11 bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề thực hiện hơn 3.000 ca phẫu thuật

Thanh tra TP HCM đã có kết luận thanh tra tại BV Trưng Vương (thời kỳ thanh tra từ năm 2012-2018) và phát hiện nhiều sai phạm tại bệnh viện này.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2012-2018 có 11 bác sĩ ở Khoa Bỏng – tạo hình thẩm mỹ của BV Trưng Vương thực hiện hơn 3.000 ca phẫu thuật không có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ (tại thời điểm phẫu thuật).

Các bác sĩ hưởng tiền chênh lệch là thu lợi trái pháp luật, lợi dụng việc công để thu lợi riêng nên cần phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Có 6 bác sĩ thu lợi bất chính từ tiền chênh lệch (từ bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ có sử dụng vật liệu nhân tạo, nhãn hiệu VLNT) với số tiền gần 4 tỉ đồng.

Thực chất, khoa này đã không xây dựng quy trình khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú; không lập kế hoạch phẫu thuật trong tuần trình Ban Giám đốc bệnh viện.

 Bệnh viện Trưng Vương.

Bệnh viện Trưng Vương.

Đáng chú ý hơn là những sai phạm trong thực hiện thu chi tài chính tại đây. Cụ thể, từ năm 2012-2018, khoa này thu từ hoạt động thẩm mỹ và các hoạt động khám chữa bệnh bỏng là hơn 71 tỉ đồng. Nhưng người đứng ra thu tiền của bệnh nhân khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật thẩm mỹ là chính bác sĩ, điều dưỡng của khoa. Việc này rõ ràng không đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định Và do tự thu tiền nên khoa này đã không lập hóa đơn, kê khai doanh thu chịu thuế, không theo dõi thu chi trong thời gian dài là không thực hiện đúng quy định.

Thanh tra TPHCM xác định BV Trưng Vương không mua sắm VLNT từ năm 2012-2018 là thực hiện không đúng quy định của Bộ Y tế, dẫn đến việc bác sĩ của bệnh viện tự mua hoặc giới thiệu bệnh nhân đi mua VLNT.

Thanh tra TP HCM kiểm tra hồ sơ bệnh án phát hiện các bệnh nhân đặt túi ngực thì đa số có dán tem nhãn hiệu VLNT. Trong khi bệnh nhân được độn cằm, mũi, tiêm chất làm đầy phần lớn hồ sơ bệnh án không dán tem nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ trong hồ sơ. Việc này vừa không đúng quy định của Bộ Y tế, vừa tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.

Khi bệnh nhân đến khoa làm phẫu thuật, bệnh nhân chọn vật liệu nhân tạo và giá cả, bác sĩ, điều dưỡng của khoa sẽ thu hộ tiền. Các loại tiền công thủ thuật, phẫu thuật, chi phí vật tư y tế sẽ được nộp lại về Phòng tài chính - kế toán của bệnh viện, riêng tiền vật liệu nhân tạo sẽ giữ lại, bác sĩ dùng thanh toán trực tiếp cho công ty cung cấp và giữ lại phần chênh lệch.

Để tránh nhầm lẫn thu tiền của bệnh nhân, đóng tiền công phẫu thuật cho bệnh viện và trả lại tiền thừa cho bác sĩ, điều dưỡng sẽ ghi chép sổ riêng.

Đây là nguyên nhân phát sinh các khoản thu lợi trái pháp luật của các bác sĩ trong thời gian dài, trong khi đó lại không có hồ sơ pháp lý để theo dõi, quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ mặt hàng VLNT.

Những sai phạm Thanh tra TP HCM nêu trong kết luận thuộc về trách nhiệm của Giám đốc BV Trưng Vương, trưởng phòng Tài chính - Kế toán, trưởng phòng Trang thiết bị - Vật tư y tế, trưởng khoa Bỏng – tạo hình thẫm mỹ và các cá nhân có liên quan trong thời kỳ thanh tra.

Trước đó, năm 2019, Thanh tra TP HCM đã ban hành kết luận thanh tra toàn diện Bệnh viện Trưng Vương, chỉ ra hàng loạt sai phạm trong liên doanh liên kết, mua sắm, tài chính... Riêng đối với các sai phạm tại khoa bỏng, cơ quan thanh tra thấy cần làm rõ thêm nên đã lập đoàn thanh tra riêng với nội dung này./.

Tuấn Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/soc-11-bac-si-khong-co-chung-chi-hanh-nghe-thuc-hien-hon-3-000-ca-phau-thuat-99757.html