1001 thắc mắc: Loài động vật nào sát hại anh chị em ngay từ trong bụng mẹ?

Cá mập hổ cát là loài duy nhất trong tự nhiên được biết đến với tập tính giết hại 'anh chị em' từ khi còn chưa thấy ánh sáng mặt trời.

Cá mập hổ cát (Carcharias taurus) là loài duy nhất trong tự nhiên được biết đến với tập tính giết hại "anh chị em" .

Cá mập hổ cát (Carcharias taurus) là loài duy nhất trong tự nhiên được biết đến với tập tính giết hại "anh chị em" .

Cá mập hổ cát thường có màu nâu xám với những đốm màu loang lổ giống gỉ sắt phía trên lưng và phần bụng dưới màu trắng. Chúng có chiếc mõm lớn dẹt giống hình dáng một chiếc nón và cái đuôi khá đặc biệt với phần thùy trên dài hơn đáng kể so với phần thùy dưới . Một số cá thể nổi bật có thể đạt tới chiều dài từ 6,5 đến 10,5 feet (hơn 3 mét).

Cá mập hổ cát là loài cá mập duy nhất được biết đến có thói quen bơi gần bề mặt nước và nuốt không khí. Chúng sẽ giữ lượng không khí này trong dạ dày vì nó cho phép chúng có thể nổi trên mặt nước để dễ dàng tìm kiếm con mồi. Chúng cũng là những kẻ săn mồi rất tham lam khi thường kiếm ăn vào ban đêm và thường ở gần đáy biển.

Thức ăn chủ yếu của chúng là các loài cá nhỏ, nhưng đôi chúng cũng ăn cả một số và mực. Đôi khi chúng cũng săn mồi theo nhóm và thậm chí còn được biết đến khi dám tấn công cả những lưới đánh cá của ngư dân.

Cá mập hổ cát - giết nhau từ trong bụng mẹ

Mặc dù loài cá mập này được phân bố khá rộng rãi và ít khi bị đánh bắt để làm thức ăn nhưng chúng lại có tỷ lệ sinh sản thấp nhất trong số tất cả và thường xuyên phải đối mặt với áp lực vì số lượng loài luôn ở mức tối thiểu. Vì lý do này, chúng được liệt kê vào danh sách dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ trong phạm vi nhất định.

Thời gian mang thai của Cá mập hổ cát lên tới 9 tháng. Những con cá mập hổ cát non thậm chí ăn thịt cả anh em của chúng khi còn ở trong dạ con, đây là một hình thức ăn thịt đồng loại độc đáo của loài này.

Vì cá mập hổ cát cái có tới hai tử cung, nên nó chuẩn bị rất nhiều trứng. Quái lạ là ngay cả khi vẫn còn nằm trong bụng mẹ, phôi cá mập hổ cát con đã phát triển răng. Nó sẽ dùng "vũ khí" ấy mà ngấu nghiến những phôi bên cạnh, không tha cả mớ trứng chưa được thụ tinh luôn.

Cuối cùng, chỉ còn đúng 2 cá mập hổ cát con (mỗi tử cung một con) chào đời. Nhờ được "rèn giũa" từ trong bụng mẹ mà vừa mới thoát ra ngoài, nó đã thành chúa tể săn mồi giữa lòng đại dương.

Livescience đưa tin các nhà sinh học hải dương của Đại học Stony Brook tại Mỹ phân tích phôi thai trong tử cung của những con cá mập hổ cát (Carcharias taurus) trong nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển. Họ nhận thấy ban đầu số lượng phôi thai trong bụng cá mập lên tới 12.

Chúng là sản phẩm của nhiều ông bố. Song số lượng phôi giảm dần theo thời gian do phôi lớn nhất nuốt chửng những phôi còn lại. Ở thời điểm cuối cùng của thai kỳ, chỉ còn hai phôi thai tồn tại trong dạ con, bao gồm phôi lớn nhất và một phôi khác. Điều đáng chú ý là hai phôi đó thường có DNA giống nhau, nghĩa là chúng có nguồn gốc từ một bố.

"Ở một số loài, cuộc đấu tranh để giành quyền làm cha không chỉ diễn ra khi những con đực cạnh tranh với nhau để giao phối với con cái, mà còn tiếp diễn tới tận quá trình phát triển của bào thai", Demian Chapman, một thành viên trong nhóm nghiên cứu phát biểu.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, quá trình tiêu diệt lẫn nhau giữa các phôi thai làm giảm số lượng con. Nhờ thế mà cá mập hổ cát sinh ra những đứa con khỏe mạnh hơn so với những loài cá mập khác. Ngoài ra, việc hai bào thai có nguồn gốc từ một bố cho thấy các phôi lớn có thể nhận ra những "anh" hoặc "em" cùng bố nên chúng không tiêu diệt. Như vậy, cá mập cái giao phối với nhiều cá đực, song chỉ một "anh chàng" có cơ hội truyền gene cho thế hệ sau.

Những loài vật tàn bạo nhất trong thế giới động vật

Cò tuyết – vụ sát hại rùng rợn nhất

Cò tuyết (Egretta thula) là một loài chim có vẻ ngoài khá đẹp với bộ lông trắng muốt. Nhưng cuộc sống của chúng lại đen tối hơn cái vẻ ngoài ấy rất nhiều, và nó bắt đầu ngay từ khi sinh ra.

Cò tuyết thường đẻ 3 trứng, nhưng quả thứ ba lại chỉ nhận được có 1/2 hormone so với bình thường. Tất nhiên là với lượng hormone thiếu thốn ấy, con non "bị chọn" sẽ yếu ớt hơn hai con còn lại rất nhiều.

Nếu dư dả thức ăn, hai con anh chị sẽ để em út tự chết. Còn nếu thiếu đói, chúng sẽ ngấu nghiến em chúng, hoặc chí ít thì cũng mổ cho đến chết hay hất văng ra khỏi tổ.

Đại bàng vàng – bạo hành anh em nở sau đến chết

Một tổ chim đại bàng vàng (Aquila chrysaetos) thường rất rộng, khoảng từ 1,5-2,4m và cao tầm 61cm. Nhưng trứng đại bàng vàng lại không nở cùng lúc, mà cách nhau khoảng 1, 2 ngày.

Ngay khi "chim cả" mổ vỏ trứng chui ra ngoài, cuộc bạo hành đã bắt đầu. Nó vừa giành giật hết phần thức ăn cha mẹ tha về, vừa mổ đám em tới tấp.

Thường thì chỉ sau cỡ vài tuần là "em hai", "em ba" tử vong hết. Và dù rõ ràng là đại bàng cha mẹ có thể can thiệp, nhưng chúng lại không bao giờ làm như vậy.

Linh cẩu - mẹ cản cũng không được

Khác với đại bàng vàng thản nhiên nhìn con cái mổ giết lẫn nhau, linh cẩu nỗ lực can ngăn chúng. Có điều, chỉ cần con mẹ sểnh ra một cái, đám "chíp hôi" mới nứt mắt đã lại lao vào cắn xé nhau rồi.

Không như hầu hết các loài thú có vú lúc mới sinh đều chưa mọc răng, linh cẩu con vừa chào đời đã có luôn bộ hàm sắc nhọn. Chúng cũng mở mắt nhìn hau háu chứ không nhắm tịt, và nhanh chóng lao vào cuộc chiến xác định thứ bậc.

Ấu trùng ong ký sinh Cotesia congregata - thảm sát con đực

Cotesia congregata là một trong những loài ong ký sinh tàn độc nhất thế giới tự nhiên. Sau khi chọn được một con sâu vừa ý, nó sẽ đẻ lên mình vật chủ 2 quả trứng, 1 đực và 1 cái.

Nhưng không chỉ vậy đâu! Hai quả trứng này nhanh chóng tự nhân bản, tạo ra chừng 200 ấu trùng đực và 1200 ấu trùng cái. Trong số các ấu trùng cái ấy, có khoảng 50 con phát triển sớm hơn. Chúng có bộ hàm sắc khỏe nhưng lại không có bộ phận sinh dục.

Vì chỉ cần 1, 2 con ong đực chào đời là đủ để kết hợp với đám chị em của nó, nên đội quân "nữ quyền" bắt đầu cuộc thảm sát. Bằng cách di chuyển khắp thân thể con sâu, chúng liên tục tìm diệt và nuốt sống đám "trai non" còn chưa kịp biết mùi đời là gì.

Kỳ giông hổ - hết nạc mới vạc đến xương

Trong các loài sát hại anh chị em, kỳ giông hổ (Ambystoma tigrinum) là loài... ít ác nhất. Nó sẽ chỉ xơi tái các "gà cùng một mẹ" khi không còn "hàng xóm" nào nữa để ăn mà thôi.

Kỳ giông hổ con chào đời dưới nước, bắt đầu cuộc sống ở dạng nòng nọc. Tuy nhiên, chúng lại phân chia thành 2 dạng biến đổi khác nhau, một dạng bình thường và một dạng "ăn thịt đồng loại".

Dạng "ăn thịt đồng loại" có đầu, miệng và răng lớn hơn. Nó cũng chỉ xuất hiện trong điều kiện nước ao đang dần khô cạn hoặc quá khan hiếm thức ăn.

Thần kỳ là kỳ giông hổ có thể phân biệt đâu là "anh chị em" của nó, còn đâu chỉ là "người dưng". Trừ khi không còn "kẻ lạ" nào khác để lấp đầy cái dạ dày, nó tuyệt đối chưa tấn công "người nhà".

Video Cá mập hổ cát sục sạo bắt cá bơn nấp dưới đáy biển:

Đỗ Hợp (T/H)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/1001-thac-mac-loai-dong-vat-nao-sat-hai-anh-chi-em-ngay-tu-trong-bung-me-1665760.tpo