11,7 triệu người dân Syria cần được hỗ trợ nhân đạo trong năm 2019

Khoảng 40% số trẻ em ở Syria không được đi học, trong khi 2 triệu người vẫn đang phải sống phụ thuộc vào các nguồn nước sạch được tiếp tế.

Người dân Syria tại trại tị nạn al-Hol ở al-Hasakeh, miền bắc Syria, ngày 8/12/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Người dân Syria tại trại tị nạn al-Hol ở al-Hasakeh, miền bắc Syria, ngày 8/12/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Các nhu cầu về viện trợ nhân đạo ở Syria hiện vẫn còn ở mức cao, với khoảng 11,7 triệu người cần được hỗ trợ ngay trong năm 2019 này.

Đó là kết luận của Giám đốc điều hành và vận động của Văn phòng Điều phối các vấn đề về nhân đạo thuộc Liên hợp quốc (OCHA) - bà Reena Ghelanicho.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Trung Đông, bà Reena Ghelanicho cho biết riêng tại khu vực Tây Bắc Syria hiện có khoảng 2,7 triệu người đang chờ được hỗ trợ nhân đạo.

Khoảng 40% số trẻ em ở Syria không được đi học, trong khi 2 triệu người vẫn đang phải sống phụ thuộc vào các nguồn nước sạch được tiếp tế.Bà Reena Ghelanicho nêu rõ "đảm bảo tiếp cận nhân đạo bền vững là rất quan trọng," trong bối cảnh "nguy cơ leo thang quân sự và hậu quả nhân đạo thảm khốc có thể xảy ra."

Bà đồng thời nhấn mạnh cần duy trì và thực hiện đầy đủ thỏa thuận về khu vực phi quân sự ở tỉnh Idlib - Tây Bắc Syria - mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí hồi tháng 9/2018.

Các báo cáo cho biết các vụ giao tranh đã lại tái diễn thời gian gần đây, gây thương vong cho hàng chục dân thường. Hơn 36.000 người đã phải rời bỏ nơi ở do bị pháo kích dữ dội.

Nhiều người trong số đó đã di chuyển lên khu vực phía Bắc và hiện đang lánh nạn trong các khu trại ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại cuộc họp, đại diện thường trực của Nam Phi tại Liên hợp quốc - bà Jerry Matjila cũng chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo ở Syria và kêu gọi Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ tài chính và hàng hóa cho quốc gia Trung Đông này.

Bà Jerry Matjila kêu gọi thực thi đầy đủ Nghị quyết 2449, trong đó kiểm soát tốt hơn đường biên giới và nguồn viện trợ nhân đạo đến Syria thông qua đường biên giới.

Đại diện Nam Phi đồng thời tái khẳng định quan điểm rằng cách duy nhất để tháo gỡ cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua ở Syria là đạt được giải pháp chính trị thông qua các cuộc đối thoại do chính phủ Syria đứng đầu, trong đó đáp ứng nguyện vọng của người dân và đảm bảo quyền lợi của mọi nhóm xã hội ở quốc gia Trung Đông này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/117-trieu-nguoi-dan-syria-can-duoc-ho-tro-nhan-dao-trong-nam-2019/555011.vnp