăng và biến đổi khí hậu.

'Chúng ta phải tiếp tục'

Ben Slade, giám đốc điều hành tại công ty luật Maurice Blackburn, đã khởi kiện tập thể PTTEP kể từ năm 2016. Slade cho biết quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên mang theo những trách nhiệm quan trọng, bao gồm cả nghĩa vụ chăm sóc những người bị ảnh hưởng bởi việc quản lý bất cẩn trong khi khai thác các tài nguyên.

“PTTEP Australia đã vô cùng bất cẩn. Việc quản lý giếng Montara không phù hợp với năng lực và hậu quả của sự thất bại đó là hơn 15.000 nông dân trồng rong biển bị thiệt hại kinh tế nghiêm trọng”, ông khẳng định.

Emily Mitchell, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Jubilee Australia, cho biết hàng chục nghìn cư dân nữa có thể đã bị ảnh hưởng.

“Ở phía đông Nusa Tenggara, 12 năm sau vụ tràn dầu, người dân vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về mức độ thiệt hại chứ chưa nói đến việc khắc phục thiệt hại đó như thế nào. Làm thế nào rừng ngập mặn sẽ phát triển trở lại? Nguồn cá sẽ được cải thiện như thế nào? Điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Mitchell nói rằng bản chất xuyên quốc gia của vụ tràn dầu đã khiến những nỗ lực đòi lại công bằng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Ferdi Tanoni thuộc Tổ chức Chăm sóc Tây Timor nói rằng chính phủ Úc và Indonesia phải 'có can đảm' để đảm bảo công lý được thực thi. Ảnh: Gabrielle Dunlevy / AAP.

Ferdi Tanoni quả quyết rằng PTTEP phải chấp nhận lỗi sai của mình,đồng thời chính phủ Australia và Indonesia phải “có can đảm” để đảm bảo công lý được thực thi.

“Mọi người liên tục gọi cho tôi và tôi nói với họ rằng hãy tiếp tục cầu nguyện và chúng ta sẽ chiến thắng. Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì khác ngoài con đường phải tiếp tục tiến lên”.

Mai Nguyễn (Theo The Guardian)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/12-nam-sau-su-co-tran-dau-montara-cuoc-song-van-muon-van-kho-khan-5678112.html