12 dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương: Năm 2020, sẽ xử lý dứt điểm các tồn đọng

Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), sau hơn 2 năm triển khai xử lý, 12 dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong quý I/2019, nhóm các dự án nhà máy sản xuất phân bón có kết quả sản xuất, kinh doanh khởi sắc.

Khởi sắc ở nhóm dự án phân bón

Tại phiên họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo của Chính phủ cuối tháng 3/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã đánh giá: Trên 75% khối lượng công việc được giao theo Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo giai đoạn 2017 - 2019 đến nay đã được hoàn thành.

Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc nhóm các dự án có kết quả sản xuất, kinh doanh khởi sắc

Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc nhóm các dự án có kết quả sản xuất, kinh doanh khởi sắc

Đến hết quý I/2019, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng tiếp tục sản xuất, kinh doanh có lãi, lợi nhuận đạt 18,263 tỷ đồng và đang được xem xét đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. 4 dự án còn lại vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất. Trong quý I/2019, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 30,25 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 5,47 tỷ đồng; Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 87,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

“Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất, kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và 1 dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động lại nhà máy. Một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các dự án cũng được tập trung xử lý có hiệu quả như dự án Nhà máy thép Việt Trung, dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ...”- báo cáo do Vụ Kế hoạch vừa công bố, nêu rõ.

Tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp pháp lý

Trước thực trạng của 12 dự án, Ban Chỉ đạo của Chính phủ cũng xác định còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục xử lý. Cụ thể, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục tập trung rà soát, cập nhật, đánh giá kỹ các vấn đề còn vướng mắc, tranh chấp ở các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của dự án; xây dựng kế hoạch, lộ trình công việc cần thực hiện để xử lý; thuê đơn vị tư vấn luật và tham vấn Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan để sớm xử lý dứt điểm. Trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề vướng mắc, cần đưa ra bên thứ ba (cơ quan trọng tài) để phân xử.

Trên cơ sở đó, đối với các doanh nghiệp (DN) đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thực hiện các biện pháp đổi mới quản trị DN, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, xây dựng kế hoạch thị trường… để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN. Coi đây là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên, phát huy tinh thần sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị, loại bỏ tâm lý “trông chờ” vào hỗ trợ của nhà nước.

Trước đó, ngày 10/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có phiên họp chuyên đề cùng Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và tập đoàn, tổng công ty có liên quan để bàn cách xử lý vấn đề này. Từ những kết quả đạt được trong hơn 2 năm qua và những chỉ đạo cụ thể từ Chính phủ, có thể tin tưởng đạt được mục tiêu đến năm 2020, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã giao Bộ Công Thương sớm có báo cáo Thủ tướng về việc bổ sung Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (Ủy ban) vào Ban Chỉ đạo. Ủy ban sẽ làm cơ quan đầu mối, thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/12-du-an-thua-lo-thuoc-nganh-cong-thuong-nam-2020-se-xu-ly-dut-diem-cac-ton-dong-119870.html