11 quy tắc an toàn cho trẻ khi ra ngoài mà cha mẹ phải tuyệt đối tuân thủ

Cẩn tắc vô áy náy, cha mẹ cần có những biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ trước khi quá muộn.

Có những quy tắc an toàn cha mẹ tuyệt đối không nên bỏ qua để bảo vệ con mình.

Cùng Gia Đình Mới tìm hiểu những cách đơn giản mà hiệu quả cha mẹ có thể làm để bảo vệ trẻ khi cho con ra ngoài.

1. Dạy con gọi điện mỗi khi đi ra ngoài và khi đến nơi

Đừng quên nhắc trẻ gọi điện khi về nhà hoặc đến điểm hẹn với bố mẹ.

Cha mẹ nên tập thói quen gọi điện cho nhau khi đến cơ quan hoặc đến điểm hẹn với người khác và không quên nhắc con làm điều tương tự.

Khi trẻ thấy vậy, chúng sẽ hiểu rằng đó không phải một hành động kiểm soát mà một cách để các thành viên trong gia đình quan tâm lẫn nhau.

2. Luôn tin tưởng con mỗi khi con kể về một chuyện kỳ lạ đã xảy ra với mình

Luôn tin con khi con kể về những người có hành động đáng ngờ, dù người đó thân thiết, gần gũi với trẻ hoặc với gia đình bạn.

Nếu trẻ kể điều gì kỳ lạ liên quan đến bạn bè, thầy cô giáo hoặc thậm chí người nhà, bạn bè của bạn, hãy tin lời chúng.

Bạn cần tìm hiểu kỹ tình huống đã xảy ra vì trong nhiều trường hợp, những kẻ bắt cóc và lạm dụng trẻ em thường là những người mà trẻ biết.

Nếu con gọi điện và nhờ bạn đến đón, hãy đến ngay lập tức. Nhiều khả năng trẻ không thể kể cho bạn về mối nguy hiểm hoặc điều chúng nghi ngờ qua điện thoại.

3. Lưu số điện thoại của bạn bè, thầy cô giáo, bạn cùng lớp cũng như các tổ chức tình nguyện và dịch vụ giải cứu

Nếu con bạn đột ngột không đến trường hoặc không có mặt ở chỗ mọi hôm bạn vẫn chờ đón con, bạn cần gọi điện hoặc nhắn tin cho người thân, bạn bè, bạn cùng lớp và thầy cô giáo của con ngay.

Ngoài ra, bạn cần lưu số điện thoại của các tổ chức giải cứu. Một điều cần lưu ý nữa là khi đã tìm được con, đừng quên báo cho mọi người biết rằng mọi chuyện đã ổn.

4. Trước khi đến chỗ đông người, chụp ảnh toàn thân của bé

Chụp ảnh toàn thân của con trước khi đến chỗ đông người, phòng trường hợp bất trắc bạn sẽ dễ tìm con hơn - Nguồn: Bright Side

Nếu con đi lạc, mô tả ngoại hình và quần áo bé mặc sẽ khó hơn là cho mọi người xem ảnh con cũng như đăng lên Facebook hoặc gửi cho bạn bè, người thân để nhờ tìm kiếm.

5. Nếu con bạn không nghe điện thoại và cũng không ai biết trẻ ở đâu, bạn cần tìm con ngay

Dù lý do trẻ mất tích là gì, bạn cần tìm con ngay. Thời gian đôi khi là kẻ thù lớn nhất của bạn trong những tình huống như vậy.

6. Dạy con cách phản ứng trong tình huống khẩn cấp

Luôn dành thời gian tâm sự và dạy con cách xử lý những tình huống khẩn cấp.

Trong tình huống khẩn cấp, con bạn có thể bối rối dù trên lý thuyết trẻ biết phải làm gì.

Hãy chuẩn bị thật kỹ cho con từ trước bằng cách liên tục lặp đi lặp lại địa chỉ nhà và số điện thoại của bố mẹ.

Ngoài ra, bạn có thể ‘diễn tập’ nhiều tình huống khác nhau, ví dụ: Phải làm gì khi con bạn lạc trong siêu thị, khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xử trí sao khi có người lạ định bắt cóc con, cho con kẹo hoặc nhờ con giúp đỡ.

Bạn có thể tìm hiểu thêm cách dạy con phản ứng trong tình huống khẩn cấp qua bài viết:

9 nguyên tắc an toàn cho trẻ cha mẹ buộc phải ghi nhớ

7. Tìm một địa điểm tập trung dễ thấy trong trường hợp con lạc bố mẹ

Dù trẻ có cầm theo điện thoại, nhiều khả năng điện thoại hết pin hoặc bị mất, v.v., vì thế tốt nhất là chọn một địa điểm tập trung dễ tìm như đài phun nước, cổng chính.

8. Sử dụng công nghệ

Cài đặt ứng dụng (ví dụ: Family Locator) trên điện thoại của con để xác định vị trí của trẻ và phát ra tín hiệu cầu cứu trong trường hợp khẩn cấp.

Nếu con bạn sử dụng điện thoại không có kết nối Internet, bạn có thể dùng các trang web định vị số điện thoại để biết con đang ở đâu.

Bạn cũng có thể mua chiếc vòng tay hoặc đồng hồ có định vị GPS cho con.

9. Để lại thông tin liên lạc của bạn trong túi quần áo của con

Viết số điện thoại của bạn cũng như của bạn bè, người nhà bạn vào một mẩu giấy kèm theo những thứ con bạn bị dị ứng (nếu có) và nhắc con luôn mang mẩu giấy này theo người.

10. Không quát mắng con nếu con đi lạc trở về

Khi trẻ đi lạc, trẻ rất sợ bạn sẽ tức giận chúng vì điều này. Do vậy, trẻ có thể bị cuống và không biết phải xử trí sao trong những trường hợp đó.

Khi dạy trẻ về những quy tắc an toàn, hãy nhấn mạnh với con là bạn sẽ không bao giờ mắng con.

Khi trẻ đi lạc trở về, hãy an ủi, ôm con, nhìn vào mắt trẻ và thở cùng nhịp điệu với trẻ.

Khi trẻ đã bình tĩnh, hãy hỏi con chuyện gì đã xảy ra và bố mẹ cùng con cái có thể làm gì để rút kinh nghiệm.

11. Tổ chức lớp học an toàn cho trẻ ở trường hoặc theo nhóm

Tổ chức các buổi học về tự vệ cho trẻ

Bạn có thể sắp xếp một buổi học trong nhóm bạn của con hoặc trong lớp con về cách phòng tránh những tình huống nguy hiểm và cách xử lý khi những tình huống đó xảy ra.

Không nên quá bi quan và lo xa khiến trẻ sợ sệt và đa nghi nhưng bạn cần liên tục dạy con về các quy tắc an toàn để đảm bảo con luôn được bình yên.

Quỳnh Anh

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/11-quy-tac-an-toan-cho-tre-khi-ra-ngoai-ma-cha-me-phai-tuyet-doi-tuan-thu-d1926.html