12 năm kỳ tích Biển Đông

Đã 12 năm trôi qua kể từ thời điểm BP và ConocoPhillips rút lui khỏi dự án thăm dò dầu khí tại lô 05-2 & 05-3, bể Nam Côn Sơn, thềm lục địa Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã được Chính phủ giao lại và tự phát triển dự án này. Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) được thành lập để thay Petrovietnam đứng ra điều hành, quản lý dự án với tên gọi dự án Biển Đông 01. Đến thời điểm hiện tại, cụm giàn khai thác Hải Thạch – Mộc Tinh vẫn là một trong những công trình dầu khí xa bờ nhất, lớn nhất trên Biển Đông của Petrovietnam và cũng là một dự án có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia.

Nộp ngân sách ít nhất 1 triệu USD mỗi ngày

Nằm trong 2 lô dầu khí 05-2 và 05-3 thuộc bể Nam Côn Sơn, thềm lục địa Việt Nam, Hải Thạch – Mộc Tinh nằm cách Vũng Tàu 320 km về phía Đông Nam, với độ sâu dưới mực nước biển từ 118 đến 145m và có cấu tạo địa chất thuộc loại phức tạp nhất.

Là vùng mỏ áp suất cao, nhiệt độ cao, dị thường áp suất rất lớn, tại giếng khoan sâu nhất ở mỏ Hải Thạch với chiều sâu thẳng đứng hơn 4.600m, nhiệt độ ở đáy giếng lên đến 190oC và áp suất vượt ngưỡng 890 atmosphere. Với nhiều lý do, trong đó, đặc biệt là sự phức tạp, khó khăn về mặt kỹ thuật của dự án khiến BP quyết định rời bỏ và chuyển giao lại cho Việt Nam sau khi mất 9 năm nghiên cứu và tiêu tốn hơn 500 triệu USD.

Sau khi các công ty nước ngoài rút lui, Petrovietnam tự phát triển dự án Biển Đông 01 thành công bằng những công nghệ thăm dò, khoan, khai thác, chế tạo cơ khí… hiện đại, tiên tiến bậc nhất bởi đặc thù địa chất đặc biệt ở nơi đây.

Dự án Biển Đông 01 bao gồm việc đầu tư thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo và lắp đặt 2 giàn khai thác đầu giếng tại 2 mỏ Mộc Tinh và Hải Thạch, mỗi giàn có khối lượng 14.000 tấn; 1 giàn xử lý trung tâm đặt tại mỏ Hải Thạch có khối lượng lên đến 30.000 tấn cấu kiện sắt thép và thiết bị. Dự án còn bao gồm việc xây dựng toàn bộ hệ thống đường ống nối từ giàn đầu giếng vào hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và hệ thống đường ống vận chuyển, cáp điện và cáp điều khiển nội mỏ; khoan 16 giếng khoan khai thác.

Dự án Biển Đông 01 tại thềm lục địa phía nam Việt Nam.

Dự án Biển Đông 01 tại thềm lục địa phía nam Việt Nam.

Với tổng khối lượng sắt thép và thiết bị lên đến hơn 60.000 tấn, cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh như một thành phố nổi ở thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc. Để dễ hình dung về khối lượng sắt thép khổng lồ này, xin gửi tới bạn đọc 1 vài phép so sánh. Khối lượng sắt thép để xây dựng cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh gấp gần 3 lần lượng thép được sử dụng để xây dựng sân vận động Wembley (sân vận động lớn nhất Vương quốc Anh và lớn thứ 2 châu Âu); tương đương khối lượng của 330 chiếc máy bay Boeing 747; tương đương 1.200 chiếc xe tăng hạng nặng…

BIENDONG POC là công ty được thành lập để trực tiếp quản lý, điều hành và khai thác dầu khí tại dự án Biển Đông 01 gồm hai cụm mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh. Sau 12 năm thành lập, BIENDONG POC đã đạt được nhiều thành tích, dấu ấn vô cùng tự hào. Sau hơn 7 năm từ khi xuất lô khí thương mại đầu tiên, BIENDONG POC đã khai thác được hơn 14 tỷ m3 khí, hơn 23 triệu thùng Condensate, đạt doanh thu lũy kế hơn 3,71 tỷ USD trên tổng chi phí gần 3,54 tỷ USD.

Ngày 21/06/2020, BIENDONG POC đạt 25 triệu giờ công lao động tuyệt đối an toàn kể từ khi đưa dự án vào vận hành khai thác. Ngày 27/08/2020, hoàn thành 100% sản lượng khai thác condensate, về đích sớm 126 ngày so với kế hoạch đặt ra của năm 2020. Ngày 20/11/2020, thực hiện an toàn và thành công 100 chuyến xuất bán condensate. Ngày 20/12/2020, được xác lập kỷ lục Việt Nam “Đơn vị tổ chức lễ chào cờ ở cụm giàn khai thác Hải Thạch - Mộc Tinh xa đất liền nhất trên Biển Đông”. Ngày 27/12/2020, đạt 3.000 ngày vận hành an toàn, không có tai nạn sự cố gây mất giờ công lao động…

Có thể nói, cho đến thời điểm này, dự án Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho Petrovietnam khi nộp NSNN ít nhất 1 triệu USD/ngày.

Tinh thần phụng sự Tổ quốc

Ngoài những đóng góp kinh tế cho đất nước, những người lao động của BIENDONG POC luôn mang trong mình tinh thần cống hiến hết mình, phụng sự Tổ quốc. Họ đều tự hào về truyền thống của ngành Dầu khí, của đơn vị, tự hào về ý chí nội lực, tinh thần yêu nước và khát vọng của những người làm công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và lấy đó làm cơ sở để xây dựng lòng tự trọng về nghề nghiệp và tác phong làm việc chuyên nghiệp, tất cả vì sự phát triển của đơn vị.

Là một đơn vị liên doanh có yếu tố nước ngoài, cụ thể là đối tác Gazprom EP International B.V – một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, tập thể lao động Quốc tế Việt - Nga BIENDONG POC luôn “Tự hào truyền thống - Tự trọng nghề nghiệp - Tự tin vững bước” để giữ vững ý chí tự tin, khát vọng vươn lên và vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Văn hóa dầu khí tại BIENDONG POC được gói gọn trong slogan “Đoàn kết một lòng để Biển Đông ngời sáng”, với quyết tâm nhất quán “Đồng lòng vượt khó, Đồng thuận tầm nhìn, Đồng hành đích đến”.

Lễ chào cờ vào ngày thứ 2 hàng tuần trên giàn Hải Thạch.

Cuối tháng 1/2021, những CBNV BIENDONG POC đã đại diện cho hơn 6 vạn người lao động ngành Dầu khí rước lá cờ từ giàn khai thác Hải Thạch về Vũng Tàu, qua TP Hồ Chí Minh đến cực Nam - đất Mũi Cà Mau, dừng chân ở 13 địa điểm gồm các công trình dầu khí tiêu biểu và địa danh lịch sử, kết thúc ở vùng đất thiêng liêng Vị Xuyên thuộc tỉnh cực Bắc Hà Giang. Các địa danh tiêu biểu có thể kể đến là đất mũi Cà Mau, Tượng đài quân nhân Việt – Nga và Đài tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma (Khánh Hòa), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), cầu Hiền Lương (Quảng Trị), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh), Quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang) và kết thúc tại đài hương 468 thuộc huyện Vị Xuyên (Hà Giang) – nơi được coi là chốn hội quân của các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên.

Lá cờ có một không hai ấy trải qua trọn một hành trình từ cương vực lãnh thổ phía Nam của Tổ quốc đến biên giới phía Bắc, như một lời khẳng định với các Anh hùng liệt sĩ rằng, nhờ có sự hy sinh của các anh, đất nước, non sông gấm hoa này được nối liền một dải.

Cảm mến tinh thần làm việc, tinh thần phụng sự Tổ quốc của những “người đi tìm lửa” trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã viết ca khúc “Biển Đông tung bay quốc kỳ”, trong ca khúc mới này có đoạn “… đặt tay lên trái tim, cùng hướng lên quốc kỳ, để giàn khoan hùng thiêng nước non Việt Nam…”. Ngoài nhiệm vụ "tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc", BIENDONG POC còn đồng thời thực hiện nhiệm vụ rất thiêng liêng là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Các cụm giàn khai thác Hải Thạch – Mộc Tinh không chỉ là cột mốc trên biển mà còn là chỗ dựa, là ngọn hải đăng, giúp cho bà con ngư dân yên tâm bám biển và thực hiện tốt trách nhiệm trong các tình huống cứu hộ, cứu nạn, các trường hợp ngư dân không may gặp nạn.

Cán bộ BIENDONG POC cứu ngư dân gặp nạn.

Tình yêu đất nước, tinh thần phụng sự Tổ quốc còn thể hiện qua lễ chào cờ đặc biệt được tổ chức ở cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh. Mỗi sáng thứ hai, gần 50 con người làm việc trên cụm giàn này đều thực hiện lễ chào cờ, tiếng quốc ca hòa cùng tiếng sóng. Chia sẻ về việc này, Tiến sỹ Ngô Hữu Hải - Tổng Giám đốc BIENDONG POC cho biết: “Lễ chào cờ Tổ quốc đầu tuần nhằm giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và biết ơn đối với thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; nhắc nhở toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động BIENDONG POC nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Thanh Hiếu

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/12-nam-ky-tich-bien-dong-601605.html