12.000 năm lịch sử sắp bị nhấn chìm ở Thổ Nhĩ Kỳ vì dự án 50 năm

12.000 năm lịch sử ở một thị trấn Thổ Nhĩ Kỳ sắp chìm trong biển nước để phục vụ cho việc xây đập thủy điện, bất chấp nhiều thập kỷ phản đối kịch liệt từ người dân.

Đồng hồ đã bắt đầu đếm ngược cho Hasankeyf.

Thị trấn giàu lịch sử ở tây nam Thổ Nhĩ Kỳ sắp bị phá hủy sau vài tuần nữa, khi giới chức nhất quyết làm ngập toàn khu vực trong quá trình xây dựng đập thủy điện Ilisu, bất chấp sự phản đối nhiều thập kỷ nay.

Hasankeyf được ước tính có tới 12.000 năm lịch sử, là một trong những nơi lâu đời nhất mà loài người định cư. Thị trấn nằm trong vùng Lưỡng Hà, nơi được coi là cái nôi của văn minh nhân loại, hình thành giữa hai sông Tigris và Euphrates ở khu vực Trung Đông ngày nay.

Qua nhiều thiên niên kỷ, các nền văn minh sau này như người La Mã, người Arab và người Ottoman đều để lại dấu ấn lên Hasankeyf. Đây không chỉ là thị trấn bình thường, mà như một bảo tàng ngoài trời, theo CBS News.

Một đứa trẻ bơi trên sông Tigris chảy qua thị trấn 12.000 năm tuổi Hasankeyf, sắp bị nhấn chìm trong biển nước để phục vụ việc xây đập Ilisu phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images.

Một đứa trẻ bơi trên sông Tigris chảy qua thị trấn 12.000 năm tuổi Hasankeyf, sắp bị nhấn chìm trong biển nước để phục vụ việc xây đập Ilisu phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images.

Phá hủy 12.000 năm lịch sử, sử dụng đập trong 50 năm

Nhưng ngày 8/10 tới đây, bảo tàng ngoài trời này sẽ bị rào lại. Quyết định do một vị thống đốc địa phương đưa ra ngày 24/8 khiến người dân phẫn nộ vì họ chỉ còn hơn một tháng để di dời, theo CNN.

Sau đó, các con phố, nhà, di tích lịch sử sẽ chìm trong nước. Ở đây chứa đựng nhiều di tích cổ xưa như cây cầu thế kỷ 12, lăng mộ hình trụ từ thế kỷ 15, tàn tích của hai thánh đường Hồi giáo và hàng trăm hang tự nhiên, theo CNN. Một số hang có từ thời kỳ đồ đá mới (Neolithic), có những hang tới nay vẫn có người ở, theo CBS News.

Sẽ chỉ còn một thành cổ ngoi lên, theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, vốn luôn nói xây đập sẽ có lợi ích kinh tế, thậm chí là môi trường.

Tin tức về việc Hasankeyf sắp không còn đã khiến nửa triệu du khách đến thăm thị trấn vào năm ngoái. Nhưng giới chức đã thông báo mọi ngả đường sẽ bị chặn bắt đầu từ ngày 8/10.

Góc nhìn xuống thung lũng từ một trong những hang cuối cùng có người sinh sống tại thị trấn cổ Hasankeyf. Ảnh: Getty Images.

Nhóm Sáng kiến Cứu sống Hasankeyf đã tụ họp các nhà hoạt động cùng 86 tổ chức trong nước và quốc tế cùng chiến đấu để ngăn dự án đập. Họ lập luận rằng nhà máy điện và con đập sẽ được sử dụng trong 50 năm, nhưng tổn thất về văn hóa, lịch sử và môi trường là vĩnh cửu.

“Điểm độc nhất của Hasankeyf là di sản văn hóa sống. Phong tục của người dân địa phương cho ta hình dung cách mà cư dân cổ xưa đã tiếp xúc với môi trường xung quanh như thế nào”, John Crofoot, một người Mỹ đã sống tại đây nhiều năm, nói với CBS News.

Anh thậm chí so sánh việc phá hủy Hasankeyf “có chủ đích” như việc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) phá hủy thành phố cổ Palmyra của Syria năm 2017.

Các nhà hoạt động đã thu thập hàng nghìn chữ ký để đòi chính phủ nộp đơn xin UNESCO đưa Hasankeyf vào danh sách phải được gìn giữ, nhưng không thành. Họ cũng tìm đủ mọi phương án pháp lý ở Thổ Nhĩ Kỳ, và cố gắng cuối cùng nhằm đưa lên Tòa án Nhân quyền châu Âu bị bác bỏ vì “không đủ điều kiện”.

Các nhà hoạt động lập luận rằng nhà máy điện và con đập sẽ được sử dụng trong 50 năm, nhưng tổn thất về văn hóa, lịch sử và môi trường là vĩnh cửu. Ảnh: CNN.

Phản đối nhiều thập kỷ bất thành

Dự án xây đập này được đề xuất từ những năm 1950, nhưng vướng kiện tụng nên mãi đến năm 2006 mới khởi công. Một khi hoàn thành, đây sẽ là đập lớn thứ tư trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ, có sản lượng điện 4.200 GW mỗi năm - tương đương lò phản ứng hạt nhân nhỏ - và cấp nước tưới tiêu cho các vùng xung quanh.

Nhưng người dân nói cái giá phải đánh đổi cho lượng điện năng này là quá lớn. Các chính phủ nước ngoài rút tiền ủng hộ vì lo ngại con đập sẽ ảnh hưởng đến lịch sử nghìn năm. Nhiều công ty châu Âu rút vốn cho dự án vào năm 2008.

Chính quyền đã xây dựng một bảo tàng tại thị trấn tái định cư để lưu giữ các di tích.

Các di tích, di vật được chuyển tới địa điểm mới, bao gồm cả lăng mộ Zeynel Bey thế kỷ 15, nặng 1.100 tấn.

Artuklu Hamam, nhà tắm công cộng tuổi thọ hàng thế kỷ, nặng 1.600 tấn, được đưa lên tấm lăn và chuyển đến địa điểm mới. Ảnh: AFP/Getty Images.

Kế hoạch sẽ khiến hàng nghìn người mất nhà cửa này đã khiến người dân giận dữ, dù chính quyền đã xây một thị trấn mới có 710 căn nhà tái định cư.

Gia đình Firat Argun đã sống ở Hasankeyf 300 năm nay. 6 đứa con của ông được sinh ra ở đây và ông cũng vậy. Trong những tháng tới, cuộc sống của gia đình Argun sẽ đảo lộn khi phải tái định cư.

“Chúng tôi đã hy vọng nhưng giờ thì mất hết rồi. Họ chỉ cho chúng tôi vài tháng”, ông nói với CBS News. “Tôi phải làm lại từ đầu. Như thể tôi mới bước ra thế giới vậy, không biết sẽ tốt hay xấu”.

Akif Ayhan, chủ tiệm bán thảm ở khu chợ cổ, nói khu tái định cư có nhiều vấn đề về hạ tầng, và dự đoán mọi người sẽ phải chuyển đi.

“Nếu bị buộc phải bỏ khu chợ, nhiều người sẽ phá sản”, ông nói với CBS News. “Họ sẽ thiệt hại lớn về tiền của. Chúng tôi cần một chương trình tạo việc làm, nhưng chưa ai hứa điều đó”.

Argun và nhiều người dân đã thất vọng và mệt mỏi sau nhiều thập kỷ đấu tranh bất thành, theo CBS News. “Chúng tôi chỉ đang đợi như đợi án tử hình”, ông nói. ”Trong vài tháng, chúng tôi sẽ đến dấu chấm hết. Tôi chỉ mong chúa bảo vệ chúng tôi”.

Các di tích, di vật được chuyển tới địa điểm mới, bao gồm cả lăng mộ Zeynel Bey thế kỷ 15, nặng 1.100 tấn. Ảnh: Getty Images.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/12000-nam-lich-su-sap-bi-nhan-chim-o-tho-nhi-ky-vi-du-an-50-nam-post983581.html